Sao cha vợ không vào bếp?

05/03/2021 - 07:00

PNO - Tôi muốn bàn với vợ việc thuyết phục cha học nấu ăn. Tôi nghĩ nếu ông biết nấu vài ba món ăn, sẽ thấy cuộc đời này thú vị thế nào…

Vợ tôi là con một, mẹ cô ấy đã mất nên tôi chấp thuận ở rể. Khi tôi chưa sinh con thì nhà chỉ có ba người, là vợ chồng tôi và cha vợ. Ông đã về hưu, là người từng có địa vị, chuyện gì cũng biết, trừ việc nhà. 

Vợ chồng tôi đi làm từ sáng tới tối mới về. Vợ làm cách nhà chừng năm cây số, buổi trưa tranh thủ chạy về cơm nước cho ba. Vài hôm chúng tôi mới đi chợ một lần. Buổi sáng trước khi đi làm, vợ sơ chế thực phẩm và cắm điện nồi cơm, trưa về chỉ cần bật bếp chừng 20 phút là có bữa cơm ngon miệng. 

Chuyện nấu vài món ăn phục vụ bản thân, với một người đàn ông 62 tuổi, còn khỏe, thì có khó? Ảnh minh họa
Chuyện nấu vài món ăn phục vụ bản thân, với một người đàn ông 62 tuổi, còn khỏe, thì có khó? Ảnh minh họa

Nhưng tôi cứ thắc mắc, vợ tôi buổi trưa lẽ ra cần được nghỉ ngơi ở cơ quan, thì phải sấp ngửa chạy về làm cơm nước cho ông.

Cha vợ tôi hoàn toàn không biết nấu ăn, dù chỉ là luộc rau. Lý do theo ông là vì ngày trước công tác bận bịu, thời gian nghỉ không nhiều, nên nếu rảnh là ông thư giãn, làm những việc cá nhân. Hơn nữa mẹ vợ tôi ở nhà nội trợ, “bà bao hết việc nhà, đâu tới lượt ba”, thành ra cha vợ tôi tới giờ này vẫn chưa từng chạm tay tới bếp, hay lau cái sàn nhà. 

Tôi làm cùng ngành với cha vợ, công việc bận rộn, nhưng không vì thế mà bỏ bê việc nhà cho vợ. Đi làm thì chịu, chứ về nhà là chung tay dọn dẹp. Từ nhỏ tôi đã được mẹ huấn luyện làm mọi việc. Mẹ tôi cũng là phụ nữ nội trợ, bà hiểu sự bất hạnh của một người vợ không được chồng đỡ đần bếp núc. 

Bà hay bảo tôi: “Nếu muốn có một gia đình hạnh phúc, đàn ông phải biết làm việc nhà. Nếu sau này vợ làm nội trợ, không có nghĩa là chồng được quyền vắt chân chữ ngũ ngồi đợi cơm”. 

Lần lượt sinh hai đứa con, tôi càng không để vợ “bơi” một mình? Cha vợ thấy tôi tất bật, không biết ông nghĩ gì. Có lần tôi nửa đùa nửa thật nói ông không biết nấu ăn là điều đáng tiếc, vì nấu ăn rất thú vị.

Tôi lôi kéo ông đứng bên cạnh nhìn tôi nấu ăn, vài ba hôm là ông sẽ nấu được, nhưng ông bảo hồi trẻ không vào bếp thì thôi, giờ già rồi, lúng túng lắm. Con trai tôi từ lúc bảy tuổi, đã được dạy vào bếp lặt rau, chiên trứng, để sau này không làm phiền người khác.

Có lần cha ruột tôi từ quê vào thăm. Vợ đi công tác, tôi dặn ông nấu bữa trưa giùm, nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh.

Cha tôi hơn cha vợ hai tuổi. Ông còn khỏe, việc bếp núc với ông là chuyện nhỏ. Trưa, tôi tranh thủ chạy về. Đọt lang, ông luộc xanh, mềm mại. Cá lóc đem kho tộ, vị vừa ăn, nước kho cá màu rất hấp dẫn. Ông lấy một ít tôm khô ra giã, nấu canh bí đao. 

Tôi về, ông thì thầm vào tai tôi: “Ông thông gia định mời ba ra hàng phở, nhưng ba chỉ thích cơm nhà thôi. Sao con không hướng dẫn ông ấy nấu ăn. Nếu biết nấu ăn, ông ấy sẽ vui hơn và cũng sẽ đỡ đần các con, hay ít ra cũng biết tự phục vụ. Thời gian ông ấy quá nhiều, ôm cái ti vi hoài, chán thế!”.

Có nên nghĩ rằng, cha mẹ già rồi sao phải vào bếp? Đúng là người già cần được nghỉ ngơi, nhưng không ít người già 70, 80 tuổi với sức khỏe tốt vẫn yêu thích việc “rong chơi” trong bếp? Họ vào bếp vì muốn giúp đỡ, phụ giúp con cháu, vì không muốn làm phiền ai, vì thấy mình vẫn có ích. 

Tôi muốn bàn với vợ việc thuyết phục cha học nấu ăn. Tôi nghĩ nếu ông biết nấu vài ba món ăn, sẽ thấy cuộc đời này thú vị thế nào… 

Lê Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI