San sẻ từng miếng bánh trong ‘tâm bão’

15/09/2017 - 06:30

PNO - Xen lẫn trong những lo lắng, bồn chồn vì phải “bỏ của chạy lấy người” đến nơi tránh bão là những sẻ chia từng miếng bánh nhỏ, trái chuối... cho đến những lời động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

Hối hả đi tránh siêu bão

Một ngày trước khi bão Doksuri đổ bộ vào đất liền, không khí phòng chống bão, di dời tài sản và người đến nơi an toàn tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) diễn ra rất khẩn trương.

Từ đầu giờ chiều ngày 14/9, loa phát thanh của xã Xuân Hội (huyện Nghi Xuân) liên tục phát đi các bản tin cập nhật về diễn biến của bão số 10, đồng thời yêu cầu người dân nhanh chóng chằng chống nhà cửa, di chuyển đồ đạc, sơ tán đến nơi an toàn.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Người già, trẻ nhỏ được các đoàn viên đến tận nơi chở đến điểm tránh bão.

Xen lẫn trong tiếng loa phát thanh là những tiếng cười đùa rôm rả, hô hoán nhau cùng gia cố lại nhà cửa. Hàng chục người từ đoàn thanh niên, hội phụ nữ của xã này cũng được điều động đến từng gia đình để đưa cụ già, trẻ nhỏ lên trường tiểu học xã để tránh bão. Ngoài xe máy của các thành viên trong đoàn, xã này cũng đã huy động thêm 2 ô tô để liên tục chuyển người dân lên nơi trú bão.

Bà Phan Thị Hường (74 tuổi, trú thôn Hội Thái, xã Xuân Hội) cho biết, nhà ở cạnh bãi biển, lại xuống cấp nặng nên khi nghe tin chính quyền tổ chức di dân tới nơi an toàn, hai vợ chồng bà vội vàng gói gém đồ đạc để lên điểm tập trung.

“Vợ chồng tui già yếu rồi, tài sản cũng chỉ có mấy con lợn với đàn gà, may có mấy bạn trẻ tới giúp chằng chống nhà cửa, di dời gia súc tới nơi an toàn nên cũng yên tâm đi tránh bão. Chứ không bão vào mà phá tan thì hai vợ chồng tui không biết đi mô”, bà Hường cho biết.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Lỉnh khỉnh đồ đạc đến nơi tránh bão.

Nằm chênh vênh giữa dòng sông Lam, xóm ốc đảo Hồng Lam (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân) được xem là một vùng chịu ảnh hưởng nặng khi có bão ập đến. Để đảm bảo an toàn cho người dân, trong chiều cùng ngày, chính quyền địa phương cũng đã huy động thuyền chở gần 60 cụ già và 45 trẻ nhỏ rời khỏi “hòn đảo” này đi tránh bão.

“Nghe đài báo cơn bão này rất mạnh nên 3 mẹ con tôi phải gói gem đồ đạc đi khỏi ốc đảo tránh bão để đảm bảo an toàn. Chồng tôi phải ở lại cùng người dân để giữ tài sản trong bão nữa. Cũng may có chính quyền vào giúp đỡ nên mọi tài sản trong nhà đã được di dời”, ba Nguyễn Thị Nguyệt (45 tuổi) chia sẻ.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Bất chấp những cơn mưa lớn, các thành viên trong hội phụ nữ vẫn nỗ lực đưa các cụ già tới nơi tránh bão sớm nhất.

San sẻ từng miếng bánh

Cuối giờ chiều 14/9, bất chấp những cơn mưa lớn, gió thổi mạnh, những đoàn viên vẫn tích cực chở các cụ già đến điểm trường để tránh bão. Những phòng học rộng chừng 50m2 tại Trường tiểu học Xuân Hội được soạn sửa sạch sẽ, trải chiếu, bố trí quạt, chăn gối đầy đủ phục vụ người dân sống tạm tránh bão.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Chăm sóc chu đáo cho các cụ già.

Chị Võ Thị Thùy An, Phó bí thư Đoàn xã Xuân Hội cho hay trong chiều nay đã đưa gần 40 cụ già và các cháu nhỏ đến trường học. Đoàn xã cũng tổ chức nấu cơm đảm bảo việc ăn uống cho những người đi sơ tán.

“Bọn em cũng thay phiên nhau túc trực cả ngày lẫn đêm tại đây để vừa chăm sóc, trò chuyện động viên với các cụ và nấu ăn phục vụ mọi người cho tới khi bão tan”, chị Lê Thị Hiền vừa nói vừa nhẹ nhàng đấm bóp chân cho một cụ già đang bị đau.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Chuẩn bị cơm cho người dân tránh bão.

Bữa cơm tối đạm bạc chỉ với ít trứng rán, cá thu nhưng ai nấy đều cảm thấy ấm lòng với những nụ cười giòn tan. Những chén cơm được các cụ san sẻ, cùng ngồi ăn và trò chuyện về con cái với nhau. Bữa cơm đạm bạc được thêm phần “dinh dưỡng” bởi những gói bánh, nải chuối được các cụ mang ra ngồi ăn chung.

“Lo thì cũng lo đó, nhưng mà ở đây đông vui, mọi người có dịp ngồi hàn huyên, trò chuyện với nhau thế này coi như cũng là một dịp hay”, cụ Trần Văn Mạnh (80) tuổi nói.

San se tung mieng banh trong ‘tam bao’
Các cụ già san sẻ từng bát cơm, gói bánh.

Ông Nguyễn Hải Nam - Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết, đến cuối giờ chiều 14/9, huyện đã sơ tán được hơn 3.000 hộ dân với hơn 10.000 người ở các vùng có nguy cơ đến nơi trú bão an toàn.

“Một số hộ dân có điều kiện thì sang Nghệ An thuê khách sạn hoặc ở tạm nhà người thân. Các hộ dân không có nơi đi, nhất là các cụ già neo đơn thì được bố trí ở trường học”, ông Nam nói.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI