Sang đất bạn Lào miệt mài tìm mộ liệt sĩ

25/07/2024 - 06:21

PNO - Với tâm nguyện “đưa các anh về với đất mẹ thân yêu”, những người lính thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An ngày đêm vượt núi cao, vực thẳm, tỉ mỉ lật từng tấc đất trên đất bạn Lào để tìm kiếm, cất bốc và đưa hài cốt các liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hồi hương.

Học ngoại ngữ để tìm đồng đội

Các cán bộ, chiến sĩ đội quy tập làm thủ tục khâm liệm cho các liệt sĩ  trước khi đưa về Việt Nam - ẢNH: HUY KIỆM
Các cán bộ, chiến sĩ đội quy tập làm thủ tục khâm liệm cho các liệt sĩ trước khi đưa về Việt Nam - Ảnh: Huy Kiệm

Tranh thủ học thêm từ vựng tiếng Lào để chuẩn bị cho đợt quy tập hài cốt liệt sĩ mùa khô 2024-2025, trung tá Ngô Huy Kiệm - cán bộ đội quy tập, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An - giải thích, việc thành thạo tiếng Lào rất có ích khi tìm kiếm thông tin bộ đội Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trên đất nước triệu voi. Họ có thể hỏi thông tin từ các già làng, trưởng bản, trong đó có những người từng là lính trong thời chiến.

Thời gian rảnh, trung tá Ngô Huy Kiệm còn cùng các đồng đội giúp người dân thu hoạch mùa vụ, sửa sang nhà cửa để thắt chặt tình cảm với người dân địa phương. Đây cũng là dịp để anh cải thiện vốn tiếng Lào của mình, dò la thông tin về nơi hy sinh của bộ đội Việt Nam. Với nhiều năm làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, anh cho hay, việc tìm kiếm hài cốt ngày càng khó khăn do các nhân chứng sống đã già, không còn minh mẫn, địa hình cũng có nhiều thay đổi do tác động của thời tiết, con người.

Phụ trách tìm kiếm hài cốt ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào, thiếu tá Ngô Văn Hậu cho biết, người dân bản địa đi săn bắt trong rừng khá nhiều và đây là kênh thông tin rất hữu ích cho việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Với khả năng nói tiếng Lào lưu loát, anh trò chuyện, dò hỏi manh mối, khoanh vùng khu vực khả nghi. “Họ đi rừng nhiều, thông thạo địa hình nên chúng tôi nhờ họ để ý, báo tin nếu phát hiện các di vật của bộ đội Việt Nam như tăng, võng, giày, dép…” - anh nói.

Thượng úy Bùi Văn Khánh - nhân viên đội quy tập - nói: “Việc tìm kiếm các bác ngày càng khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tìm. Mỗi lần tìm thấy các bác, tôi lại có cảm xúc rất khó tả. Lúc khâm liệm, tất cả anh em đều cầu mong các bác chỉ đường để chúng tôi sớm đưa tất cả các bác về với quê nhà”.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của thiếu tá Ngô Văn Hậu trong 3 năm làm công tác này là lần khai quật ngôi mộ tập thể cuối năm 2022. Anh kể, tháng 11/2022, từ thông tin do người dân cung cấp, anh cùng các đồng đội tìm đến hang đá nằm sâu trong một khu rừng ở bản Nậm Xiểng, tỉnh Xiêng Khoảng để xác minh. Hang đá này chỉ rộng khoảng 3m, cao 2,5m nhưng sâu hơn 80m. “Cửa hang đã bị lượng đất đá rất lớn vùi lấp nhưng bên trong hang vẫn còn một số đồ dùng sinh hoạt nên chúng tôi nghi ngờ đây từng là nơi các bác trú ẩn lúc chiến đấu rồi bị ném bom vùi lấp” - anh kể.

Được tăng cường thêm lực lượng nhưng phải mất hơn nửa tháng trời, đội quy tập mới dọn được những khối đá khổng lồ ở cửa hang. Khi đào sâu xuống khoảng 3m, đội lần lượt tìm thấy 27 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều súng, đạn ở cửa hang. Nhiều hài cốt không còn nguyên vẹn do trúng bom. Các cán bộ, chiến sĩ phải mất nhiều tháng trời gạt, móc từng lớp đất đá nhỏ để khai quật hài cốt, dùng cồn rửa sạch, đo đạc, ghi chép tỉ mỉ từng mẩu xương và di vật để phần hài cốt được nguyên vẹn nhất có thể. “Tiếc là chúng tôi không tìm được di vật để xác định danh tính các liệt sĩ” - thiếu tá Ngô Văn Hậu ngậm ngùi.

Việc không xác định được danh tính liệt sĩ là điều trăn trở lớn lao của những người lính làm nhiệm vụ quy tập hài cốt. Trong 40 năm qua, dẫu họ đã đưa được nhiều hài cốt đồng đội trở về đất mẹ, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bởi không có nhiều liệt sĩ được xác định danh tính. Theo trung tá Ngô Huy Kiệm, chỉ có một số ít liệt sĩ được đưa về với gia đình nhờ lọ thuốc kháng sinh tetracyclin, phía trong đựng mẩu giấy ghi tên tuổi, quê quán, hoặc một miếng nhôm khắc tên tuổi được chôn cùng khi hy sinh.

Những đôi chân không mỏi

Được thành lập từ năm 1984, đến nay, đội quy tập thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã tìm kiếm, cất bốc được 12.661 hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào. Thượng tá Chế Ngọc Hà - Đội trưởng đội quy tập - cho biết, mỗi năm, có 60 cán bộ, chiến sĩ của đội sang Lào để làm nhiệm vụ ở 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Xây Xổm Bun và Viêng Chăn. Công việc này bắt đầu từ tháng Mười và kết thúc vào tháng Sáu, tức là vào mùa khô. Mùa khô ở Lào nắng chói chang, gió phơn thổi rát mặt nhưng đây là mùa thuận lợi cho công tác quy tập hài cốt.

An táng 87 hài cốt liệt sĩ được quy tập  trong mùa khô 2023-2024 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - ẢNH: PHAN NGỌC
An táng 87 hài cốt liệt sĩ được quy tập trong mùa khô 2023-2024 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - Ảnh: Phan Ngọc

Tròn 40 năm vượt dãy Trường Sơn làm nhiệm vụ thiêng liêng, đôi chân của những người lính quy tập dường như đã quen thuộc từng lối mòn, hốc đá, hang sâu ở 3 tỉnh của nước bạn. Những bước chân ấy vẫn miệt mài tìm kiếm bởi biết bao gia đình vẫn đau đáu nỗi niềm khôn nguôi khi hài cốt người thân còn nằm lại ở chiến trường Lào. Đó là cuộc đua với thời gian bởi những dấu vết ngày càng bị xóa mờ, những bộ hài cốt đang hòa tan vào đất.

Hành trang trên nẻo đường tìm kiếm của các cán bộ, chiến sĩ là vài nhu yếu phẩm cùng cuốc, xẻng, bao đựng hài cốt và nghĩa tình với những đồng đội thế hệ trước, nghĩa vụ với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, dân tộc. Trung tá Ngô Huy Kiệm nói, phần lớn hài cốt liệt sĩ nằm ở những vùng đồi núi hiểm trở, đi lại khó khăn, nên lực lượng tìm kiếm chủ yếu đi bộ. Họ đã quá quen với việc ăn cơm nắm, ngủ chập chờn giữa chốn rừng thiêng nước độc.
Khi đã xác định ở lại trong rừng, các cán bộ, chiến sĩ trong đội thường chọn những nơi có khe nước để nấu ăn, mắc võng, dựng lán. Vừa làm việc, anh em vừa thay phiên nhau xuống suối bắt cá, nhái hay lấy ít măng rừng bỏ vào ống tre nấu lên ăn tạm bợ với lương khô. Ở trong rừng nhiều tuần, thậm chí cả tháng trời, nhưng không phải lúc nào việc tìm kiếm, quy tập cũng có được những kết quả như mong muốn.

Theo thượng tá Chế Ngọc Hà, song song với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị còn phải bám bản làng, thực hiện tốt 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng Lào) để hòa nhập với đời sống của người dân địa phương. Hằng năm, đội quy tập thường tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, tặng quần áo, giúp dân thu hoạch mùa vụ, tu sửa nhà cửa. Họ được chính quyền và người dân địa phương tin yêu, từ đó tích cực dẫn đường, cung cấp thông tin về nơi hy sinh của các liệt sĩ cho đội quy tập.

Thành liệt sĩ khi đi tìm hài cốt liệt sĩ

Theo thượng tá Chế Ngọc Hà, trong 40 năm qua, đã có 9 cán bộ, chiến sĩ của đội quy tập hy sinh; nhiều người mang thương tích suốt đời do đạp phải bom, mìn, trong khi đang làm nhiệm vụ. Việc tìm kiếm trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam còn lại đang nằm rải rác ở vùng núi cao, rừng rậm, có nhiều bom, mìn chưa được rà phá.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI