Sản xuất điện từ rác: Giải bài toán chôn lấp rác thải

24/07/2017 - 14:01

PNO - Lãnh đạo TP.HCM vừa khảo sát thực tế, chấp thuận cho Công ty TNHH Thủy lực - Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM lập dự án nhà máy điện rác với công suất 20MW/ngày.

Dự án này kỳ vọng sẽ giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm qua tại TP.HCM. 

San xuat dien tu rac: Giai bai toan chon lap rac thai
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM tham quan, khảo sát quy trình hoạt động của nhà máy thực nghiệm tại Gò Cát

Điện rác “Made in Viet Nam”

Đầu năm 2017, trên cơ sở tham khảo dây chuyền sản xuất điện rác tại tỉnh Hà Nam, UBND TP.HCM cho phép hai đơn vị trên đầu tư nhà máy thực nghiệm sản xuất điện rác tại bãi rác Gò Cát (đã đóng cửa). Sở dĩ chọn Gò Cát để đầu tư vì tại đây đã có nhà máy thu khí rác phát điện do Hà Lan tài trợ, ngoài ra Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ đầu tư hạ tầng lưới điện, giúp nhà máy hòa điện vào lưới điện quốc gia. 

Ông Nguyễn Gia Long - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủy lực - Máy cho biết, ngay khi được UBND TP cho phép xây dựng đề án thực nghiệm, tháng 3/2017 công ty đã cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đầu tư xây dựng và lắp đặt dây chuyền sản xuất điện rác. 

Theo đó, để xử lý rác thành điện phải trải qua ba công đoạn gồm công đoạn xử lý tiền chế, rác công nghiệp sẽ được đưa vào hệ thống máy cắt, cắt đồng đều kích thước và loại bỏ kim loại lẫn trong rác. Rác sau cắt được ép thành viên nhiên liệu RDF. Công đoạn 2 sẽ chuyển viên nhiên liệu dạng rắn sang dạng khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch).

Cuối cùng là công đoạn chuyển toàn bộ lượng khí tổng hợp và than carbon làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện và hòa lưới điện quốc gia. Sau 50 ngày thực nghiệm, nhà máy đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp và sản xuất 7MW điện hòa vào lưới điện quốc gia. Với dây chuyền tự động, khép kín, không phát thải thứ cấp, đây là nhà máy điện rác đầu tiên tại TP.HCM sử dụng 100% công nghệ Việt Nam. 

“Công nghệ điện rác giúp TP có thêm giải pháp trong xử lý chất thải, tiến đến giảm dần xử lý rác bằng cách chôn lấp không hợp vệ sinh như hiện nay, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường. Do đó, hai đơn vị thực nghiệm đề án đề xuất TP.HCM cho phép đầu tư mở rộng dự án sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt với công suất chuyển hóa 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành 20MW điện.

Theo đó, nhà máy vẫn đặt tại Gò Cát, tuy nhiên để không ảnh hưởng môi trường sống của người dân, công đoạn xử lý rác thải sinh hoạt thành viên nhiên liệu RDF sẽ thực hiện tại bãi rác Phước Hiệp (H.Củ Chi)”, ông Long cho biết. 

Điện sạch thiếu nhiều so với quy hoạch

TP.HCM hiện có bốn bãi rác đã đóng cửa và đang kêu gọi nhà đầu tư có phương án cải thiện môi trường. Với dự án điện rác đang được triển khai, lãnh đạo TP đặt yêu cầu, chủ đầu tư nên xem xét tận dụng nguồn rác thải đã chôn lấp tại các bãi thay vì mua rác mới để sản xuất điện. Biện pháp này vừa giúp TP xử lý lượng rác chôn lấp tồn đọng nhiều năm nay, vừa giúp tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư. 

Đánh giá về hoạt động xử lý rác thành điện, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, theo quy hoạch phát triển ngành điện giai đoạn 2015-2025 và tầm nhìn 2030, TP phải đạt mục tiêu sản xuất 100MW điện sạch bao gồm điện sinh khối, điện mặt trời, điện gió và điện rác. Tuy nhiên, cho đến nay trên toàn địa bàn TP chỉ mới có duy nhất nguồn điện sạch từ nhà máy điện rác Gò Cát với công suất còn khá thấp. Việc tăng sản lượng điện sạch từ rác trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm đảm bảo đạt mục tiêu sản lượng điện sạch theo quy hoạch phát triển ngành điện Chính phủ đã phê duyệt. 

Trực tiếp khảo sát tại nhà máy điện rác, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao hiệu quả về kinh tế, môi trường mà đơn vị thực nghiệm đạt được. Theo lãnh đạo TP, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn hiện rất lớn, trung bình mỗi ngày TP tiếp nhận khoảng 1,5 triệu tấn rác công nghiệp và 8.300 tấn rác sinh hoạt. Lượng rác này sẽ còn tăng nhanh trong thời gian tới cùng với tốc độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế.

Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2020, TP phải giảm 50% lượng rác thải chôn lấp, đồng nghĩa 50% lượng rác thải còn lại sẽ phải tái chế thành năng lượng sạch, phân compost. Chủ trương của TP là phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, cho chủ đầu tư lập dự án điện rác với công suất lớn, nhưng phải đảm bảo các yếu tố môi trường, dân sinh.

Theo đó, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ thành lập hội đồng khoa học  đánh giá kết quả của đề án thực nghiệm làm cơ sở để các đơn vị lập dự án đầu tư quy mô lớn trong thời gian tới. Ngoài ra, chủ đầu tư cần lưu ý phương án quản lý và giá thành điện, làm sao phải đảm bảo tính cạnh tranh trên nguyên tắc có lợi cho ngân sách nhà nước. 

Khảo sát Đề án thực nghiệm điện rác ngày 19/7, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, phải đảm bảo bài toán phát triển bền vững về kinh tế song song với môi trường. Công ty TNHH Thủy lực-Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án và nhân rộng mô hình. 

Ông Nhân yêu cầu, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ phải đo đạt chất lượng môi trường không khí trong quá trình vận hành nhà máy làm cơ sở để hỗ trợ mở rộng quy mô đầu tư của nhà máy. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tính toán đảm bảo an toàn cho hoạt động của nhà máy, nhất là khu vực lưu trữ khí. 

Riêng Công ty Thủy lực - Máy cần chuẩn hoá tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng loại rác thải đặc thù, ngoài xử lý rác thải công nghiệp cần mở rộng cho những loại rác khác để khả năng xử lý đa dạng hơn. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI