Sao đỏ - đường đến... 'đại bàng'?

12/09/2017 - 14:57

PNO - Vào trường, lớp học, thấy cô cậu nhỏ hùng dũng, oai phong, cánh tay đeo băng đỏ, miệng hét ra lửa, kè kè cây thước bên mình để khẻ tay các bạn, họ là ai mà đáng sợ vậy?

Đó chính là các “hung thần nhí” như một phụ huynh phải thốt lên trên trang facebook của mình: “tự do đi lại trong lớp, dùng sách hoặc thước kẻ đánh vào đầu, tay, miệng, lưng các bạn bị cho là không ngồi yên, nói chuyện”.

Sao do - duong den... 'dai bang'?
 

Là lớp trưởng, cán sự lớp hay là Sao Đỏ, thì cái “chức” lắm quyền lực ấy cũng là ngòi nổ của bạo lực học đường nếu học sinh nhầm lẫn và cố tình nhầm lẫn. Cái băng đỏ trên tay như giấy phép cho những hành động “cai ngục”, sẵn sàng lục tung cặp bạn, quát mắng, dùng sách, thước đánh vào đầu, vai, tay bạn…

Đâu đó ẩn hiện người thầy, người cô dữ tợn nhất mà trẻ từng ám ảnh. Sao Đỏ là mẫu hình đồng dạng và thu nhỏ của hung thần trên bục giảng: vóc dáng nhỏ hơn, cây thước nhỏ hơn, sức đánh nhẹ hơn nhưng động cơ trấn áp, làm cho đối phương hoảng sợ vô cùng. 

Thử hỏi con em bạn vì sao chúng khao khát được phong làm Sao Đỏ và kiêu hãnh khi được cô giáo trao quyền? Bao nhiêu phần trăm là vì muốn đóng góp, vì sự tiến bộ của tập thể, bao nhiêu phần trăm là vì “làm Sao Đỏ thì ai cũng ngán mình”.

Sao do - duong den... 'dai bang'?
 

Cách duy nhất để không sợ Sao Đỏ thì bản thân mình là Sao Đỏ. Cha mẹ đồng hành với con như thế nào để ngăn mối nguy từ “thế lực” này? Trường luôn đóng cửa vào giờ dạy học, phụ huynh không thể biết được con mình có đang là nạn nhân hoặc chính con đang hành xử “đại bàng” với "chức danh" Sao Đỏ cai quản lớp.

Nhưng nếu tận mắt nhìn thấy cảnh tượng con mình bị Sao Đỏ dùng “chế tài”, “thi hành án” tại chỗ thì phụ huynh sẽ làm gì? Tấn công Sao Đỏ, mắng con mình ngu dại, nhu nhược, báo cho cô giáo… mỗi cách làm đều khiến phụ huynh loay hoay và hoang mang bởi mặt trái của nó.

Có trường hợp Sao Đỏ ngang nhiên đáp trả phụ huynh: “Bạn không làm bài tập về nhà, con khẻ tay bạn vậy là nhẹ, nếu báo cho cô, cô còn quất sưng đít!”. Cạn lời…

Em Trần Đăng Khánh, học sinh lớp Ba Trường tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) cho rằng: “Sao Đỏ rất cần thiết, hữu ích vì các bạn quậy tưng, một mình cô giáo không quản lý nổi.

Những bạn lợi dụng là Sao Đỏ để đánh bạn là sai, không xứng đáng, phải bị cô giáo khiển trách và không giao nhiệm vụ ấy nữa. Em cũng thích được làm Sao Đỏ để em gương mẫu hơn, để giúp bạn, giúp cô”. Anh trai của Khánh thì tối kỵ làm Sao Đỏ vì dễ đụng chạm, mâu thuẫn với bạn, bị co cụm, tẩy chay.

Chị Nguyễn Quyên, mẹ của Khánh không đồng ý cho các con làm Sao Đỏ ở cấp tiểu học. Theo chị, không nên đánh cắp giờ chơi của các con cho hoạt động nhạy cảm và quá sức đó. Trẻ làm Sao Đỏ phải chịu trọng trách giám sát bạn, là tay trong tay ngoài của cô khiến bạn dễ dè chừng, đánh mất tình bạn trong sáng.

Mục đích rèn nhân cách coi chừng phản tác dụng thành gian dối, bè phái, bao che, “hối lộ” hoặc lợi dụng công cụ này để phục thù nhau. Trẻ cũng không hề có một kỹ năng “lận lưng” để giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Lỡ xung đột xảy ra, sẽ dễ mượn bạo lực và không lường trước hậu quả.

Chị rùng mình nhớ lại một vụ án nam sinh lớp chín ở tỉnh Hòa Bình đã giật tóc, đè đánh vào người, vào gáy bạn lớp trưởng, đội viên Sao Đỏ của lớp đến hôn mê, tử vong chỉ vì bạn này dọa ghi tên vào biên bản vi phạm nội quy. 

Thạc sỹ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc trung tâm đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt - nhận định: “Sao đỏ có quyền lực vì nhầm lẫn trách nhiệm và quyền lực. Điều này xảy ra là do cách giao việc của giáo viên trực tiếp không mô tả rõ và hướng dẫn công việc cho các em học sinh.

Chưa kể, không sát sao kiểm soát và cho các em quyền được đánh giá, kiểm điểm, trách phạt là hoàn toàn sai lầm, công việc này của giáo viên chủ nhiệm và của thầy cô tổng phụ trách. Người lớn chúng ta không được phép “khoán” hẳn công việc mà không tập huấn, hướng dẫn và làm mẫu. Nhiệm vụ chính yếu nhất của đội Sao Đỏ là giúp nâng cao ý thức và tự quản của các bạn cùng lớp đi vào nền nếp.

Đừng “biến tướng” thành phong trào thi đua và thách đấu. Vì như thế, chính chúng ta đang tiếp tay cho uy quyền, tranh đấu thành tích hơn là nhiệm vụ giáo dục - khuyến khích, động viên và điều chỉnh hướng tới sự hoàn thiện của mỗi học sinh”. 

Vĩ Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI