Sáng tạo nhân vật trong phim chuyển thể: Đừng làm méo mó nhân vật gốc!

01/02/2021 - 14:03

PNO - Tác phẩm phái sinh cần sự làm mới, vì nếu bê nguyên xi nguyên tác sẽ không còn thú vị. Nhưng làm mới thế nào để người xem không thấy xa lạ, không phá hỏng hình tượng nhân vật gốc, thực sự không đơn giản.

Bóp méo nguyên mẫu

Ngày 27/1, đoàn phim Kiều đã có buổi giới thiệu về bộ phim. Ngoài những nhân vật quen thuộc như Kiều, Hoạn Thư, Thúc Sinh, mẹ Hoạn Thư, tú bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Bà, ê-kíp còn trình làng hai nhân vật không có trong tác phẩm gốc là Hiền Bá - quý ông giàu có đến thanh lâu mua vui, và Thị Liên - kỹ nữ sát cánh giúp Kiều lúc ở lầu xanh. Tuy nhiên, hai nhân vật này không gây thắc mắc bằng việc hình ảnh Thúc Sinh trong phim được khắc họa là chàng trai có võ công cao cường.

Biên kịch Phi Tiến Sơn lý giải: “Mọi người thường cho rằng tác phẩm Kiều nói về sự truân chuyên, thống khổ của phụ nữ xưa, nhưng tôi cảm nhận điều quan trọng nhất Nguyễn Du muốn nói đến trong tác phẩm là sự tự do và quyền con người. Kiều, Hoạn Thư, Thúc Sinh đều có khát vọng về quyền con người, mỗi người luôn muốn vượt qua sự ràng buộc để hướng đến sự tự do. Khả năng võ nghệ của Thúc Sinh có ý nghĩa như một cuộc giải thoát”.

Thúc Sinh trong phim Kiều không còn là chàng trai trói gà không chặt như truyện, mà võ nghệ đầy mình
Thúc Sinh trong phim Kiều không còn là chàng trai trói gà không chặt như truyện, mà võ nghệ đầy mình

 

Chưa biết cách tân nhân vật Thúc Sinh có thuyết phục không, vì phim chưa ra mắt, nhưng xem pre-trailer, nhìn cảnh Hoạn Thư cầm hung khí lừ lừ tiến lại gần một người đàn ông đang “mây mưa” trông như đang đi đánh ghen, người xem cảm thấy ái ngại. Hình ảnh “chợ búa” này hoàn toàn không phù hợp với vị thế một tiểu thư quyền quý, càng khác một trời một vực với cách hành xử của một người thông minh, sắc sảo, lắm mưu nhiều kế như Nguyễn Du mô tả: “Bề ngoài thơn thớt nói cười/ Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Một sáng tạo nhân vật trong phim chuyển thể cũng đang gây tranh cãi gần đây là chuyện nhân vật Tí trong phim Trạng Tí  phiêu lưu ký. Tí trong bộ truyện Thần đồng đất Việt là cậu bé thông minh, lanh lẹ, không sợ ai, thậm chí một mình “cân” cả triều đình. Nhưng trailer phim lại cho thấy hình ảnh một cậu bé u buồn, dễ bị tổn thương, hay mè nheo, bị bạn bè bắt nạt. Không chỉ tính cách sai lệch, hành động đi tìm cha Tí - nội dung chính của phim - cũng là sáng tạo khó chấp nhận, vì trong truyện, Tí vốn là tinh quân xuống trần, không có lý do gì tìm cha.
Không nâng, xin đừng hạ

Điện ảnh và văn học là hai loại hình nghệ thuật khác nhau, nên dù là chuyển thể, phim vẫn là một tác phẩm độc lập, không thể bắt biên kịch, đạo diễn sao y 100% truyện. Nghệ thuật luôn đề cao tính sáng tạo, do đó những cải biên liên quan đến nhân vật là quyền của nhà làm phim để tạo sự mới mẻ cho tác phẩm phái sinh. Như phim Mắt biếc chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh thú vị khi thêm nhân vật Hồng; khắc họa nhân vật Trà Long và Dũng đậm nét hơn truyện.

Tuy nhiên, vì là chuyển thể nên khó tránh khỏi việc bị người xem đánh giá sát sao. Người xem đã gắn bó với nhân vật nên bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải thuyết phục. Biên kịch, đạo diễn có thể sáng tạo nhân vật theo góc nhìn riêng, thậm chí đem đến cái nhìn đa chiều về nhân vật, nhưng sự biến tấu này chỉ nên nhằm đào sâu, làm rõ hơn tính cách, tâm lý, tình cảm nhân vật, chứ đừng làm méo mó hình tượng nhân vật gốc. Mọi sự thay đổi rất cần được diễn giải hợp lý, thuyết phục. Nếu không, ý định tốt đẹp của biên kịch, đạo diễn sẽ đem lại tác dụng ngược. 

Nguyễn Ngọc

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI