Sản xuất sữa giả: Tận cùng của sự đánh mất lương tri

15/04/2025 - 08:56

PNO - Vấn nạn hàng giả đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Mới đây, vụ kẹo Kera và đường dây sản xuất sữa bột giả gây sốc cho người tiêu dùng.

Hằng du mục và Quang Linh đã bị bắt về hành vi lừa dối khách hàng. Ảnh internet
Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs đã bị bắt về hành vi lừa dối khách hàng - Ảnh: internet

Vấn nạn hàng giả, thực phẩm giả đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Từ những món đồ tiêu dùng hàng ngày đến các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nguy cơ mua phải hàng nhái, hàng giả luôn rình rập. Mới đây, những vụ việc sản xuất hàng giả liên tiếp bị phanh phui, đặc biệt là vụ kẹo Kera và mới nhất là đường dây sữa giả của Công ty Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã khiến người tiêu dùng choáng váng.

Đây là những nhãn sữa mà ba má tôi ở quê đã dùng nhiều năm. Những quảng cáo rầm rộ của người nổi tiếng cùng lời lẽ hoa mỹ về các "sản phẩm dinh dưỡng dành cho người tiểu đường và nguy cơ tiểu đường", “bổ xương, phòng ngừa loãng xương”, “sữa non đặc biệt cho trẻ sinh non, thiếu tháng”… Thành phần trong sữa khiến ai đọc cũng trầm trồ về độ xịn xò: chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, sữa non… và công dụng: cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sức đề kháng, xương chắc khỏe, trẻ cao to… đã khiến gia đình tôi hoàn toàn tin tưởng.

Tôi cũng cẩn thận tìm hiểu địa chỉ, nhà máy sản xuất, xem xét kỹ lưỡng hàm lượng dinh dưỡng. Mọi thứ đều được công bố rõ ràng, sản phẩm còn được đăng ký sở hữu trí tuệ, điều đó càng khiến tôi yên tâm. Em tôi, suốt 5 tháng qua đã tin tưởng cho con mình sinh thiếu tháng uống sữa Kodo A+, được quảng cáo dành cho trẻ sơ sinh, trẻ thiếu tháng, nhẹ cân.

Khi vụ việc vỡ lở, 8 người trong công ty bị bắt giữ, Giám đốc điều hành Hồ Sĩ Ý thản nhiên thừa nhận: "Tổng hàm lượng thông tin dinh dưỡng chúng tôi không kiểm tra" và gửi lời xin lỗi người tiêu dùng. Nghe những lời này, tim tôi như thắt lại. Thương ba má tôi, thương đứa cháu thơ dại của tôi và không biết bao nhiêu người già, bao nhiêu đứa trẻ khác đã tin tưởng được bổ sung loại sữa dinh dưỡng tốt nhất, nào ngờ tất cả là giả dối, lừa đảo.

Đường dây này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột và kinh khủng nhất là họ nhắm vào người già, người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai… Chỉ trong 4 năm, 2 công ty này đã tiêu thụ và thu gần 500 tỉ đồng. Những thành phần "vàng" như tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó thực chất chỉ là những lời quảng cáo dối trá, thay vào đó là những chất phụ gia rẻ tiền để đánh lừa người tiêu dùng. Kết quả kiểm định cho thấy, chất lượng thực tế của sữa chỉ đạt dưới 70% so với công bố. Chúng ta đều biết, hàng giả, đặc biệt là sữa giả không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ em, gây nên tình trạng trầm trọng về sức khỏe đối với người có bệnh nền. Hành vi này có khác nào là 1 tội ác.

Cán bộ điều tra tiến hành kiểm đếm đối với hàng ngàn sản phẩm sữa bột giả các loại bị thu giữ - Ảnh: CAND
Cán bộ điều tra kiểm đếm hàng ngàn sản phẩm sữa giả bị thu giữ - Ảnh: CAND

Nhìn những kệ hàng la liệt sữa giả tại nhà máy, tôi thực sự rùng mình. Từ bao giờ, việc sản xuất hàng giả, mà lại là thực phẩm giả, lại có thể diễn ra một cách công khai và trắng trợn như vậy. Chúng trục lợi trên sức khỏe và tính mạng của con người - hành vi tận cùng của sự đánh mất lương tri.

Thật ra việc sữa giả hoành hành không mới, cách đây 1 năm, lực lượng liên ngành 2 tỉnh Bình Dương và TP HCM đã phối hợp kiểm tra và bắt giữ 8 nghi phạm cấu kết mở 4 nhà xưởng tại TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương để làm sữa bột giả các thương hiệu sữa nổi tiếng trên thế giới, thu giữ hơn 7.500 lon sữa các loại chuẩn bị tung ra thị trường. Trước đó, bọn chúng đã bán sữa bột giả trên sàn thương mại điện tử, thông qua các công ty giao nhận nhanh để chuyển hàng.

Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Phó chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói: "Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hiện nay đang có nhiều lỗ hổng. Việc cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm đã dẫn đến tình trạng sản xuất hàng giả với quy mô lớn, như trường hợp của Rance Pharma và Hacofood Group". Người tiêu dùng chúng tôi, dù có cẩn trọng đến đâu, cũng khó lòng tự bảo vệ mình khi mọi thông tin trên sản phẩm đều được công bố một cách bài bản.

Như vậy nguyên nhân đã rõ, nhưng tại sao sữa giả vẫn tung hoành trong thời gian qua? Dư luận xã hội đặt câu hỏi về vai trò của lực lượng quản lý thị trường, lực lượng chức năng tại cơ sở và cơ quan quản lý điều hành đã làm gì trong thời gian qua để ngăn chặn, kiểm soát hàng giả, đặc biệt là sữa giả. Những xưởng hàng lộ thiên, những công ty và nhà máy bề thế mọc lên giữa thanh thiên bạch nhật, những lổ hỏng trong quản lý rõ ràng như vậy sao vẫn qua mắt được các cơ quan hữu quan trong thời gian dài?

Bảo Phan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI