Tháng Sáu vừa qua, Sandy Cát cho ra mắt cuốn tự truyện Cát hay là Ngọc, được thể hiện Sandy Cát luôn muốn truyền cho trẻ nhỏ niềm tin vào cuộc sống bằng ngòi bút của nữ nhà văn trẻ Hòa Bình và Cỏ.
Ngay trên bìa của cuốn sách là dòng chữ “Tự truyện của Sandy - Bé gái bị lạm dụng tình dục từ năm tám tuổi”. Một sáng Sài Gòn, hai tháng sau khi cuốn sách phát hành, Sandy ngồi trò chuyện cùng tôi với khuôn mặt xinh xắn, váy hoa rộng nhẹ nhàng và ba lô sau lưng, trông giống hệt những cô gái khác đồng trang lứa, hồn nhiên, hạnh phúc và đầy tự tin.
Cô ngồi xuống bên cạnh tôi sau khi tự mình ra quầy, mua một ly nước cam và bắt đầu câu chuyện bằng một điều khẳng định dứt khoát: “Chị muốn viết gì về em hả chị? Sau khi cuốn sách của em ra đời, đã có nhiều bài báo viết về em, về cuốn sách. Tất cả những bài báo đều na ná như nhau: họ muốn em kể lại những gì em đã viết trong cuốn sách, về những gì em đã trải qua, về cuộc sống trước kia của em. Nhưng em thật sự không muốn nói quá nhiều về những điều đó nữa. Cuốn sách ấy là một cách em công khai giết chết mình, để bắt đầu một cuộc sống mới. Nên nếu có thể, chị em mình nói về tương lai, về những hoạt động của em sắp tới, được không chị?”.
Tôi trả lời Sandy rằng, quả thật tôi gặp em cũng không phải để viết về những gì đã xảy ra trong quá khứ. Điều ấy em đã kể rất rõ ràng trong 150 trang sách đời mình. Mục đích viết sách của em cũng đã thể hiện rất dứt khoát, minh bạch và đầy can đảm ngay trên hai trang bìa của cuốn sách.
Điều tôi muốn biết là em đã thật sự làm được điều em muốn với cuốn sách của mình hay chưa, “giết chết quá khứ ấy và bắt đầu một cuộc sống mới?”. Sandy mím môi và bắt đầu nói, nói rất nhiều, đôi khi hơi lộn xộn, lặp đi lặp lại những điều khiến em trăn trở.
Hóa ra, việc viết ra cuốn sách, với em là một sự kết thúc, nhưng với nhiều người, đó lại là sự bắt đầu. Và vì thế, có đôi lúc em cảm thấy mình như bị tổn thương thêm một lần nữa.
Em kể: “Có nhiều câu hỏi, nhiều sự nghi ngờ, nhiều phản ứng khác nhau đến với cuốn sách của em và với chính em. Em không cần mọi người viết về em hay phân tích về cuộc đời em. Chẳng ai muốn đem cuộc đời của mình, nỗi đau của mình ra cho thiên hạ bàn tán. Em đã trải qua quá nhiều tổn thương, đau đớn, nhiều vết sẹo và em không muốn, không cần phải nhận thêm điều đó nữa.
Em là ai mà cần phải nổi tiếng? Em thật sự không cần phải nổi tiếng. Em chỉ muốn mang câu chuyện của mình, cuộc sống tích cực của mình đến đúng người, đúng chỗ. Em kể ra là để mình thật sự bước ra khỏi bóng tối, bước ra khỏi vũng bùn. Bây giờ em vẫn đang trong giai đoạn rửa sạch bùn dưới chân mình và mong ước trở thành một phụ nữ (PN) bình thường như bao PN khác. Em cần được coi là như vậy, một PN bình thường”.
Sandy bảo, trước khi viết ra và xuất bản cuốn sách, cô cũng đã lường trước mọi điều, đã nghĩ tới tất cả những “được và mất”, “tốt và xấu”, nhưng em đã chấp nhận tất cả với một mục đích lớn duy nhất: để cuốn sách dẫn dắt, kết nối mình với những nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD), em muốn truyền nội lực của mình cho chúng, để chúng có thể bước ra khỏi vùng u tối ấy.
Hai tháng sau khi phát hành cuốn sách, kỷ niệm về buổi trò chuyện ấy là kỷ niệm đẹp nhất và hài lòng nhất mà Sandy có được. Bởi đó là mục đích mà cô hướng tới khi quyết định công khai những gì mình đã trải qua để trở thành một cô gái tự tin, một cô gái có trình độ, kiến thức, hiểu biết, có vị trí trong xã hội, như phần cô ghi trong tiểu sử của mình trên bìa gấp cuốn sách:
“Từng học hai năm trung cấp (tại chức) vào buổi tối; tự học tiếng Anh qua Youtube và giao tiếp thực tế; hiện đang sống bằng công việc dạy tiếng Anh cho học sinh, sinh viên…”. Những gì cô viết trên bìa gấp cuốn sách ấy, với Sandy là cả một nỗ lực khủng khiếp.
Nó không chỉ là con đường đi qua đòn roi, tủi nhục, xâm hại mà là con đường đi qua cái chết, con đường đi qua sự tự giày xéo lên chính mình sau khi bị người khác giày xéo.
Đó là một ngày, khi bị đuổi ra khỏi căn nhà mà Sandy đã chịu đựng mọi sự tủi nhục để có thể tồn tại, cô bé chạy xe trên đường, rẽ vào một ngôi chùa, ngồi nghe tụng kinh và xuống tóc. Sau đó cô đã gặp được một hội từ thiện và đi đến với những trẻ em khác, những trẻ em có hoàn cảnh còn kinh khủng hơn mình, những trẻ em câm, điếc, không tay không chân.
Giờ đây, sau khi cuốn sách ra đời, Sandy bảo: “Có khá nhiều người biết em, tìm đến em và cho em cả tiền nữa. Điều đó hình như một lần nữa làm tổn thương em. Em cần bánh, em cần công việc và em cần một ngôi nhà. Nhưng hơn hết là em cần cảm giác tự tin, cần được học hành, cần trở thành một người bình thường. Khi đó, em sẽ tự đi kiếm bánh và tự xây một ngôi nhà cho mình”.
Trong câu chuyện dồn dập kể, đầy cảm xúc của buổi trưa hôm đó, tôi nhận thấy những cảm xúc, tổn thương trong ánh mắt của một cô gái đã chịu đựng quá nhiều đau đớn.
Nhưng tôi cũng nhận ra một sức mạnh lý trí và sự cương quyết trong cô gái ấy. Cô đã tìm ra con đường của mình, chấp nhận những tổn thương mới và vượt lên chúng dễ dàng hơn để đến với mục tiêu. Sau buổi gặp đầu tiên ấy, Sandy gọi điện cho tôi để hẹn gặp lại lần thứ hai.
Và lần này, chúng tôi không cần phải nói về quá khứ hay những nỗi đau nữa. Sandy đang rất hào hứng và mạnh mẽ. Cô chỉ cần gặp tôi để nói về dự án cho chiến dịch Say no sexual violence to kids (Nói không với nạn XHTD trẻ em).
|
Sandy Cát luôn muốn truyền cho trẻ nhỏ niềm tin vào cuộc sống |
Đây sẽ là bước tiếp theo nằm trong dự án dài hạn của cuốn sách Cát hay là Ngọc của cô. “Em muốn xây dựng được một quỹ Cát hay là Ngọc, muốn có một ngôi nhà nhỏ để giúp đỡ những trẻ đã bị XHTD hay nằm trong nhóm có nguy cơ bị XHTD. Em muốn truyền cho chúng niềm tin rằng hễ bước tới thì hạnh phúc, tương lai sẽ đến. Em muốn truyền cho chúng sức mạnh để bước tới, để tin vào chính mình, để nhìn thấy mình rất đẹp. Em muốn cùng chúng lao động, làm những việc có thể giúp chúng chứng minh với mọi người, với xã hội: chúng là cát hay là ngọc”.
Trong bức thư ngỏ gửi đến cộng đồng, Sandy một lần nữa lại rạch vào vết thương của mình, cô nhắc đến tất cả những đau khổ mà một bé gái bị XHTD phải trải qua từ trải nghiệm thực tế của mình.
Cô đưa ra những thông điệp cho không chỉ những nạn nhân như mình mà cả những người thân, gia đình, cộng đồng và xã hội: hãy thức tỉnh, đừng thờ ơ, đừng bỏ mặc những điều xấu xa, những tội ác đang xảy ra hàng ngày xung quanh mình.
Cô đưa ra những cách thức hành động cụ thể cho tất cả những người quan tâm đến vấn nạn này, mở ra một trang và một nhóm trên facebook để mọi người có thể tìm hiểu về chiến dịch Nói không với nạn XHTD trẻ em và cùng tham gia vào những hoạt động cụ thể của nó.
Mới chỉ hơn một tuần sau buổi gặp đầu tiên, tôi nhận ra một điều, Sandy đã vượt qua cú sốc thứ hai, cú sốc xảy ra khi cô công bố cuốn sách Cát hay là Ngọc mà cô cho là có thể do chính mình tạo ra.
Cô đã mau chóng xác định con đường mình đi, hành động cụ thể mình phải làm. Cô không để bất kỳ sự thương hại hay nghi ngờ nào vùi dập mình lần nữa. Cô bảo: “Khi cuốn sách này ra đời, em mới càng nhận ra một điều: người Việt mình có quá nhiều định kiến với những số phận giống như em.
Và em cũng nhận ra rằng, em vẫn chưa hoàn toàn thoát được những vấn đề của chính mình. Em đang học cách sống vui vẻ và hạnh phúc. Chỉ có như vậy em mới đủ bản lĩnh để giúp người khác, và cũng giúp chính mình”.
Song Văn