Sao không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

22/02/2023 - 06:18

PNO - Năm 2022, tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THPT của cả nước là 98,57%, riêng học sinh hệ THPT đạt 99,16%, có trường đạt 100%. Hiện nay, các trường đại học áp dụng nhiều cách xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả tốt nghiệp THPT cũng ở mức khá thấp. Điều này đặt ra câu hỏi: sao không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trả việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương?

Trường đại học ít xem trọng kết quả tốt nghiệp THPT

Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. 

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - ẢNH: TRẦN HUY
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TPHCM - Ảnh: Trần Huy

Cũng theo bộ này, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Tuy nhiên, trong các kỳ tuyển sinh đại học gần đây, ngày càng nhiều trường đại học tổ chức kỳ thi riêng để đánh giá đúng hơn năng lực của thí sinh, phù hợp với mục tiêu xét tuyển của trường.

Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, có 6 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển và hàng trăm trường đại học lấy kết quả này để xét tuyển. Các kỳ thi riêng gồm bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, kỳ thi riêng của ngành công an, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỳ thi riêng của Trường đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi riêng của Trường đại học Sư phạm TPHCM.

Trong kỳ tuyển sinh đại học tới, các trường đại học phía Bắc giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 2023: Trường đại học Kinh tế Quốc dân quyết định sử dụng 72% chỉ tiêu xét tuyển từ các kỳ thi riêng (năm 2022 là 60%), chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 35% xuống còn 25%, còn lại là tuyển thẳng, xét chứng chỉ… 

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở TP Hà Nội - ẢNH: ĐẠI MINH
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở TP Hà Nội - Ảnh: Đại Minh

Năm 2023, Trường đại học Thương mại sử dụng 8 phương thức xét tuyển, trong đó có 7 phương thức cũ của năm 2022 và thêm phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự kiến, năm 2023, Trường đại học Thương mại sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT (có thể giảm khoảng 10%) và tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát - Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Mỏ Địa chất - cho hay, hiện tại, các trường đại học ở miền Bắc cũng đang xây dựng kỳ thi đánh giá tư duy và khi có một trung tâm độc lập đánh giá tư duy tốt, các trường có thể dựa vào đó để làm căn cứ xét tuyển. Điều này là tất yếu và khi đó, chỉ tiêu xét tuyển đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT chắc chắn sẽ giảm hơn nữa. Hiện nay, Trường đại học Mỏ Địa chất cũng dự kiến giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ở phía Nam, Đại học Quốc gia TPHCM cũng vừa công bố danh sách gần 90 trường đại học, cao đẳng sử dụng điểm thi đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển.

Bỏ được nếu có chuẩn đầu ra 

Theo ông Nguyễn Đức Khoát, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai. Bộ chỉ cần giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ đến hết năm 2024. Sang năm 2025, khi học sinh tất cả các khối lớp đã học chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT cũng nên tính đến việc trả kỳ thi tốt nghiệp về các địa phương. Tất nhiên, việc này cũng phải có lộ trình và cách làm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu trả về địa phương cũng cần phải có lộ trình rõ ràng (trong ảnh: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội) - Ảnh: Đại Minh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu trả về địa phương cũng cần phải có lộ trình rõ ràng (trong ảnh: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Hà Nội) - Ảnh: Đại Minh

Theo ông, trong giai đoạn đầu, Bộ GD-ĐT vẫn lên khung đề thi, đứng ra tập huấn từ 1-2 năm để các địa phương quen dần, sau đó mới giao quyền và hỗ trợ cho các địa phương để tạo sự công bằng cho học sinh giữa các vùng miền. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn kiểm soát thời gian tổ chức các kỳ thi, đề thi. 

Thực tế, sức học của học sinh các địa phương không giống nhau, nên việc đưa kỳ thi về địa phương sẽ phù hợp năng lực của học sinh hơn, việc đánh giá học sinh cũng chuẩn hơn so với cách ra đề thi tốt nghiệp THPT chung. Hiện tại, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức và hầu hết học sinh đều tốt nghiệp khiến nhiều người cho rằng việc tổ chức này gây lãng phí tiền bạc và mang tính cào bằng. 

“Lâu nay, dư luận nhìn vào sự cào bằng đó và cho rằng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng bản chất kỳ thi không phải thế vì Luật Giáo dục quy định phải tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, học lực của học sinh các địa phương là khác nhau nên khi để các địa phương tổ chức kỳ thi, học sinh sẽ được đánh giá chuẩn hơn, đúng mực hơn” - ông Nguyễn Đức Khoát nói. 

Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - thì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia có thể bỏ được nhưng phải có điều kiện. Việc tùy tiện giao cho địa phương tổ chức sẽ làm hỏng cả hệ thống giáo dục phổ thông. Với cách tổ chức kỳ thi như hiện nay, năm nào cũng trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp thì dư luận lại càng có cớ “thế thì sao phải thi”. 

Ông lý giải: Với kỳ thi tiêu chuẩn, đề thi thực sự chuẩn hóa, có khoảng 70 - 80% thí sinh thi đỗ (đạt chuẩn). Đây là tỉ lệ phổ biến ở các nước áp dụng đề thi chuẩn hóa. Điều này là hoàn toàn phù hợp bởi với kết quả đó, các em sẽ có thêm động lực học tập để vượt qua kỳ thi. Thực tế hiện nay, một số nước đã bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Thay vì tổ chức thi, họ đánh giá kết quả học sinh sau 12 năm học căn cứ vào bảng điểm.

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thả lỏng hoàn toàn cho các trường thì các địa phương sẽ đua nhau chạy theo thành tích, chắc chắn sẽ gây rối loạn, bất ổn. Do vậy, nếu muốn bỏ kỳ thi này, phải có hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông, hình thành văn hóa “chất lượng bám chặt vào chuẩn đầu ra”. 

Ngoài ra, khi giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương, phải đồng thời giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương: chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước người dân, trước Chính phủ về những tiêu cực xảy ra trong tỉnh mình. Khi đó, các bộ phận bên dưới sẽ chịu trách nhiệm với người đứng đầu tỉnh. 

Chuẩn hóa đề thi để làm thước đo chất lượng

Thực tế hiện nay, bệnh thành tích rất lớn. Nếu giao kỳ thi tốt nghiệp về các địa phương khi chưa hình thành văn hóa chất lượng thì khó bảo đảm được chất lượng giáo dục phổ thông. Giáo dục phổ thông không tốt thì không thể có chất lượng giáo dục đại học tốt. Để làm được điều này, mức độ đánh giá của các trường phải giống nhau, tương đương nhau, tức là toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông đã được kiểm định, gắn chặt với chuẩn đầu ra, hoàn toàn không có chuyện trường này đánh giá lỏng còn trường kia đánh giá chặt.

Hiện nay, chúng ta mới làm mạnh vấn đề chất lượng giáo dục ở bậc đại học và chưa biết đến bao giờ mới làm được điều này ở bậc phổ thông. Do vậy, giải pháp tối ưu hơn cả là nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia bằng cách tiếp tục hoàn thiện đề thi, sao cho đạt được mức độ chuẩn hóa thực sự. Khi đề thi chuẩn hóa, mới yên tâm vào kết quả thực chất của kỳ thi.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT phải huy động một nguồn nhân lực khổng lồ phục vụ cho hơn 1 triệu thí sinh dự thi. 

Sơ bộ, riêng công tác thanh tra, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Bộ GD-ĐT huy động khoảng 8.000 giảng viên đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra ở cả hai khâu tổ chức thi và chấm thi.

TPHCM là 1 trong 2 địa phương có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lớn nhất nước với hơn 85.000 thí sinh. TPHCM cũng đã huy động 10.654 cán bộ coi thi, 1.896 nhân viên phục vụ điểm thi, 316 công an trực.

Hay tại Hà Nội, Sở GD-ĐT đã huy động hơn 14.000 cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác coi thi, 64 người tham gia công tác in sao đề thi, hơn 600 cán bộ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi.

Dù không có thống kê chính thức con số tiêu tốn cho việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong cả nước, nhưng dựa trên kinh phí thực tế ở địa phương, đã có chuyên gia ước tính có thể lên đến 1.000 tỉ đồng. 

Dĩ nhiên, nếu chỉ xét tốt nghiệp thì sẽ cắt giảm nhiều chi phí như ra đề, in sao đề, giám thị, thanh tra, chấm bài…

Bảo đảm công bằng cho học sinh vùng sâu, vùng xa

Theo ông Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm, TP Hà Nội - nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay và để các địa phương tự công nhận: “Nếu học sinh có nhu cầu thi để dùng kết quả dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì bộ nên tổ chức cuộc thi này để làm căn cứ cho các trường lấy điểm xét tuyển. Thế nhưng hiện nay, các trường đại học đa dạng hóa phương thức xét tuyển và chỉ tiêu dành cho kết quả tốt nghiệp THPT khá thấp”.

Cũng theo ông Nguyễn Công Sở, trước đây, khi các trường đại học vào cuộc thì kết quả cuộc thi này khá khách quan, phản ánh tương đối chính xác năng lực học. Thêm nữa, việc học sinh thi trượt đại học hay cao đẳng cũng là bình thường, giúp học sinh biết rõ năng lực học của bản thân và định hướng nghề nghiệp cho chính xác. Việc Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung có thể dẫn đến tình trạng học sinh không có nhu cầu học đại học bị trượt tốt nghiệp. Việc không có bằng THPT thực sự là áp lực với cả học sinh và phụ huynh.

Ông cho rằng, hiện nay, học sinh lớp Mười bắt đầu học theo chương trình phổ thông mới mà đến 2025 mới biết phương thức thi hay xét tuyển vào các trường đại học. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho các trường THPT. Bởi lẽ, thi là để đánh giá kết quả dạy và học, ghi nhận sự cố gắng của học sinh mà bây giờ các trường cứ tự mò mẫm, trong khi các trường đại học lại áp dụng nhiều cách xét tuyển, trong đó có trường dựa vào chứng chỉ tiếng Anh. “Điều đó tạo ra sự bất công đối với học sinh vùng cao, tỉnh lẻ, bởi các em làm gì có điều kiện để học IELTS? Vậy thì có học giỏi cũng không có cơ hội” - ông nói. 

Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Khoát, ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện thiếu thốn, học sinh sẽ thiệt thòi nếu các trường đại học dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ hay kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Do đó, Bộ GD-ĐT cần ban hành chính sách cử tuyển cho học sinh vùng khó khăn và cũng phải có lộ trình rõ ràng.

Đại Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI