Sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19: Bài toán nan giải

21/08/2020 - 12:45

PNO - Thế giới hy vọng một loại vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả sẽ sớm ra mắt, nhưng hệ thống sản xuất và phân phối cần cải thiện.

Đến nay, hơn 160 ứng viên vắc-xin ngừa COVID-19 đang được phát triển, và khoảng 31 loại trong số này đã bước vào thử nghiệm lâm sàng trên người. Thế giới hy vọng một loại vắc-xin ngừa COVID-19 an toàn, hiệu quả sẽ sớm ra mắt, nhưng để tạo ra miễn dịch diện rộng, hệ thống sản xuất và phân phối cần cải thiện.

Một trong số những ứng cử viên tiềm năng nhất là “Sputnik V” của Nga, được Bộ Y tế nước này cấp phép vào nửa đầu tháng Tám. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều chuyên gia quốc tế đã thúc giục Nga tiến hành nhiều thử nghiệm hơn để đảm bảo tính an toàn của chế phẩm trước khi sử dụng. Nhưng ngay cả khi ứng viên này và những ứng viên khác được chứng minh là an toàn và hiệu quả, việc phát triển thành công vắc-xin mới chỉ là bước đầu tiên trong chuỗi quy trình đầy khó khăn.

Sản xuất vắc-xin

Theo giáo sư Adam Kamradt-Scott từ Đại học Sydney (Úc) - Giám đốc Mạng lưới an ninh y tế toàn cầu, thách thức lớn đầu tiên sau khi một loại vắc-xin được phát triển là sản xuất đủ số lượng để bắt đầu các chương trình tiêm chủng. Một ước tính cho thấy năng lực sản xuất vắc-xin toàn cầu hiện đạt 6,4 tỷ liều mỗi năm, dựa trên số liệu về vắc-xin cúm đơn liều.

Tìm ra vắc-xin ngừa COVID-19 chỉ là bước đầu cho chặng đường dài tiến đến hàng rào  miễn dịch cộng đồng
Tìm ra vắc-xin ngừa COVID-19 chỉ là bước đầu cho chặng đường dài tiến đến hàng rào miễn dịch cộng đồng

Nhưng một số vắc-xin ngừa COVID-19 đang được phát triển yêu cầu hai hoặc ba mũi tiêm. Điều này có nghĩa, nếu công nghệ sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 tương tự vắc-xin cúm, sản lượng toàn cầu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

Các chuyên gia ước tính, để đạt được đủ mức độ miễn dịch trong dân số toàn cầu với vắc-xin hai liều, chúng ta sẽ cần từ 12 tỷ đến 15 tỷ liều - gấp đôi tổng năng lực sản xuất vắc-xin hiện tại của thế giới. Việc chuyển sang sản xuất độc quyền vắc-xin ngừa COVID-19 cũng sẽ đồng nghĩa với việc thiếu hụt các loại vắc-xin khác. Vì vậy, việc ưu tiên COVID-19 có thể khiến nhiều bệnh nhân khác thiệt mạng.

Cạnh tranh mua vắc-xin

Do những hạn chế về sản lượng, chính phủ các quốc gia có xu hướng ký thỏa thuận mua trước với những nhà sản xuất vắc-xin để đảm bảo khả năng tiếp cận. Số thỏa thuận thương mại này thường được ký kết bí mật, với các mức giá khác nhau.

Điều đó cũng có nghĩa là các nước đủ khả năng mua trước vắc-xin sẽ được tiếp cận đầu tiên, khiến các quốc gia nghèo hơn phải bỏ lỡ hoặc buộc phải chờ đợi nhiều năm. Năm 2007, Indonesia không thể mua vắc-xin cúm H5N1 (cúm gia cầm), mặc dù là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vào thời điểm đó. Điều này là do một số quốc gia giàu có đã có các thỏa thuận mua bán trước, dẫn đến việc Indonesia tạm thời ngừng chia sẻ các mẫu bệnh phẩm với WHO như một đòn trả đũa. Tương tự trong năm 2009, các quốc gia giàu có đã mua gần như toàn bộ kho vắc-xin cúm H1N1, lấn át các quốc gia kém phát triển hơn.

Hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tuyên bố rằng mọi loại vắc-xin ngừa COVID-19 thành công cần được chia sẻ một cách công bằng. Vào tháng Bảy, Úc là một trong 165 quốc gia tham gia sáng kiến “COVAX” - do WHO, Liên minh Vắc-xin toàn cầu (GAVI) và tổ chức Coalition for Epidemic Preparedness Innovations - thực hiện nhằm đặt mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021.

Các quốc gia đại diện cho 60% dân số thế giới đã đăng ký sáng kiến này, nhưng không phải ai cũng có phần. 

Phân phối và lưu trữ vắc-xin

Thách thức quan trọng thứ hai là phân phối vắc-xin ngừa COVID-19. Hầu hết các loại vắc-xin phải được vận chuyển, bảo quản trong kho lạnh; điều này tạo ra một vấn đề nan giải với nhiều nơi trên thế giới, khi mất điện là một đặc điểm quen thuộc của cuộc sống hằng ngày. WHO ước tính có tới 50% số vắc-xin bị lãng phí hằng năm, thường là do việc kiểm soát nhiệt độ trong chuỗi cung ứng không hợp lý.

Với sự giảm sút rõ rệt của hành khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, việc luân chuyển hàng hóa cũng chậm lại. Cơ quan chức năng mỗi nước cần giải quyết vấn đề chuyên chở với các hãng hàng không trước khi bắt đầu giai đoạn phân phối vắc-xin.

Ngoài việc vận chuyển ban đầu từ nhà sản xuất, việc đưa vắc-xin đến các cộng đồng nông thôn và vùng sâu, vùng xa đòi hỏi các dịch vụ hậu cần phức tạp, điều mà nhiều quốc gia nghèo còn thiếu. Vì vậy, nếu không có sự đầu tư đáng kể nhằm tăng cường chuỗi cung ứng quốc tế và quốc gia, sẽ phải mất nhiều năm nữa vắc-xin ngừa COVID-19 mới có thể đến tay tất cả những người cần chúng. Các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiếp cận vắc-xin đầu tiên, tiếp theo là những người dễ mắc bệnh hiểm nghèo, riêng nhóm khỏe mạnh và ở độ tuổi ít nguy hiểm có thể chờ đợi vài năm. 

Linh La 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI