Sáng kiến ‘Vành đai và Con đường’ chững lại ở Đông Nam Á

28/01/2019 - 09:00

PNO - Các dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ở Đông Nam Á đã thu hẹp gần một nửa kế hoạch triển khai trong năm 2018, mức đầu tư thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Sang kien ‘Vanh dai va Con duong’ chung lai o Dong Nam A
Myanmar thu hẹp dự án xây dựng cảng biển Kyaukpyu do Trung Quốc đầu tư vì lo lắng trước khoản nợ quá lớn - Ảnh: SCMP/Getty Images

Một trong những nguyên nhân chính của tình hình này là do các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tập trung xem xét kỹ lưỡng lại chiến lược của Bắc Kinh, trong khi họ vẫn tích cực tìm kiếm các nguồn đầu tư.

Trung Quốc đang định hình lại cách tiếp cận chính sách “Vành đai và Con đường” ở Đông Nam Á, sau khi các dự án của nước này trong khu vực bị thu hẹp trong năm ngoái do chiến lược đầu tư của Bắc Kinh đang bị xem xét, đánh giá lại trên toàn cầu.

Theo phân tích của Citi Economics trên cơ sở số liệu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), giá trị của các thỏa thuận đầu tư lớn mới công bố, bao gồm cam kết đầu tư và các hợp đồng xây dựng có trị giá hơn 100 triệu USD, đã giảm 49,7% trong năm 2018 xuống còn 19,2 tỷ USD, mức thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.  

Sang kien ‘Vanh dai va Con duong’ chung lai o Dong Nam A
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Philippines Duterte chứng kiến lễ ký 29 bản ghi nhớ các dự án liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” khi ông Tập đến thăm Manila tháng 11/2018 - Ảnh: SCMP

Tại 10 quốc gia ASEAN, các siêu dự án mới của Trung Quốc đã chững lại đáng kể trong nửa sau năm 2018, chỉ còn 12 dự án với tổng trị giá 3,9 tỷ USD, giảm từ mức 33 dự án với tổng trị giá 22 tỷ USD cùng kỳ năm trước.

Giá trị của các dự án này ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore trong 6 tháng cuối năm 2018 chỉ đạt ¼ tổng giá trị năm 2017.

Các nhà phân tích nói rằng sáng kiến của Trung Quốc tại khu vực này “sẽ được định hình lại, nhưng quy mô giảm đi so với trước” vì chương trình hạ tầng khổng lồ – mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh – cũng phải phù hợp với sự phát triển của các nước trong khu vực.

Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á tăng mạnh từ năm 2013, thời điểm Bắc Kinh triển khai sáng kiến đầu tư vào khu vực mang tên “Vành đai và Con đường”, một trọng điểm trong chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình. Các nước ASEAN nay chiếm đến 1/3 lượng đầu tư và cam kết xây dựng của Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến này.

Sang kien ‘Vanh dai va Con duong’ chung lai o Dong Nam A
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã hủy bỏ dự án đường sắt 20 tỷ USD của Trung Quốc - Ảnh: SCMP/Getty Images

Trong 3 năm đầu tiên thực hiện sáng kiến, đầu tư đã cam kết của Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á tăng 77% so với 3 năm trước đó.

Sau đó, xuất hiện tâm lý lo ngại Bắc Kinh che giấu “lợi ích địa chính trị” phía sau các dự án nên một số nước trong khu vực xem xét lại chính sách đầu tư của Trung Quốc. Đáng chú ý, mới đây chính phủ Malaysia đã hủy bỏ dự án đường sắt 20 tỷ USD của Trung Quốc ở nước này.

Myanmar cũng thu hẹp dự án xây dựng cảng Kyaukpyu do Trung Quốc đầu tư trên vịnh Bengal do sợ phải mang món nợ quá lớn.

Tuy thu hẹp quy mô các dự án hạ tầng với Trung Quốc, các nước ASEAN vẫn quan tâm đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. Tháng trước, Thứ trưởng Hàng hải Indonesia Ridwan Djamaluddin tuyên bố Jakarta đang tiếp xúc với đối tác Trung Quốc về các dự án mới với trị giá trong khoảng 50-60 tỷ USD.

Quế Lâm (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI