PNO - Đi làm về, tôi quán xuyến mọi việc nhà. Tôi nấu ăn ngon, tôi tự may vá được; giỗ chạp, lễ tết, hai bên nội ngoại, tôi tròn trách nhiệm dâu con; bạn bè chồng tới nhà chơi, tôi là bà chủ hiếu khách. Còn muốn gì nữa?
Anh trai tôi gọi điện thoại, rầu rĩ: “Dạo này, vợ anh thay đổi, khác lắm”.
Anh kể, trước đây chị hay hát hò, đi làm thì thôi, về tới nhà là bật ti vi chương trình ca nhạc, có khi đang nấu nướng mà nghe bản nhạc trúng ý thì cầm đôi đũa mà khiêu vũ luôn. Chị thích mua hoa tươi trang hoàng nhà cửa, luôn miệng càu nhàu việc nhà làm hoài không xong mà cuối tuần nào cũng bày ra nấu món mới học trên ti vi. Nấu xong, đợi anh ăn bằng hết thì mới tin lời anh khen ngon.
Thật tình mà nói, do công việc giao tiếp và nhiều khi vui vui bạn bè, dùng đồ ăn quán xá đủ loại, nhưng anh đâu lạ gì, chỉ muốn về nhà mình ăn cơm canh, cá kho mặn mà thôi. Mà không phải anh chỉ biết hưởng thụ đâu. Anh cũng xăn tay áo lau nhà, rửa chén. Tối nào không đi học tiếng Anh thì anh chơi với bé Bi, dỗ con ngủ.
Rồi anh tiếp tục tuôn một tràng: “Em nghĩ đi, anh làm ra tiền không giàu có gì nhưng đủ lo cho gia đình. Anh cũng biết phụ giúp vợ công việc nhà và chăm sóc con cái. Anh nghĩ có ông chồng như anh thì vợ cũng được mở mày mở mặt với bạn bè chứ không đến nỗi. Vậy mà tự nhiên vợ dửng dưng chẳng nói chẳng cười, hỏi gì cũng im im rồi trả lời nhát gừng. Cả tháng nay nhà anh như căn hộ có hai người thuê trọ, chào hỏi nhau rất lịch sự. Anh căng thẳng quá đi, chẳng làm gì được. Tình hình này kéo dài thêm chắc anh bể óc. Đàn bà con gái cùng hội cùng thuyền, em nói thử coi tại sao? Hay là người ta thay lòng đổi dạ với anh rồi? Anh nói thật, nếu vợ anh có người khác thì cứ nói với anh một tiếng là xong, không cần phải gây gổ kiểu tra tấn tinh thần này”.
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock
“Đừng suy luận bậy mà thêm rối - tôi nói - anh tự rà soát lại xem mình có lỡ lời không, có vô tình làm gì không?”. Anh cương quyết là không. “Kể ra chuyện này thêm nặng lòng chứ Chủ nhật vừa rồi, để làm hòa với vợ (dù mình chẳng có lỗi gì), anh lấy cớ kỷ niệm bốn năm ngày cưới, mua tặng cái vòng đeo tay bằng ngọc thạch mà vợ không thèm đeo. Anh mệt và chán quá rồi”.
Tâm sự của anh trai nhằm lúc phải học khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi bận ghê gớm nhưng không thể chậm trễ được. Tôi biết, việc anh phải hạ mình than thở kể lể cho tôi nghe là tình hình tệ lắm rồi...
Chủ nhật, tôi bế con tới nhà anh chơi. Chị dâu gầy hẳn và buồn không che giấu. Tôi bày trò nấu nướng để dễ bề trò chuyện vì nấu nướng là niềm thích thú của chị. Đập củ hành, mắt chị dâu đỏ hoe…
“Người gì đâu mà ác. Khu dân cư mới, còn nhiều lô đất trống cỏ mọc đầy. Nhà mình hai bên và phía sau đều là đất trống. Chiều nào có việc phải về trễ khi trời đã tối, chỉ có hai mẹ con loay hoay mở khóa cổng, cứ có cảm giác có ai ngay sau lưng, tiếng gió thổi cũng sợ.
Khi nấu nướng, chị thường mở toang cửa ra cho khỏi ứ đọng mùi thức ăn trong nhà, nhưng buổi chiều tối không có anh ở nhà thì chị không dám mở cửa. Rồi thì cả cửa sổ cũng không dám mở vì chị sợ quang cảnh vắng vẻ chung quanh. Cây cỏ, bờ bụi rung rinh trong bóng đêm nhìn rợn người.
Vậy mà anh đành đoạn đăng ký học tiếng Anh buổi tối, bỏ mẹ con chị ở nhà, một mình. Đâu phải không có ca học khác. Chị dò hỏi rồi, trung tâm đó có ca cuối tuần thứ Bảy, Chủ nhật vào ban ngày. Thiếu gì lựa chọn mà biết vợ sợ ma buổi tối, vẫn cứ bỏ nhà đi?” - chị dâu thút thít. Còn anh tôi thì vò tóc mình rối bù: “Anh đâu biết. Sao em không nói?”.
Chị dâu càng thút thít to hơn. Anh tôi phân bua: “Anh chọn học ca tối là để được hoàn toàn rảnh rang hai ngày cuối tuần, cả nhà mình bên nhau. Tưởng gì. Được rồi, để anh chuyển ca học là xong”.
Là xong. Đến phiên anh trai tôi mát mẻ: “Em chê cái vòng anh tặng xấu hả?”. Chị dâu lườm lườm: “Nhà có người giúp việc, vợ không phải động tới tay chân thì mới đeo loại vòng đá đó. Cất vô tủ vì sợ nó bị va đụng rồi bể, biết không?”.
Nhìn đôi mắt lườm liếc dễ thương của chị dâu, tôi tự hỏi nếu chị biết anh trai tôi đã nghi ngờ là chị có người khác, thì... Trí tưởng tượng trong cơn chiến tranh lạnh chệch hướng xa quá. May mà anh kịp nói ra, chứ nếu vì tự ái mà ôm mối nghi ngờ trong lòng thì thật kinh khủng.
*
Anh trai đem tới nhà tôi một thùng bia để cảm ơn công lao làm “sứ giả hòa bình”. Chồng tôi cười cười: “Em hiểu người khác nhanh lắm, mà sao…”. Tôi ngạc nhiên. Tôi vẫn thường đùa với chồng là nếu có huy chương dành cho vợ thì chắc chắn tôi có tên trong danh sách đó. Đi làm về, tôi quán xuyến mọi việc nhà. Tôi nấu ăn ngon, tôi tự may vá được; giỗ chạp, lễ tết, hai bên nội ngoại, tôi tròn trách nhiệm dâu con; bạn bè chồng tới nhà chơi, tôi là bà chủ hiếu khách. Còn muốn gì nữa?
“Anh định không nói làm gì vì anh quen rồi, và em đúng là một người vợ giỏi giang, nhưng... Hôm nay, nhân chuyện nhà của anh chị thì anh nói luôn, mong em không giận. Em mua áo quần cho anh mà chẳng bao giờ hỏi anh thích màu gì, rồi em cằn nhằn sao thấy anh cứ mặc hoài một bộ màu xám. Em khăng khăng tặng trà Ô Long làm sang ngày tết dù ba mẹ quen uống chè xanh…”.
Tôi những muốn khóc òa. Tôi nhìn chị dâu của mình, tôi để ý chị chồng, em chồng; tôi lắng tai nghe mấy bà, mấy cô ở cơ quan; tôi sàng lọc những khen chê để mình là người vợ đảm đang, giỏi giang cho chồng tự hào về mình. Vậy mà trong mắt chồng, tôi chỉ là một kẻ áp đặt thôi sao?
*
Sau cơn hụt hẫng, tôi nhận ra: rất may là chồng tôi đã nói ra. Nếu chồng không nói thì chắc tôi cũng như anh trai tôi, chẳng hiểu được người sống cùng mình sao không vui khi mình đã tận tâm, tận tụ y.
Anh trai tôi hỏi vợ: “Sao em không nói?”. Và tôi cũng muốn hỏi chồng: “Sao anh không nói?”. Lẽ ra, chồng nên nói ngay, khi tôi mua hộp trà Ô Long đầu tiên.