Sao Hỏa “đắt khách” đầu năm với nhiều sứ mệnh không gian thành công

19/02/2021 - 19:31

PNO - Trong tháng 2/2021, những sứ mệnh không gian từ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Trung Quốc và Mỹ lần lượt tiếp cận và gửi những hình ảnh đầu tiên của sao Hỏa về Trái Đất.

“Người hàng xóm” sao Hỏa cách Trái Đất ít nhất 54,6 triệu km (điểm gần nhất giữa 2 quỹ đạo) và là hành tinh gần nhất với chúng ta trong hệ Mặt Trời. Do đó bên cạnh Mặt Trăng, tiếp cận hành tinh Đỏ chính là mục tiêu quan trọng của các sứ mệnh không gian lớn trên thế giới.

Hạ cánh an toàn

Tàu thám hiểm tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hạ cánh trên bề mặt sao Hỏa hôm 18/2, sau một cuộc hành trình 203 ngày vượt qua 472 triệu km.

Được trang bị công nghệ đột phá, sứ mệnh Mars 2020 được NASA phóng lên vào ngày 30/7/2020, từ Trạm Lực lượng Không gian Cape Canaveral ở bang Florida. Nhiệm vụ đánh dấu bước đầu tiên đầy tham vọng trong nỗ lực thu thập các mẫu vật chất sao Hỏa và đưa chúng về Trái Đất.

Những hình ảnh về bề mặt sao Hỏa do sứ mệnh của NASA gửi về Trái Đất
Những hình ảnh về bề mặt sao Hỏa do sứ mệnh của NASA gửi về Trái Đất

Quản trị viên NASA Steve Jurczyk nhận định: “Lần hạ cánh này là một trong những khoảnh khắc quan trọng đối với NASA, Mỹ và công cuộc khám phá không gian trên toàn cầu. Chúng tôi đang trên đỉnh cao của sự khám phá, và sẵn sàng  viết lại sách giáo khoa”.

Với kích thước của một chiếc ô tô, cỗ máy địa chất học và sinh vật học thiên văn nặng khoảng 1 tấn sẽ trải qua vài tuần thử nghiệm trước khi bắt đầu cuộc điều tra khoa học kéo dài 2 năm về miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa.

Trong khi tàu thám hiểm điều tra đất đá, trầm tích của đồng bằng sông và lòng hồ cổ của Jezero để mô tả đặc điểm địa chất, khí hậu trong quá khứ của khu vực, một phần cơ bản trong nhiệm vụ của nó là sinh học thiên văn, bao gồm cả việc tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại.

Để đạt được mục tiêu đó, chiến dịch “Lấy mẫu sao Hỏa”, đang được NASA và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) lên kế hoạch, cho phép các nhà khoa học trên Trái Đất nghiên cứu các mẫu được thu thập bởi Perseverance nhằm tìm kiếm các dấu hiệu xác thực về sự sống, bằng các công cụ lớn và phức tạp không thể gửi trục tiếp tới hành tinh Đỏ.

Các chuyên gia của NASA vui mừng khi tàu thám hiểm hạ cánh thành công lên bề mặt sao Hỏa hôm 18/2
Các chuyên gia của NASA vui mừng khi tàu thám hiểm hạ cánh thành công lên bề mặt sao Hỏa hôm 18/2

Những hình ảnh đầu tiên

Hôm 14/2, Cơ quan vũ trụ quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã công bố những hình ảnh đầu tiên về hành tinh Đỏ, vài ngày sau khi sứ mệnh tàu vũ trụ của nước này đi vào quỹ đạo sao Hỏa thành công.

Những hình ảnh của "núi lửa lớn nhất trong hệ mặt trời" Olympus được lấy từ độ cao 24.700km phía trên bề mặt sao Hỏa vào ngày thứ Tư 10/2, một ngày sau khi thăm dò vào quỹ đạo của hành tinh.

Tàu thăm dò Amal (hay “Hope”), đã đến sao Hỏa sau chuyến hành trình kéo dài 7 tháng, đưa UAE trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên thực hiện thành công sứ mệnh liên hành tinh.

Hình ảnh sao Hỏa do tàu thăm dò Amal gửi về Trái Đất
Hình ảnh sao Hỏa do tàu thăm dò Amal gửi về Trái Đất

UAE mong muốn tiết lộ những bí mật về thời tiết sao Hỏa thông qua sứ mệnh của mình, dự kiến ​​sẽ dành 2 năm trên quỹ đạo, chụp ảnh và nghiên cứu bầu khí quyển và sự thay đổi mùa của hành tinh. Đất nước này cũng muốn trở thành nguồn cảm hứng cho giới trẻ trong khu vực.

UAE là quốc gia thứ 5 trên thế giới chạm tới hành tinh Đỏ. "Hope" trở thành tàu vũ trụ đầu tiên trong 3 tàu vũ trụ đến sao Hỏa trong tháng này, sau khi Trung Quốc và Mỹ cũng thực hiện sứ mệnh hồi tháng 7/2020.

Riêng tàu thăm dò Tianwen-1 của Trung Quốc đã gửi hình ảnh đầu tiên về sao Hỏa vào ngày 5/2, trước khi sử dụng động cơ để tự đặt mình vào một quỹ đạo địa cực xung quanh hành tinh Đỏ hôm 12/5.

Tianwen-1 - bao gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thăm dò - sẽ thực hiện thêm một số điều chỉnh để “đậu” ở quỹ đạo cố định mà từ đó tàu sẽ thực hiện khảo sát ban đầu về các khu vực hạ cánh tiềm năng.

Bắc Kinh công bố hình ảnh sao Hỏa do sứ mệnh Tianwen-1 gừi về hôm 5/2
Bắc Kinh công bố hình ảnh sao Hỏa do sứ mệnh Tianwen-1 gửi về hôm 5/2

Vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay, Tianwen-1 sẽ tiến gần hơn để giải phóng khoang hạ cánh, được trang bị đầy đủ với tàu thám hiểm Tianwen-1 chưa đặt tên. Tàu thám hiểm sẽ di chuyển khỏi tàu đổ bộ trên bề mặt sao Hỏa, vài ngày sau khi chạm đất và đánh giá địa hình xung quanh.

Trong ít nhất 92 ngày sao Hỏa (hoặc khoảng 95 ngày Trái Đất), tàu thám hiểm sẽ tiến hành các cuộc khảo sát tại chỗ, có độ phân giải cao về sao Hỏa.

Dự kiến Tianwen-1 sẽ thực hiện một nghiên cứu toàn diện về sao Hỏa bằng cách quay quanh quỹ đạo, hạ cánh và di chuyển trên hành tinh Đỏ, tiến hành các nghiên cứu về từ quyển và tầng điện ly của sao Hỏa, đồng thời nghiên cứu bề mặt và lớp dưới bề mặt của hành tinh.

Tấn Vĩ (theo Space.com, DW, NASA, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI