Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ đứng lớp và chủ nhiệm 12 tháng đối với giáo viên này.
Sáng tạo hay phản cảm?
Thầy Phạm Quốc Đạt đã cho học sinh lớp 11 đóng một số cảnh trong trích đoạn Hạnh phúc của một tang gia (Số đỏ - Vũ Trọng Phụng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng). Tuy nhiên, một số cảnh trong vở diễn sân khấu hóa này bị phản ứng vì được cho là tái hiện “cảnh nóng”, vượt quá khuôn khổ của sự sáng tạo, như cảnh ân ái giữa Xuân tóc đỏ và cô Tuyết, cảnh nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp… được học sinh diễn sau tấm màn và dùng hiệu ứng hắt bóng.
Hai clip ngắn trong vở kịch sân khấu hóa tác phẩm văn học kể trên bị “rò rỉ”. Nhìn hình ảnh trong clip, nhiều người cho rằng, nó không phù hợp với một giờ học của học sinh phổ thông. Một số giáo viên trong trường phản đối, có phụ huynh còn gửi đơn lên nhà trường.
Ngày 21/1, lãnh đạo trường ra quyết định kỷ luật giáo viên này vì nhiều lỗi, trong đó có lỗi cho học sinh diễn kịch “không phù hợp với lứa tuổi”, “diễn những cảnh nhạy cảm”… Thầy Phạm Quốc Đạt bị cảnh cáo, không được giảng dạy, làm chủ nhiệm trong thời gian 12 tháng, chuyển về làm công tác thư viện của trường.
|
Một cảnh được cho là nhạy cảm trong vở diễn |
Sau khi bị kỷ luật, thầy Phạm Quốc Đạt có đơn kêu cứu, đơn kiến nghị gửi lãnh đạo nhà trường... Giáo viên này cho biết do cách nghĩ, cái nhìn và quan điểm riêng của mỗi người, sẽ có cách đánh giá khác nhau về vấn đề này. Học sinh tái hiện các cảnh này bằng chiếu bóng (đứng sau tấm màn, diễn tả hành động). Vì vậy, người thầy đứng cùng các em khi diễn, sau tấm màn thấy hoàn toàn trong sáng, rất bình thường, hoàn toàn không có đụng chạm xác thịt.
Cũng theo thầy Đạt, khi bóc tách một chi tiết ra khỏi vở kịch dài 15 phút, sự việc có thể bị bẻ cong theo hướng suy nghĩ khác. Đối với một số tình huống cụ thể thì vai trò của bối cảnh rất quan trọng, nó quyết định đến ý nghĩa và cả dụng ý của người truyền tải.
Ngày 25/3, thầy Đạt làm đơn xin ra khỏi công đoàn ngành giáo dục vì cho rằng công đoàn cơ sở đã không có động thái bảo vệ người lao động. Ngay lập tức, câu chuyện thầy giáo cho học sinh đóng cảnh “ân ái” khi dạy học sáng tạo bị đình chỉ dạy gây xôn xao dư luận. Ngay cả người trong nghề cũng có những tranh luận trái chiều quanh câu hỏi đâu là ranh giới của dạy học sáng tạo, sân khấu hóa tác phẩm văn học?
Cẩn trọng khi đối tượng là học sinh
Trước sự việc này, thầy Đỗ Đức Anh, dạy môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), nói: “Tôi cho rằng, ranh giới của sự dung tục trong câu chuyện này rất vô chừng, vì vậy, nếu đánh giá thì cần phải nhìn tổng thể. Theo những gì tôi biết thì những cảnh này là cảnh chiếu bóng, thầy đứng sau giám sát, học sinh diễn không đụng chạm, có bạn nam đóng thế nữ… Ngoài ra, ở đây chúng ta còn có thể thấy được sự sáng tạo của học trò ở việc tạo ra âm thanh, ánh sáng, diễn kịch...”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho rằng: chưa thấy có quy định như thế nào là giới hạn cho dạy học sáng tạo, người thầy phải đủ bản lĩnh, năng lực, sự nhạy cảm, tinh tế để đồng hành và điều tiết những sáng tạo của học sinh sao cho các em vừa phát huy năng lực, vừa định hướng giáo dục thẩm mỹ tốt nhất có thể. Bài học thông qua vở diễn phải đáp ứng được mong muốn khơi gợi sự sáng tạo, hứng thú của học sinh, thành thử phải có yếu tố sinh động, hấp dẫn.
“Nhưng chúng ta cũng phải đặt ra giới hạn sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh phổ thông vốn dĩ rất nhạy cảm. Có những chi tiết nếu không làm ảnh hưởng đến giá trị của tác phẩm thì không cần khai thác sâu, có thể nói lướt qua. Bởi vì đối tượng là học sinh nên cần phải thận trọng cân nhắc trong việc truyền tải để tránh cảm thụ không đúng, hoặc bị đẩy đi xa, mắc phải những sai lầm hay “tai nạn nghề nghiệp” đáng tiếc”, thầy Cải nhấn mạnh.
Theo thầy Cải, sáng tạo trong khuôn khổ và chuẩn mực để vừa phát huy năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính giáo dục theo đặc trưng bộ môn, góp phần vào sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh, đây là yếu tố cốt lõi.
Không ít ý kiến cho rằng, sân khấu hóa tác phẩm văn học là một hoạt động giáo dục sinh động, công phu, đòi hỏi cả thầy và trò phải đọc hiểu và cảm nhận tác phẩm thật sâu sắc rồi mới chuyển tải thông điệp thông qua vở diễn. Tuy nhiên, dù với cách thể hiện nào, loại hình gì thì mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả cảm nhận tác phẩm, hiệu quả giáo dục. Vì vậy, giáo viên cũng không nên sa đà vào sự thể hiện, nhất là sự thể hiện có yếu tố “giật gân”, “nhạy cảm”… dễ gây tranh cãi.
Một chuyên viên ngữ văn nhấn mạnh: việc sân khấu hóa tác phẩm phải có mục đích cụ thể. Và quan trọng nhất là hình thành nơi học sinh năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực cảm thụ tác phẩm. Ví dụ: trong quá trình hướng dẫn các em sân khấu hóa một tác phẩm văn học, giáo viên cần hướng dẫn các em đọc sâu, đọc kỹ tác phẩm và sau đó chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Từ đó, hình thành nơi học sinh kiến thức, kỹ năng, thái độ đối với môn học. Tức là đích đến cho giờ học ngữ văn là môn học chứ không phải là một loại hình khác. “Trước những ý kiến trái chiều về hiệu quả, ý nghĩa của sự sáng tạo, giáo viên cần khiêm tốn lắng nghe, suy xét để điều chỉnh sao cho hiệu quả giảng dạy cao nhất”, chuyên viên này nói.
Giáo viên bị kỷ luật không chỉ vì tiết dạy sân khấu hóa được cho là nhạy cảm
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản, cho biết: quyết định kỷ luật đối với giáo viên Phạm Quốc Đạt không chỉ xuất phát từ tiết dạy sân khấu hóa đó mà còn liên quan đến sự việc khác trong nhà trường. Để ban hành quyết định này, nhà trường thực hiện theo Thông tư 27 và đã có những buổi họp hội đồng sư phạm, hội đồng kỷ luật, tham khảo, lấy ý kiến các giáo viên, tổ chuyên môn...
Riêng về tiết dạy sân khấu nói trên, vị hiệu trưởng trường này cho hay, tiết học của thầy Đạt không nằm trong kế hoạch giảng dạy của nhà trường, của tổ ngữ văn và giáo viên này tự động thực hiện.
|
Gia Tuệ