Sáng nay, 30/10, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV bắt đầu. Điểm mới của kỳ họp này, theo chương trình điều chỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ không trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội mà bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng sẽ trả lời chất vấn nếu ĐBQH đặt câu hỏi.
Do đây là kỳ họp giữa kỳ, nên Quốc hội không lựa chọn “cứng” danh sách 4 bộ trưởng ngồi ghế nóng như các kỳ họp thông thường.
|
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV |
Các ĐBQH cũng sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ kéo dài trong 3 ngày, kết thúc vào ngày 1/11. Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Trước thềm phiên chất vấn, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện của UBTV Quốc hội đánh giá, việc chất vấn có nhiều đổi mới hơn được kỳ vọng mang lại nhiều hiệu quả.
“Việc tại phiên chất vấn ở kỳ họp này, tất cả thành viên Chính phủ cùng Thủ tướng Chính phủ sẽ đều tham gia trả lời chất vấn cho thấy, đây là một Chính phủ trọng dân, vì dân, đúng theo quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ”, bà Hải nói.
|
Bà Nguyễn Thanh Hải khẳng định không chỉ ĐBQH mà cử tri cả nước sẽ là người "chấm thi" cho các đại biểu |
Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, “người chấm thi” đối với bộ trưởng trả lời chất vấn không chỉ có các ĐBQH mà trên sóng trực tiếp, cử tri cả nước cũng theo dõi và đánh giá. “Sau mỗi phiên chất vấn tại Quốc hội, các ĐBQH, cử tri và nhân dân sẽ giám sát đến cùng các “lời hứa”, cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành nêu ra” – bà Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, phương thức “hỏi nhanh – đáp gọn” từ kỳ họp trước tiếp tục được áp dụng tại kỳ chất vấn lần này sẽ giúp các bộ trưởng trả lời được nhiều chất vấn của các ĐBQH.
“Đặc biệt, khi đổi mới chất vấn, bản thân các bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn cũng rất áp lực. Phải trả lời sao cho ngắn gọn trong khoảng thời gian Quốc hội quy định, mà vẫn đầy đủ thông tin, đáp ứng yêu cầu của ĐBQH. Việc này đòi hỏi bộ trưởng phải nắm vững vấn đề, số liệu rồi chọn cách diễn đạt logic như một cuộc thi vấn đáp”, bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Minh Quang