Sao chồng con mình không được như chồng con người ta?

27/01/2018 - 06:00

PNO - Có vẻ như đây là căn bệnh thời đại không có thuốc chữa, khi thiên hạ liên tục nhìn vào người khác, nhà khác để mà khát khao, ao ước, rồi đặt áp lực lên chính những người thân yêu của mình...

1. Mỗi lần thấy Hà quắc mắt, cao giọng hùng hổ mắng con, chồng lại dành cho cô ánh mắt khó tả. Ban đầu, Hà không hiểu thông điệp của cái nhìn ấy. Sau, Hà gào thẳng vào mặt chồng: “Thấy tôi dữ dằn, kinh khủng lắm hả? Tôi vậy đó, kiếm con nào đàng hoàng nhỏ nhẹ mà theo”.

Chồng im lặng quay đi, tỏ ý không chấp. Thái độ ấy càng khiến Hà thêm điên tiết. Ngôn từ theo đó văng ra tung tóe, vừa dành cho con, vừa cạnh khóe chồng. Rằng đừng có bày đặt tỏ ra đạo đức giả, ta đây hiền triết thánh nhân lắm. Ngon thì cứ kiếm con nào chịu đựng nổi cái nhà này mà còn có thể dịu dàng, ngọt ngào đi!

Sao chong con minh khong duoc nhu chong con nguoi ta?
Ảnh minh họa

Nhà chồng Hà nặng gánh. Hết bố chồng ốm ròng rã rồi mất, tới lượt mẹ chồng Hà quanh năm đau yếu, thuốc thang. Lương của chồng thì bèo bọt, chẳng đủ trang trải. Hai đứa con trai của Hà cũng thuộc dạng khó nuôi, thường lấy bệnh viện làm nhà. Hà xoay xở đủ cách mới tạm ổn. Lúc nào cũng tất bật với cơm áo gạo tiền, Hà biết mình đã thay đổi đến chóng mặt. Từ cô gái rụt rè nhẹ nhàng ngày trước, Hà trở nên mạnh mẽ, ăn to nói lớn lúc nào không hay.

Nhiều lần, chồng xa gần khen chị đồng nghiệp lúc nào cũng kiên nhẫn, nhẹ nhàng với con hoặc tỏ ra thích thú trước cách cư xử ý nhị của một cô ca sĩ trên báo dành cho gia đình. Hà nghĩ mà thêm tức, muốn cố tình “tăng đô” đanh đá lên cho bõ ghét. Nhiều lúc chuyện chẳng đáng gì nhưng ức với ý nghĩ chồng đang “khinh miệt” mình, nên cô… tới luôn, chẳng cần giữ ý tứ gì nữa cả. Cứ có một thì Hà khiêu chiến tới ba bốn, khiến nhà cửa luôn ồn ào mất vui.

Thâm tâm, Hà cũng muốn được sống thong thả thảnh thơi như người ta, nhưng hoàn cảnh làm cho cô luôn vội vàng nóng nảy. Chồng đã không hiểu và chia sớt, lại còn đôi khi tỏ ý “bó tay”, “lắc đầu” trước thái độ mà anh kêu là “hung hăng hiếu chiến” của vợ. Anh có giỏi giang thành đạt, lo được cho vợ con gia đình như… chồng người ta chưa, mà đòi hỏi, cầu toàn, luôn chê bai vợ mình?

Cứ nhìn chồng của chị Hương, đồng nghiệp Hà, mà học hỏi. Chỉ sau 10 năm chung sống, anh ấy đã đưa vợ từ nhà trọ sang biệt thự. Mỗi năm, gia đình chị ấy đi du lịch 2-3 nước, năm ngoái còn làm một tour xuyên châu Âu. Hai đứa con chị Hương đều giã từ trường làng và chuyển qua học trường quốc tế từ mấy năm nay... 

2. Cứ đi gặp đám bạn chung nhóm ở công ty về là Mai lên cơn khó ở. Thấy chồng con người ta mà phát ham. Nhìn lại bản thân, thật tủi ghê gớm! Rồi trong nỗi hậm hực, Mai kể với chồng, hàm ý nhắc nhở, so sánh: “Anh nhớ thằng chồng con Trâm bạn em không? Mới đây mà hắn đã lên giám đốc khu vực của một nhà mạng di động hàng đầu rồi đó. Giờ hắn lái ô tô chở vợ con vi vu ngoài đường, trông y như soái ca, thích thật”.

Sao chong con minh khong duoc nhu chong con nguoi ta?
Ảnh minh họa

Chồng Mai ừ hử không đáp. Hẳn anh vẫn chưa quên cái lần vợ chồng cãi nhau to, liên quan tới bề ngoài lùi xùi lẫn sự nghiệp loàng xoàng của anh. Mai sau này luôn tỏ ra ngưỡng mộ mẫu đàn ông lịch lãm, chỉn chu, mà chồng cô thì vốn ưa ăn mặc thoải mái, ít quan tâm tới hình thức. Anh cũng chẳng mê xe xịn, phương châm lấy cuộc sống đơn giản, thanh đạm là niềm vui.

Mai không tán đồng, luôn muốn chồng phải “đua” cho kịp với những ông chồng của bạn bè. Coi, nhìn cách họ tiến về phía trước mà phát ham. Nhà cao cửa rộng, xe bốn bánh sành điệu, đi du lịch nước ngoài thường xuyên, ăn toàn ở nhà hàng sang trọng. Sống vậy mới đáng mặt chứ!

Nhiều lần, vợ chồng Mai tranh luận gay gắt quanh việc “sống theo ý mình hay nhất nhất lấy thiên hạ làm chuẩn”. Mai khăng khăng cho rằng, chồng chỉ muốn an phận, không đủ bản lĩnh để vợ con được nở mày nở mặt, lại còn quanh co tỏ vẻ bất cần. Ngay cả bạn bè của anh đấy thôi, họ cũng thăng tiến ầm ầm, sao anh cứ mãi lẹt đẹt thế này?

Hình như Mai quên mất, chính chồng là người đã dành thời gian để đưa đón, dạy con học, chơi với con mỗi khi vợ đi công tác. Mai vô tình hay cố tình không nhận ra, nếu không có sự hỗ trợ của chồng, cô làm sao có thể yên tâm mà vươn lên vị trí hiện tại ở công ty, để rồi quay lại trách anh “cứ luẩn quẩn làm nhân viên quèn, không bằng người khác”…

3. “Con nhìn Vân bạn con đó. Nó bằng tuổi con mà ra dáng hết sức, gọn gàng sạch sẽ, ăn nói cũng có đầu đuôi dễ nghe”. “Mà sao con học hành cũng không bằng Vân vậy? Môn văn thì có gì khó đâu, vậy mà điểm cứ thấp lè tè. Sách truyện thì không đọc, cứ suốt ngày chúi mũi vô iPad, điện thoại…”. “Chơi thân mà chẳng chịu học hỏi những cái tốt của bạn. Thấy con Vân đó, mẹ chỉ mong con được bằng một phân của nó là mãn nguyện rồi…”.

Nhiều lần nhận được lời chỉ trích kiểu ấy, đứa con gái của chị buột một câu trả treo, rằng: “Mẹ ưng ý con Vân như vậy, hay là nhận nó về làm con đi”. Nói xong con bé đứng dậy, bỏ bữa cơm chị đã kỳ công chế biến. Chị chết điếng trước lời lẽ cũng như thái độ phản kháng đó. Ngồi lại một mình trước bàn ăn, chị cứ tự hỏi, lẽ nào mình đã sai?

4. Dường như bây giờ ai nấy đều dễ dàng vướng vào cái hội chứng “nhà người ta”, “con người ta”, “vợ hoặc chồng người ta” thì phải. Có vẻ như đây là căn bệnh thời đại không có thuốc chữa, khi thiên hạ liên tục nhìn vào người khác, nhà khác để mà khát khao, ao ước, rồi đặt áp lực lên chính những người thân yêu của mình, làm tổn thương họ. Dường như người ta quên mất, ai cũng có khả năng, sở trường, mục đích cũng như hoàn cảnh sống khác nhau. Muôn hình vạn trạng, làm gì có khuôn mẫu chung để rồi cố ép cố đòi…

Sao chong con minh khong duoc nhu chong con nguoi ta?
Ảnh minh họa

Thi thoảng nhìn ngó để nhẹ nhàng nhắc nhau phấn đấu, nuôi chí tiến thủ thì đồng ý. Nhưng năng lực của mỗi người mỗi khác, nên chẳng thể lấy hình mẫu chồng hay vợ người ta, hay con cái nhà người ta làm chuẩn mực để “gò” người thân của mình phải đạt được y như vậy, thậm chí còn đòi hỏi cao hơn.

Bởi điều đó không chỉ tạo áp lực mà còn biến người thân mình thành bản sao của ai đấy. Ta vốn chẳng phải thần đồng hay toàn vẹn mọi bề, nên đừng cố bắt con trở thành thiên tài theo ý mình.

Hết học chữ tới năng khiếu, ngoại ngữ, nhạc họa đủ thứ, làm sao con trẻ đáp ứng hết các kỳ vọng leo thang của cha mẹ. Chồng hay vợ là do ta tự lựa chọn chứ chẳng ai ép uổng, để rồi khi “sử dụng” lại muốn “cải tạo toàn diện” theo ý mình, thì thật khó lắm thay. Đàn ông hay đàn bà gì thì cũng đại kỵ việc bị chồng hay vợ mang ra “cân đo” với một đối tượng khác, hàm ý chê bai, mơ màng, ao ước “giá như…”.

Người ta bảo, biết bằng lòng để thấy mình hạnh phúc hơn, là vậy…

Thùy Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI