Sáng kiến phòng, chống dịch của một công ty sát “vùng dịch Sơn Lôi”

20/03/2020 - 09:03

PNO - Bàn ăn được chia ô, công nhân ngồi sát nhau vẫn không chạm mặt nhau; phòng phun dung dịch khử khuẩn cả người và phương tiện ra vào nhà máy… Biện pháp phòng dịch của một doanh nghiệp Trung Quốc nằm ngay sát vùng dịch Sơn Lôi đã đảm bảo an toàn cho hàng trăm lao động.

 

Hệ thống phun sương tự động phun dung dịch hóa chất để khử khuẩn cho cả người và xe
Hệ thống phun sương tự động phun dung dịch hóa chất để khử khuẩn cho cả người và xe

Khử khuẩn cả người, cả xe

7g sáng, khi những công nhân đầu tiên có mặt để chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, đội bảo vệ của công ty bắt đầu bận rộn: người dùng máy đo thân nhiệt của công nhân, người cầm sẵn bình xịt khuẩn để công nhân rửa tay, người phát khẩu trang mới, yêu cầu tháo bỏ khẩu trang cũ cho vào thùng để tiêu hủy. Tiếp đó, cả công nhân lẫn xe máy cùng đi qua buồng phun sát khuẩn tự động được đặt cách cổng ra vào vài mét… 

Với mỗi công nhân, các thao tác trên mất chừng vài phút. Tuy nhiên, mọi việc dường như đã thành một thói quen, các bảo vệ và công nhân phối hợp nhịp nhàng, tự giác và cực kỳ ăn ý. 

Đây là yêu cầu bắt buộc, được áp dụng từ ngày 10/2 - ngày đầu tiên đi làm trở lại sau tết Nguyên đán của Công ty CDL Precision Technology, có trụ sở tại khu công nghiệp Bình Xuyên, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc - cho đến nay. Từ trụ sở của công ty tới xã Sơn Lôi chừng 1km.

“Buồng khử khuẩn” là một giàn khung thép, được che kín bằng lớp nhựa dày, có chiều rộng khoảng hơn 1m, dài chừng 3m, đủ để một người đi bộ dắt xe máy lọt qua. Cửa vào, cửa ra cũng được che bằng nhựa nhưng ghép từ các mảnh nhựa dài, tạo thành lớp mành. Hệ thống phun sương tự động phun dung dịch hóa chất để khử khuẩn cho cả người và xe. Hai buồng khử khuẩn được lắp ở cửa ra vào. Đúng 8g, gần 1.000 công nhân đều được khử khuẩn trước khi vào nhà máy.

Anh Nguyễn Hữu Tiến - cán bộ Phòng Nghiên cứu của công ty - cho biết, thời gian đầu, mọi người hơi khó chịu một chút do mùi thuốc sát trùng, khử khuẩn dính vào quần áo, hoặc do phải làm thêm một số động tác nhưng về sau họ quen dần. Quan trọng là mọi người đều ý thức việc bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Chị Nguyễn Thị Hà - cán bộ Phòng Nhân lực của công ty - thông tin, 100% cán bộ, công nhân ra vào nhà máy đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế khử khuẩn. Đối với các nữ công nhân đang mang thai, công ty thực hiện việc khử khuẩn bên ngoài, không phải qua buồng khử khuẩn. Hai buồng khử khuẩn này là sản phẩm “cây nhà lá vườn” do Phòng Thiết kế tạo ra. 

Từ lúc xã Sơn Lôi chưa được xác định là vùng dịch, chưa có lệnh cách ly, quy chế sát khuẩn của công ty đã được thực hiện nghiêm túc.

“Công ty có gần 1.000 lao động, trong đó có khoảng hơn 100 người ở xã Sơn Lôi. Trong thời gian xã Sơn Lôi bị cách ly do có một số người nhiễm virus SARS-Cov-2, các công nhân ở xã này được nghỉ làm việc, được hưởng 70% lương theo chế độ. Sau khi xóa lệnh cách ly tạm thời, số công nhân này đã đi làm trở lại, sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu bất thường” - chị Hà cho hay. 

Các vách ngăn trên bàn ăn của mỗi công nhân đảm bảo yêu cầu “mặt không chạm mặt” nhằm phòng, chống dịch COVID-19
Các vách ngăn trên bàn ăn của mỗi công nhân đảm bảo yêu cầu “mặt không chạm mặt” nhằm phòng, chống dịch COVID-19

Lập vách ngăn bàn ăn

Do số lượng lớn, làm theo ca, công nhân của Công ty CDL Precision Technology ăn trưa tại chỗ. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng, chống dịch bệnh, cần hạn chế việc tiếp xúc đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Thực hiện điều này với bếp ăn gần 1.000 công nhân là một bài toán khó.

Vẫn là “sản phẩm cây nhà lá vườn”, Phòng Thiết kế của Công ty CDL Precision Technology đã đưa ra sáng kiến làm các vách ngăn trên bàn ăn theo mô hình làm việc ca-bin của các văn phòng, công sở. Các tấm nhựa trắng được mua về cắt nhỏ, chia bàn ăn thành các ô, sáu công nhân mỗi bàn ăn mà vẫn đảm bảo được yêu cầu “mặt không chạm mặt”.

11g30, ca làm việc buổi sáng kết thúc. Công nhân từ các phân xưởng đổ về khu bếp ăn nườm nượp. Mỗi người tự nhận suất ăn của mình, tự tìm chỗ ngồi. Cảnh tượng đông đúc nhưng khá trật tự. Mọi người vẫn mang theo khẩu trang, chỉ đến khi về chỗ ngồi, mới bỏ ra.

Bữa trưa nhanh chóng kết thúc sau 15 phút. Bếp ăn là một khu nhà cấp 4 sạch sẽ, rộng chừng 200m2, kê năm dãy bàn theo chiều dọc. Mỗi ca ăn chứa được khoảng 300-400 công nhân.

“Công ty chia giờ ăn làm hai ca, ca 11g30 và ca 12g. Khi chúng tôi đưa phương án thiết kế mô hình bàn ăn dạng ca-bin, ban giám đốc đã chấp thuận ngay do tính khả thi, hiệu quả của nó. Chi phí để chia bàn ăn thành các ô, các ngăn không cao, nguyên liệu là nhựa xốp rất tiện lợi. Các mảnh nhựa được gắn với mặt bàn inox bằng băng dính; khi hết dịch, chỉ cần gỡ bỏ” - chị Hà cho biết.

Mọi việc diễn ra tại khu bếp ăn trật tự, nền nếp và tự giác. Những người dùng xong bữa trưa tự giác ra khu vệ sinh, tự phân loại rác, chia các vật dụng thìa, đũa vào các ngăn đã đặt sẵn, các khay đựng chồng lên nhau để nhân viên nhà bếp dọn dẹp, đưa về chỗ rửa.

Bà Nguyễn Thị Gái - nhân viên bếp ăn - được giao nhiệm vụ vệ sinh bàn ăn. Khi ca ăn trưa thứ nhất kết thúc, bà Gái nhanh chóng dùng nước sát khuẩn lau chùi bàn ăn để phục vụ ca ăn trưa tiếp theo.

Anh Đàm Hiểu Ba - người Quảng Đông, Trung Quốc, Phó phòng Nhân sự Công ty CDL Precision Technology - cho hay, công ty do người Trung Quốc đầu tư. Hồi tết Nguyên đán, khi dịch bệnh viêm phổi cấp bùng phát tại Vũ Hán, ban giám đốc đã đưa ra nội quy bắt buộc đối với toàn bộ nhà máy để phòng, chống dịch. Hiện tại, hai lãnh đạo của công ty vẫn ở Trung Quốc, chưa trở lại Việt Nam.

Anh Hiểu Ba nói, công ty sẵn sàng phổ biến mô hình phòng, chống dịch cho các đơn vị muốn đến tham quan, học hỏi để áp dụng: “Chúng tôi mong muốn chia sẻ cho các bạn, vì mục tiêu quan trọng nhất là chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Điều quan trọng là, công nhân khỏe mạnh mới có thể vận hành, sản xuất, nhà máy hoạt động liên tục, không đình trệ”. 

Chi Mai

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI