Việt Nam cần chuẩn bị cho ‘’kỷ nguyên trí tuệ’’

07/10/2024 - 08:29

PNO - Tại buổi nói chuyện với giới trẻ TPHCM ngày 6/10, giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới - World Economic Forum (WEF) - cho rằng, Việt Nam có thể tận dụng tiềm năng của ‘’kỷ nguyên trí tuệ’’ để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy thương mại...

Ông Klaus Schwab cho biết: “Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào ‘’kỷ nguyên trí tuệ’’, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình”.

Lãnh đạo UBND TPHCM và giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Lãnh đạo UBND TPHCM và giáo sư Klaus Schwab - Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới

Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu, đặc biệt là các lĩnh vực điện tử và sản xuất. Đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại “kỷ nguyên trí tuệ”.

Ông Klaus Schwab nêu ra 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa trong sản xuất; thương mại điện tử và dịch vụ số; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển bền vững và công nghệ xanh. Tuy nhiên, dù ‘’kỷ nguyên trí tuệ’’ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức: “Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thận”. Khi AI và tự động hóa tái định hình các ngành công nghiệp, một số công việc sẽ có nguy cơ mất đi. Với Việt Nam, đây là một thách thức nghiêm trọng.

“Hành trình bước vào ‘’kỷ nguyên trí tuệ’’ của Việt Nam không thể được thực hiện một cách đơn lẻ. Sự hợp tác, cả trong ASEAN và toàn cầu, là điều quan trọng để Việt Nam có thể phát huy hết tiềm năng của mình”- ông Klaus Schwab nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc với Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) ngày 6/10, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi một lần nữa khẳng định sứ mệnh của C4IR là thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, hướng tới nền kinh tế hiện đại, sáng tạo và xanh, trong đó có tích cực thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tự động hóa,… Đồng thời, trung tâm sẽ tăng cường hợp tác, kết hợp với mạng lưới C4IR trên thế giới để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp và kiến nghị chính sách, nghiên cứu trên các lĩnh vực ưu tiên đột phá của thành phố, vùng Đông Nam Bộ phù hợp với định hướng quốc gia và xu thế quốc tế; huy động nguồn lực, vốn, hỗ trợ Chính phủ và doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngọc Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI