Sáng tạo tổ hợp 'lạ' để vét thí sinh?

26/03/2018 - 08:39

PNO - Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH phân tích: “Mở rộng cơ hội xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, nếu so với các nước phát triển cách thức này hoàn toàn đúng, nhưng không phù hợp ở Việt Nam.

Khi chỉ còn vài ngày nữa, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào đại học, nhiều trường bất ngờ tung ra các tổ hợp môn xét tuyển lạ lùng: các ngành chế tạo máy, công nghệ thông tin, kinh tế… tuyển bằng tổ hợp các môn văn - sử - địa hoặc văn - sử - giáo dục công dân; ngành đòi hỏi phải có năng khiếu vẽ như kiến trúc, thiết kế nội thất lại không cần xét điểm môn vẽ…

Sang tao to hop 'la' de vet thi sinh?
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học

Thi nhau “sáng tạo” tổ hợp mới

Có thể nói, chưa khi nào các môn, các tổ hợp môn tuyển sinh đại học (ĐH) lại phong phú như hiện nay. Bên cạnh hai tổ hợp xét tuyển truyền thống là toán - lý - vẽ và toán - văn - vẽ, năm nay Trường ĐH Thủ Dầu Một mở thêm hai tổ hợp mới là: toán - lý - hóa và toán - văn - khoa học tự nhiên để tuyển sinh vào các ngành kiến trúc, quy hoạch vùng và đô thị. 

Tương tự, Trường ĐH Bình Dương cũng có ngành kiến trúc xét các tổ hợp không yêu cầu phải có năng khiếu là toán - lý - hóa, toán - lý - anh và toán - lý - địa lý. kỳ lạ hơn, những ngành liên quan đến tính toán như kế toán, tài chính ngân hàng của trường này cũng tuyển sinh bằng tổ hợp văn - sử - địa, không có môn toán. 

Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM còn dự kiến các ngành kiến trúc và thiết kế nội thất cũng xét tuyển bằng hai tổ hợp không có môn vẽ là: toán - lý - hóa và toán - văn - Anh. Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng bỏ qua môn năng khiếu (vẽ) đối với phương thức xét bằng học bạ vào ngành kiến trúc, quy hoạch và xét tuyển tổ hợp văn - sử - địa cho khối ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, bất động sản. 

Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai thông báo tuyển sinh các ngành kỹ thuật như: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin… bằng tổ hợp ba môn văn - sử - giáo dục công dân; các ngành kinh tế bằng tổ hợp văn - sử - địa. Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế… cũng xét tuyển tổ hợp các môn văn - sử - địa vào các ngành quản lý đất đai, khuyến nông, phát triển nông thôn, bất động sản… 

Không phù hợp ở Việt Nam

Trưởng phòng đào tạo của một trường ĐH phân tích: “Mở rộng cơ hội xét tuyển bằng nhiều tổ hợp, nếu so với các nước phát triển cách thức này hoàn toàn đúng, nhưng không phù hợp ở Việt Nam. Ở nước ngoài, một em học toán chuyển qua các ngành xã hội “ngon ơ” vì chương trình phổ thông có sự tích hợp môn và liên thông kiến thức.

Nhưng ở Việt Nam thì rất khó để người học thích ứng. Các em có thể có đam mê ngành nghề nhưng không thể xác định được  năng lực bản thân có phù hợp với đam mê không. Vì vậy, tôi cho rằng, dù đổi mới thì vẫn phải xét đến yếu tố đặc thù ngành học”. 

“Sáng tạo” ra các tổ hợp mới như vậy chắc hẳn mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và cơ hội tuyển sinh tốt cho các trường. Nhưng, trúng tuyển rồi, thí sinh có học được hay không là vấn đề cơ sở đào tạo không thể trả lời, còn hậu quả thì rõ ràng người học “lãnh đủ”. 

Đã có trường phải điều chỉnh

Lý giải về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM - cho rằng: “Việc mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ mở rộng cơ hội cho thí sinh yêu thích ngành đó không bị vướng những rào cản vô lý. Một học sinh nông thôn không có điều kiện học vẽ nhưng thích ngành thiết kế nội thất thì phải chững lại một năm để đi học vẽ sao? Điều quan trọng không phải đầu vào mà là quá trình học có cố gắng tiếp thu hay không”.

Do đó, bên cạnh những tổ hợp truyền thống, trường thử nghiệm đổi mới, tuyển thêm các tổ hợp không có môn vẽ ở hai ngành kiến trúc và thiết kế nội thất. “Trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, ranh giới trong ngành nghề không còn phân định rạch ròi mà có sự liên thông với nhau. Hầu hết các kiến trúc sư, thiết kế viên đều không còn ngồi cặm cụi vẽ tay, mà sử dụng công nghệ để thiết kế, dựng mô hình…

Quản trị kinh doanh cũng có rất nhiều lĩnh vực: quản lý tài chính, nhân sự, marketing… thì không nhất thiết phải giỏi toán, lý, hóa mới có thể vào học. Người học ngành công nghệ cũng có những vị trí phù hợp trong các cơ quan báo chí, trừ việc làm phóng viên viết bài”, thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh nói thêm.

Thế nhưng, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tuyển những thí sinh không có năng khiếu mà ngành học cần là làm khó người học. Vì các em không có cái gốc cơ bản của các môn tự nhiên, nhất là toán, thì không giỏi về logic, tính toán. Những người thành đạt trong lĩnh vực kiến trúc, thiết kế nội thất, phần lớn đều có năng khiếu về hội họa, tư duy về không gian.

Ở các trường đào tạo về kỹ thuật và khoa học tự nhiên, thường đòi hỏi người học phải có năng lực về toán. Dù tuyển sinh đã ưu tiên tuyển môn toán mà sinh viên vào học còn rất vất vả huống hồ những thí sinh học các môn khoa học xã hội. Yếu kiến thức toán các em sẽ không thể theo học.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Công nghiệp - Thực phẩm TP.HCM, dẫn chứng: “Chúng tôi từng muốn đẩy mạnh ngoại ngữ cho sinh viên nên quyết định mở rộng thêm tổ hợp xét tuyển toán - văn - Anh. Khi vào học, các em này tư duy rất tốt nhưng không có kiến thức về hóa, sinh nên gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận lĩnh vực hóa - sinh như công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học… Thế là năm nay phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh thành tổ hợp toán - hóa - Anh”.

Vì thế, nhiều nhà đào tạo cho rằng, việc mở rộng cơ hội này phần lớn là tạo điều kiện cho các trường “hốt” được nhiều thí sinh, nhất là với một số ngành khó tuyển. 

Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI