Tôi là nhân viên lễ tân của một nhà nghỉ được gọi là lý tưởng cho những cặp tình nhân. Ngày đầu tiên khi treo lên tấm bảng “Cho thuê phòng theo giờ”, sếp nghiêm mặt giải thích, đó là để những người khách trong thời gian đợi tàu xe có chỗ nghỉ ngơi tắm rửa. Đúng là cũng có những người khách như vậy, lưng đeo ba lô, tay lỉnh kỉnh túi xách. Nhưng những vị khách không đem theo hành lý chiếm số đông hơn.
|
Ảnh minh họa |
Bài học đầu tiên mà nhân viên lễ tân phải thuộc lòng là tươi cười thân ái trao tặng cho khách cảm giác được về nhà, nhưng ở đây thì khách không muốn ai biết về họ và lại càng không muốn ai thân thiện với họ. Thường thì người đàn ông nói rất nhanh: “Còn phòng không cô?”, tôi trả lời bằng cách chìa ra chìa khóa phòng rồi ngước nhìn đồng hồ trên tường để ghi vô cuốn sổ. Người đàn ông cũng ngước nhìn theo tôi. Không cần nói thêm gì vì giá tiền đã ghi rõ trên bảng, một giờ là chừng này và hai giờ là chừng kia, cũng có giá cho ba giờ nhưng hiếm người cần đến chừng đó thời gian cho một cuộc vui trốn lén.
Đàn ông cầm cái cặp, phụ nữ là xắc choàng vai, rất gọn nhẹ, như chính cuộc tình của họ. Nhân viên buồn miệng nói với nhau, chắc là sếp của mình mát tay làm ông tơ bà nguyệt. Nhưng những sợi tơ này quá mỏng mảnh nên đứt rất nhanh, chẳng mấy khi tôi gặp lại những cặp khách tình nhân đó. Hoặc sợi tơ có níu kéo thêm thì tôi cũng không gặp lại họ. Dễ hiểu là sợ bị lộ nên họ luôn phải thay đổi điểm hẹn. Và nhà nghỉ của tôi thì đón những cặp từ nơi khác tìm tới.
Thường thì người phụ nữ đứng sau lưng người đàn ông, làm ra vẻ đang gỡ khẩu trang ra khỏi mặt nhưng những ngón tay loay hoay khá lâu đủ cho tới lúc người đàn ông xong thủ tục và rời quầy, cái khẩu trang vẫn còn trên mặt cho tới khi tới trước cửa phòng và chìa khóa tra vô ổ.
|
Ảnh minh họa |
Hẹn hò, phụ nữ nào cũng muốn mình đẹp, mà đẹp thì dễ khiến người ta nhớ. Vậy nên trừ ra những bộ váy áo công sở khá giống nhau, còn thì những bộ váy áo đẹp cứ tự nhiên mà in dấu trong tâm trí người ta.
*
Một chiều cuối tuần đi siêu thị, tôi tình cờ gặp lại bộ váy áo đẹp. Chẳng khó gì để nhận ra...
Rất khác với khi bịt kín khẩu trang, người phụ nữ lúc này tỏ ra tự tin và rành mạch. Chị cầm món hàng lên, chăm chú đọc dòng chữ trên bao bì và săm soi tìm kiếm, tôi đoán là chị tìm những con số ghi hạn sử dụng. Rồi chị lắc đầu trả lại món hàng về chỗ cũ. Có lẽ chị thích món ấy mà nó đã cận ngày hết hạn. Chị cầm lên một món khác, dù được gói kín trong bao ni lông mà chị vẫn đưa lên mũi ngửi, và lại chăm chú đọc...
Mua đồ khô xong, chị đẩy xe tới quầy tôm cá. Chị nhăn mũi vì mùi tanh mà miệng cười hài lòng khi nghe cô nhân viên nói có cá hồi mới nhập về sáng nay, tươi rói. Hẳn chị là độc giả thường xuyên của những trang báo viết về an toàn thực phẩm vì tôi nghe chị gặng hỏi về xuất xứ và nhà phân phối, trong khi cô nhân viên đang còn ngập ngừng thì chị giải thích luôn cho người bên cạnh biết về quy trình nuôi cá hồi đòi hỏi khắt khe đến chừng nào.
|
Ảnh minh họa |
Rời hàng thực phẩm, chị đi tới khu vực bán áo quần. Hơi ngược, tôi nghĩ thầm vậy. Thường thì người ta mua những thứ khác trước và mua thịt cá sau cùng để khi về tới nhà thì thịt cá giữ được độ tươi ngon nhất có thể. Nhưng chị chỉ mua một đôi dép xốp mang trong nhà, chỉ mất vài giây cầm đôi dép lên và thả vô chiếc xe đẩy đã đầy ắp hàng. Là xong.
Đẩy xe tới quầy tính tiền, phải xếp hàng đứng sau vài người, chị nhìn quanh những cái kệ gần đó, không để lãng phí thời gian chờ đợi, tranh thủ mà chọn được vài món hay hay. Ánh nhìn ngừng lại ở kệ sữa tươi có ghi dòng chữ “mua hai tặng một”, chị nhướng mắt lên như là thông tin hay ho vậy mà suýt nữa bị bỏ qua.
Tôi hình dung khi chị về tới nhà, cũng như tôi và những bà vợ trên đời này, mỗi khi mở tủ lạnh ra để cất giữ những thứ vừa mới mua, sẽ vui vẻ khoe với chồng con những món tươi ngon và những món mua được với giá rẻ như một chiến công. Và bữa cơm đầu tiên sau cuộc đi chợ dành cho một tuần thường thịnh soạn hơn thường ngày, không phải chỉ vì thực phẩm tươi rói...
*
Cuộc gặp tình cờ khiến tôi hay nhớ tới chị, bộ váy áo đẹp và hơn vậy nữa, người đẹp. Cách chị đi chợ cho tôi cảm giác chị có một gia đình êm ấm. Vậy, nếu chẳng còn quan tâm yêu thương, nếu hững hờ dửng dưng không còn coi gia đình là mái ấm thì người ta đã chẳng bõ công lựa chọn từng món ăn một cách chăm chút đến vậy. Hẳn chị là người vợ, người mẹ chu đáo tận tâm.
Cứ lan man vậy, rồi tôi lại nghĩ khác, hay đó là nỗi ân hận muốn bù đắp cho những khi lạc bước?
Mà tại sao để mình phải ân hận?
Nguyên Hương