Cạn kiệt đào rừng
Những ngày này, người dân làng nghề hoa cây cảnh tại xã Nghi Ân (TP.Vinh, Nghệ An) lại khẩn trương gom tiền hàng để ngược lên núi săn đào phục vụ thị trường tết.
Vẻ đẹp của những cây đào rừng bắt đầu được ưa chuộng như một thú chơi ngày tết trong những năm gần đây khiến lực lượng đi "săn" ngày càng nhiều. Và nghề "săn" cũng như buôn bán đào rừng hiện là công việc hốt bạc mỗi dịp xuân về.
|
Đào đá được các "tay buôn" chở về bày bán kín hai bên đường các huyện miền núi Nghệ An |
Sự cạn kiệt của những cây đào rừng qua từng năm khiến nghề đi "săn" đào rừng ngày một thêm vất vả hơn để có thể đem về phố những cành đào như ý.
Anh Nguyễn Văn Nam (41 tuổi, trú xã Nghi Ân) cho hay, nếu như những năm trước các tay buôn đào tại đây chủ yếu lên các bản làng miền Tây xứ Nghệ hoặc ra các tỉnh phía Bắc là đã có sẵn rất nhiều đào rừng, nhưng nay để có được những cành đào khủng, đẹp mắt thì phải sang tận các bản làng người Mông ở Lào.
Ngót nghét đã có chục năm theo nghề, anh Nam tiết lộ những loại đào này thường mọc trên núi cao, núi đá nên được gọi là đào đá. Cũng có người gọi là đào Mông bởi thường xuất hiện ở các bản vùng cao biên giới người Mông sống.
Khác hẳn với lớp vỏ nhẵn bóng đào Nhật Tân, đào thế… những cây đào đá thường có vỏ mốc, xù xì, dáng tự nhiên, đặc biệt bám nhiều lớp rêu, địa y, nấm kí sinh... trên thân.
|
Nhiều tay buôn vào tận các bản làng vùng cao để săn mua đào khủng |
Theo các lái buôn đào có kinh nghiệm, một cành đào đá đẹp phải đảm bảo các yếu tố: to, thế tỏa ra như hình mâm xôi, rêu mốc, nhiều nụ và lộc... Hoa của giống đào này có màu hồng nhạt, không sặc sỡ như đào miền xuôi. Tuy nhiên, hoa đào đá khá lớn, chắc khỏe và rất lâu tàn.
Những bản làng người Mông ở vùng Mường Quắn (tỉnh Hủa Phăn, Lào) quanh năm mây phủ là nơi vẫn đang giữ được những vườn đào hàng trăm năm tuổi.
|
Những gốc đào rừng sum suê nhưng khá giòn, ba người phải rất vất vả để di chuyển |
“Nếu sang Lào thì đào cỡ nào cũng có. Thấp thì nửa triệu, còn cao thì vài chục triệu. Giá này sau khi đưa về thành phố sẽ cao hơn nhiều lần”, anh Trần Khánh Linh (trú xã Nghi Ân) nói.
Nhưng theo anh Linh, đào đá có cành giòn, dễ gãy nên không thể buộc gọn lại như các loại đào khác để vận chuyển. “Khuyết điểm” này khiến việc vận chuyển đào đá từ Lào về gặp khó khăn và tốn kém hơn nhiều khi mỗi chuyến xe tải cỡ lớn cũng chỉ chở được vài chục đến trăm cành.
|
Những cây đào đá khủng nguyên gốc được vận chuyển kỳ công về xuôi |
Theo các tay buôn đào, trung bình mỗi chuyến sang Lào để mua đào họ thường bỏ ra từ 100-200 triệu đồng mỗi chuyến. Nếu thuận lợi theo “dự tính” thì cũng có thể đút túi vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu.
“Cũng có nhiều người đi buôn đào tết bằng làm cả năm, nhưng không phải năm nào cũng gặp may. Nhẩm tính có vẻ dễ vậy đó nhưng cũng có những năm lỗ cả vốn do tính toán sai. Khi đào đưa về tới thành phố thì gặp trời nắng đẹp khiến đào nở bung sớm, không có người mua”, anh Linh nói.
Lái buôn kiếm bộn tiền, còn đỉnh Pù Xai Lai Leng có nguy cơ trơ trụi
Hiện khắp các ngả đường ở các xã biên giới huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã nhộn nhịp cảnh mua bán đào đá.
Đây cũng là thời điểm những chủ vườn đào ở vùng cao này “hốt bạc”. Cũng như những năm gần đây, thú chơi đào đá nguyên gốc, nguyên cành khủng vẫn được người dân ưa chuộng và sẵn sàng chi tiền mua về dù giá khá cao.
|
Càng nhiều lớp rêu, địa y, nấm kí sinh... trên thân, những gốc đào rừng càng được ưa chuộng |
Theo người dân địa phương, trước đây, đào đá vốn mọc rất nhiều ở khắp mọi nơi trong rừng. Thấy loài hoa này đẹp, quả ngon nên nhiều bà con đi rừng bắt đưa giống cây về trồng trong vườn nhà trồng với mục đích lấy quả ăn mà chưa từng nghĩ có thể buôn bán loại hoa này.
Chừng vài năm trở lại đây, đào đá bắt đầu được ưa chuộng và được thương lái đặt mua từ rất sớm trước dịp tết Nguyên đán.
Pù Xai Lai Leng, ngọn núi hùng vĩ được mệnh danh là nóc nhà của dãy Trường Sơn, nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông cũng là nơi được xem là một trong những “thủ phủ” của đào đá, đào rừng miền Tây xứ Nghệ. Dưới đỉnh Pù Xai Lai Leng là những cây đào có tuổi đời hàng chục năm.
|
Dịp tết, nhiều người dân ở miền núi Nghệ An kiếm được bội tiền nhờ thu hoạch đào bán cho thương lái |
Sở hữu vườn đào rộng 3ha dưới chân núi, ông Xồng Bá Mùa (trú xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn) cười nói “những cây đào này trồng từ hồi còn trẻ, nay tôi đã già rồi”. Lão nông ở vùng sơn cước này cho hay, có lẽ đào là thứ cây duy nhât ở vùng này giúp người dân có thu nhập quanh năm.
“Mỗi năm mình thu tiền đào được hai lần. Một lần bán quả, một lần bán hoa”, ông Mùa cười nói.
Một tháng trước tết, gia đình ông Mùa đã bắt đầu đông vui bởi nhiều thương lái, người dân từ miền xuôi ngược lên hỏi và đặt cọc tiền mua đào. Mỗi năm, gia đình ông cũng thu được hàng chục triệu, có năm lên trăm triệu đồng từ bán đào.
|
Nhiều gốc đào hàng chục năm, có đường kính khủng 60-80 cm |
Không những có thu nhập từ những vườn đào, những dịp tết gần đây, đồng bào người Mông cũng bắt đầu nắm bắt được thú chơi đào đá của người miền xuôi nên bắt đầu kéo nhau lên núi chặt đào, kiếm tiền sinh nhai hoặc nhận lời vác thuê đào từ trên núi xuống cũng có thể kiếm được bạc triệu mỗi lần.
Hai tuần trước tết Nguyên đán, hai bên đường quốc lộ 7A gần khu vực biên giới trở thành khu vực tập kết, trưng bày đào rừng. Những cành đào khủng, thậm chí nhiều cây đào được đào nguyên cả gốc được nhiều “tay buôn” dùng xe máy chở từ Lào về tập kết chờ bạn hàng đưa về xuôi.
|
Cây đào cao hơn 5m được một tay buôn vận chuyển vượt hơn 100km đưa về TP.Vinh |
“Đường rất khó đi nên những người đi vào các bản làng hẻo lánh mua đào chỉ có thể chở được một lúc khoảng 3-6 cành đào tùy loại. Vất vả, nhưng đổi lại nếu may mắn mua được những cành đào lớn, thế đẹp thì đem về bán cũng có thể kiếm được vài triệu mỗi chuyến như vậy”, anh Vừ Bá Lỳ (trú huyện Kỳ Sơn) nói.
Theo Lỳ, nhận thấy lợi nhuận lớn từ buôn bán đào dịp tết, vài năm trở lại đây, nhiều người ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… kéo nhau sang Lào mua đào rồi về tập kết bán lại cho các thương lái ở miền xuôi.
Phan Ngọc