Sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa sương mù

14/04/2016 - 10:30

PNO - Cháu rất lạ. Cả ngày, lúc cần làm việc này thường cháu lại làm việc khác. Như giờ cơm, gọi mãi cháu vẫn bận làm gì đấy, rất lâu sau mới ra...

“Con đang bận” là câu con gái tôi luôn trả lời mẹ mỗi khi tôi nhắc nhở việc gì. Cháu rất lạ. Cả ngày, lúc cần làm việc này thường cháu lại làm việc khác. Như giờ cơm, cả nhà gọi mãi cháu vẫn bận làm gì đấy, rất lâu sau mới ra; cả nhà ăn xong, cháu vẫn ngồi lại bàn ăn cả giờ.

Buổi sáng, khi mọi người khẩn trương vệ sinh, thay quần áo, ăn sáng… cháu luôn trì hoãn, mặc mọi người thúc giục. Hầu như ngày nào cháu cũng khiến chị Hai đi học muộn vì phải đợi, bố thì phải la hét om sòm mới xong.

Tôi mất kiên nhẫn với con quá. Sáng qua, trong lúc tức giận, tôi đã đánh và bắt cháu thay quần áo ra, không cho đi học. Con khóc, mẹ khóc, nhà náo loạn. Cả ngày tôi không làm được việc gì, thấy mình bất lực, không dạy được con.

Cháu năm nay 12 tuổi rồi.

Hồng Lê (Q.Bình Tân)

Sang nang, chieu mua, giua trua suong mu
Ảnh minh họa - Shutterstock

Chị Hồng Lê mến,

Con gái chị ở tuổi 12 - tâm lý đang có nhiều thay đổi nên hành động của cháu có vẻ khó hiểu trong mắt ba mẹ. Mối quan hệ cha mẹ - con cái ở giai đoạn này dễ rơi vào khủng hoảng: con không nghe lời, cha mẹ căng thẳng với con. Anh nhà la hét với cháu, chị đánh và mắng cháu, thậm chí bắt cháu nghỉ học là những hành động rất đáng tiếc dù tôi chia sẻ với anh chị vì cảm xúc bực bội thường xuyên, khó bình tĩnh trước những hành động trái khoáy của cháu.

Tuy nhiên, để không “bất lực” trước con, anh chị rất cần thay đổi cách dạy. Con gái anh chị không tập trung giờ nào việc nấy có thể do cháu gặp khó khăn trong sắp xếp công việc, cần được giúp đỡ và hướng dẫn. Tâm lý tuổi này thường “sáng nắng, chiều mưa, giữa trưa sương mù”, cháu rất cần bố mẹ hiểu và thông cảm cho sự lãng đãng, khó tập trung, hay thay đổi của mình. Theo thời gian, cháu sẽ dần ổn định tâm trạng và sắp xếp cuộc sống trật tự hơn.

Cũng có thể cháu đang có nỗi buồn nào đó khiến khó tập trung vào việc cần làm. Chị mô tả “cháu luôn tìm cách trì hoãn, lúc thì tìm cái gì đấy, lúc lại ngồi im đấy, mặc mọi người thúc giục”. Những hành động này nếu lặp lại nhiều lần, cùng với việc không để tâm đến lời la mắng của cha mẹ, anh chị cũng nên đặt dấu hỏi.

Thực tế, đã có nhiều bé bị trầm cảm do áp lực học tập, những căng thẳng trong quan hệ bạn bè, thầy cô hay cha mẹ mà một thời gian dài cha mẹ mới biết, do tưởng con “chướng” ở tuổi mới lớn. Mong anh chị quan sát và dành thời gian nói chuyện với cháu nhiều hơn để biết cháu đang có tâm sự gì. Nếu cháu cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý, anh chị hãy giúp cháu tìm người chia sẻ.

Trẻ em cần được giúp hơn là bị đánh đòn. Cha mẹ càng không nên phạt cháu bằng việc bắt nghỉ học. Đi học vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của trẻ. Nếu trẻ bị phạt cấm đi học, trẻ sẽ hiểu sai về mục đích học tập và có thể phản ứng tiêu cực với việc học. Những hình thức phạt như la mắng, đánh… cũng không bao giờ là cách tốt giúp cháu thay đổi sự bất ổn trong hành vi.

Thường thì cha mẹ la, đánh con trong những tình huống thế này chủ yếu vì tức giận bởi cháu đã gây phiền phức hơn là để dạy bảo cháu. Tâm trạng “cả ngày không làm được gì, bất lực vì không dạy được con” đã phần nào nói lên cảm giác hối lỗi của chị. Mong anh chị bình tĩnh, tìm hiểu con.

Anh chị có thể trò chuyện với giáo viên, bạn bè xem ở trường cháu có vấn đề gì không; tâm trạng của cháu ở lớp, khi chơi với bạn có tương tự như lúc ở nhà? Khi hiểu cháu, hiểu vấn đề khó khăn của cháu, anh chị sẽ có cách giúp đỡ cháu phù hợp. Quá trình tìm hiểu con sẽ giúp anh chị bớt bực bội vì những lỗi cháu gây ra, bình tĩnh khi hướng dẫn con, kiên nhẫn chờ đợi con thay đổi. Dù sao cháu cũng chỉ mới là cô bé 12 tuổi.

Chuyên viên tư vấn Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI