Sao chỉ đề xuất bỏ giấy xác nhận độc thân trong thủ tục kết hôn?

02/10/2024 - 11:57

PNO - Liên quan đến đề xuất bỏ giấy xác nhận độc thân khi đăng ký kết hôn (đăng trên số báo ra ngày 30/9), bạn đọc tiếp tục có ý kiến gửi về Báo Phụ nữ TPHCM. Bên cạnh sự đồng tình, một số người đề nghị nên tiến tới bỏ xác nhận độc thân ở các thủ tục hành chính khác như đăng ký, chuyển nhượng tài sản, hồ sơ vay ngân hàng… để tạo thuận lợi cho người dân.

Người dân đang làm thủ tục hành chính tại văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TPHCM - ẢNH: HOA LÀI
Người dân đang làm thủ tục hành chính tại văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: Hoa Lài

Chị Dương Ngọc Hà (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa): Hãy để người dân tự cam kết và chịu trách nhiệm tình trạng hôn nhân

Trong suốt cuộc đời, một người có thể thực hiện rất nhiều giao dịch liên quan đến tài sản. Nếu cải cách thủ tục hành chính mà chỉ bỏ giấy xác nhận độc thân (XNĐT) khi làm thủ tục kết hôn, trong khi không bỏ giấy này trong những giao dịch khác thì vẫn còn gây nhiều phiền hà cho người dân.

Tôi có biết trường hợp của ông Trần Văn Ninh. Ông phải mất 3 ngày chạy đi chạy lại 3 tỉnh, thành cách xa nhau, làm giấy XNĐT để bán xe hơi. Ông Ninh ly hôn vào năm 2018 tại tỉnh Bắc Ninh, đến năm 2019 ông mua xe hơi để chạy dịch vụ cho một công ty tại Đắk Lắk, rồi đến năm 2022 ông Ninh chuyển đến TPHCM làm việc và sinh sống.

Do có ý định sinh sống lâu dài nên đi đến đâu, ông Ninh chuyển hộ khẩu đến đó. Đến khi bán xe hơi thì ông Ninh được yêu cầu phải có giấy XNĐT. Ông đưa quyết định công nhận thuận tình ly hôn của tòa án, nhưng công chứng viên giải thích ông phải có giấy tờ chứng nhận từ sau khi ly hôn đến nay ông không đăng ký kết hôn lại với ai thì mới chắc chắn xe chỉ thuộc quyền sở hữu của ông, không dính dáng quyền lợi với người khác.

Dù ông Ninh cam đoan từ khi ly hôn đến nay không kết hôn với ai, cam kết xe chỉ thuộc sở hữu của ông và sẽ chịu trách nhiệm với người mua nếu như xe có dính dáng đến quyền lợi của người khác; phía người mua xe cũng đề nghị cam kết không truy cứu trách nhiệm của đơn vị công chứng nếu có tranh chấp về chiếc xe được chuyển nhượng.

Tuy nhiên, các công chứng viên đều từ chối công chứng hợp đồng bán xe của ông Ninh nên ông phải từ TPHCM - Bắc Ninh - Đắk Lắk rồi quay về TPHCM để làm giấy XNĐT từ sau thời điểm ly hôn đến khi bán xe. Tiền vé máy bay, ăn uống, chi phí xe cộ và 3 ngày nghỉ không đi làm, tổng cộng khoảng 20 triệu đồng.

Tương tự, nhiều người bán tài sản cũng phải đi lại nhiều nơi để làm giấy XNĐT, để chứng minh tài sản mình muốn sang tên, chuyển nhượng không liên quan đến người nào khác. Việc di chuyển nhiều nơi như vậy rất tốn thời gian, tiền bạc, công sức.

Mới đây, Bộ Tư pháp trình dự thảo nghị định về hộ tịch, đề xuất bỏ quy định buộc phải xuất trình giấy XNĐT khi đăng ký kết hôn khiến nhiều người quan tâm. Nhưng theo giải trình của bộ này, việc bỏ giấy XNĐT chỉ trong thủ tục đăng ký kết hôn. Nhiều người thất vọng khi những thủ tục khác như chuyển nhượng tài sản, hồ sơ vay ngân hàng… chưa được “miễn trừ” loại giấy này.

Lý do là ngoài cán bộ hộ tịch trong nước thì những đơn vị khác chưa thể truy cập cơ sở dữ liệu hộ tịch và dân cư để xác nhận tình trạng hôn nhân khi giải quyết các thủ tục liên quan. Do vậy, vẫn cần giấy XNĐT mới có cơ sở giải quyết giao dịch.

Góp ý cho dự thảo Luật Công chứng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu cũng đề nghị cho công chứng viên được truy cập cơ sở dữ liệu dân cư để làm căn cứ giải quyết các giao dịch, giảm bớt những giấy tờ “con” mà người dân phải cung cấp khi tham gia các giao dịch dân sự. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ là một cuộc cải cách hành chính thực sự khi tiết kiệm được cho người dân rất nhiều tiền bạc và công sức khi thực hiện các giao dịch dân sự.

Nếu chưa cho phép các công chứng viên truy cập cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư thì có thể, ở một chừng mực nào đó, cho phép người dân tự cam kết về tình trạng hôn nhân và người tham gia giao dịch đồng ý. Nếu có sự gian dối hoặc tranh chấp xảy ra, các bên sẽ kiện ra tòa và bồi thường theo phán quyết của tòa án.

Anh Nguyễn Nhật Linh (TP Thủ Đức, TPHCM): Sớm bỏ xác nhận độc thân trong các thủ tục mua bán, chuyển nhượng

Từng trầy trật làm giấy XNĐT để mua đất cùng chị gái, tôi rất hào hứng khi nghe về đề xuất bãi bỏ loại giấy này. Tôi thầm nghĩ, từ nay khi mua hay chuyển nhượng tài sản sẽ không cần phải nghỉ làm, chạy xe máy hơn 9 tiếng đồng hồ từ TPHCM về Cà Mau làm giấy XNĐT. Tuy nhiên, tôi đã mừng hụt vì đề xuất này chỉ áp dụng trong thủ tục đăng ký kết hôn.

Hiện tại tôi đang là quản lý của một chuỗi cửa hàng nên rất bận. Cách đây vài tháng, tôi có hùn hạp tiền cùng chị gái mua đất. Chị tôi ở quê nên khâu chuẩn bị giấy tờ rất tiện, còn tôi cập rập đủ bề. Dù hiện tại các bước làm giấy XNĐT không có gì phức tạp, nhưng tôi cảm thấy rất bất tiện khi phải xin nghỉ làm để lặn lội về quê.

Sắp tới tôi sẽ chuyển công tác ra Hà Nội. Nghĩ tới cảnh phải “xuyên Việt” để làm giấy XNĐT mà ngán. Nếu như giấy XNĐT được bãi bỏ trong các thủ tục hành chính thì sẽ rất thuận tiện cho những người đi làm xa nhà như tôi.

Anh Lý Trí Vịnh (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu): Nên tích hợp tình trạng hôn nhân lên cơ sở dữ liệu quốc gia

Cuối năm ngoái, tôi và bạn gái đã tiếc hùi hụi vì bỏ lỡ cơ hội sở hữu một mảnh đất có giá hời chỉ vì không kịp làm giấy XNĐT. Sắp kết hôn, chúng tôi tìm mua đất để mở cửa hàng kinh doanh. Được bạn bè giới thiệu một mảnh đất rất phù hợp, chúng tôi quyết định hùn tiền mua.

Ngặt nỗi là bạn gái tôi làm ở TPHCM, công việc cuối năm rất bận, chưa thể thu xếp về quê làm giấy XNĐT được. Đến khi cô ấy sắp xếp được công việc để về quê làm giấy thì người chủ đất báo đã bán rồi. Họ muốn bán và hoàn tất thủ tục sớm để kịp thời gian đi nước ngoài định cư nên đâu có chờ mình hoài được.

Dù mong muốn các thủ tục giấy tờ được đơn giản hóa, tôi nghĩ việc yêu cầu giấy XNĐT cũng nhằm mục đích tránh các tranh chấp không đáng có trong các giao dịch về sau. Do vậy, thay vì bãi bỏ giấy này, hãy cho phép cán bộ truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để xác minh - vừa nhanh vừa gọn và đỡ tốn công cho người dân rất nhiều.

Chị Trần Xuân Đào (quận Tân Phú, TPHCM): Cần lộ trình để cơ quan nhà nước chuẩn bị phương án tối ưu

Dù cưới nhau gần 1 năm nay, nhưng vợ chồng người anh của tôi vẫn chưa được sự công nhận của pháp luật. Gia đình tôi ở Vĩnh Long, quê chị dâu ở tận Nam Định. Vì khoảng cách quá xa, mỗi năm vợ chồng anh chị chỉ về quê ngoại 1 lần vào dịp tết. Tuy nhiên, vào thời gian đó thì cơ quan nhà nước lại không làm việc. Thế là dù sắp có con đến nơi mà 2 người vẫn chưa xin được giấy XNĐT để hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn.

Tôi thấy thủ tục giấy tờ, bớt được cái nào thì tiện cho dân cái nấy. Giờ chỉ mới đề xuất bãi bỏ giấy XNĐT trong đăng ký kết hôn thôi, nhưng tôi cũng mong việc này được áp dụng luôn trong các giao dịch khác. Dân giảm được chi phí, thời gian đi lại mà cán bộ hộ tịch cũng đỡ việc. Tất nhiên, việc cắt giảm thủ tục nào cũng cần lộ trình để cơ quan nhà nước chuẩn bị phương án tối ưu, đảm bảo tính chính xác, an toàn, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.

Ngọc Dương - Nhã Chân (ghi)

Cá nhân hoàn toàn có thể cam kết và chịu trách nhiệm khi khai báo tình trạng hôn nhân (ảnh minh họa)
Cá nhân hoàn toàn có thể cam kết và chịu trách nhiệm khi khai báo tình trạng hôn nhân (ảnh minh họa)

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Công ty luật TNHH Dân Luật, Đoàn Luật sư TPHCM): Cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng để giảm rủi ro

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm đề xuất bỏ giấy XNĐT trong các thủ tục hành chính khác ngoài đăng ký kết hôn. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính, không chỉ đơn giản hóa thủ tục mà còn góp phần minh bạch hóa và nâng cao hiệu quả các giao dịch dân sự và hành chính công, tạo thuận lợi cho người dân.

Để triển khai hiệu quả, cần đảm bảo các điều kiện an toàn, pháp lý và giảm thiểu rủi ro giao dịch. Trước hết, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, liên tục cập nhật thông tin tình trạng hôn nhân của công dân. Điều này cho phép tổ chức hành nghề công chứng, ngân hàng và cơ quan liên quan tra cứu một cách nhanh chóng, giảm các yêu cầu giấy tờ xác nhận trực tiếp từ cá nhân, đồng thời tăng tính minh bạch trong giao dịch.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, quy định trách nhiệm khai báo trung thực tình trạng hôn nhân khi tham gia giao dịch. Khi không còn bắt buộc xuất trình giấy XNĐT, cá nhân cần cam kết chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp. Các biện pháp chế tài như xử phạt hành chính hoặc bồi thường cho bên bị thiệt hại cũng cần được quy định chi tiết để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và ngăn chặn việc khai báo không trung thực.

Để thực hiện tốt việc trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức hành nghề công chứng, ngân hàng và các bên tham gia giao dịch. Đồng thời, việc ban hành các văn bản hướng dẫn cần được tiến hành đồng bộ, chi tiết, rõ ràng, dễ hiểu, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan thực hiện hiệu quả.

Tô Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI