Sẵn sàng để dừa Việt vào thị trường Mỹ

21/08/2023 - 06:19

PNO - Cục Kiểm dịch động thực vật (APHIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cho phép nhập khẩu trái dừa từ Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 4/2023, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas Vilsack nhằm hoàn tất thủ tục để bưởi chùm từ Mỹ được nhập vào Việt Nam. Ông Lê Minh Hoan đã đề nghị phía Mỹ đẩy nhanh quá trình đánh giá, mở cửa đối với dừa và chanh leo của Việt Nam. Phía Mỹ yêu cầu Việt Nam phải xử lý dừa non tươi sau thu hoạch, như loại bỏ những quả thối, rụng, gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa…

Với thông tin dừa tươi được phép nhập khẩu thị trường Mỹ, ông Ngô Hữu Sự - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Vạn Hưng (xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) - cho hay, giá dừa khô trong nước hiện nay khoảng 60.000-70.000 đồng/chục (12 trái), giúp nông dân có lãi, nhưng giá thường thay đổi khó lường. Do đó, để phát triển bền vững nghề trồng dừa, mấy năm nay, HTX tích cực hỗ trợ xã viên trồng dừa bằng phương pháp thuần hữu cơ trên diện tích hơn 300ha, có hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp. 

Ông nói: “Dừa được trồng hữu cơ có giá bán cao hơn 15 - 20% so với giá thị trường. Về cơ bản, dừa này có thể xuất khẩu đi các nước, nên HTX đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng, đồng thời mở rộng thêm khoảng 100ha nhằm cung ứng sản phẩm cho các đơn vị xuất khẩu sang Mỹ”. 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh, toàn tỉnh có gần 26.000ha dừa, trong đó có hơn 5.000ha được trồng thuần hữu cơ, tập trung ở các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè. 

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre - nơi có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước với hơn 77.000ha - tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững. Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho hay, đến nay, sở đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó có vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Toàn tỉnh có 32 tổ hợp tác và 28 HTX tham gia liên kết với 9 doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng sản phẩm dừa, hình thành hàng trăm cơ sở sơ chế dừa, tạo việc làm cho nhiều người lao động. 

Nông dân Nguyễn Thị Liền - thành viên HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) - chia sẻ: “Mấy năm qua, gia đình tôi canh tác dừa đạt chuẩn hữu cơ với diện tích 1,7ha. Toàn bộ dừa khô đều được HTX đến tận vườn thu hoạch rồi cung ứng cho doanh nghiệp với giá cao hơn giá thị trường nên nông dân rất yên tâm. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập khoảng 130 triệu đồng từ vườn dừa hữu cơ. Tới đây, khi trái dừa được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, giá sẽ còn cao hơn”. 

Ông Trần Quốc Ửng - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thới Thạnh - cho biết, HTX có gần 160ha dừa hữu cơ với 85 thành viên. Năm 2022, doanh thu của HTX đạt hơn 11 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận của nông dân canh tác dừa hữu cơ cao hơn so với nông dân sản xuất theo lối truyền thống khoảng 12 triệu đồng/ha/năm. 

Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Bến Tre phát triển thêm 554ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 17.846ha, trong đó có nhiều diện tích đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 389.530 hộ trồng dừa với tổng diện tích 188.000ha, tạo ra giá trị xuất khẩu trên 900 triệu USD trong năm 2022, đứng thứ tư thế giới về tổng giá trị trên thị trường. Hiện cả nước có khoảng 854 doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa, tạo việc làm cho hơn 15.000 người. Trong số này, có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa. Bộ đặt mục tiêu xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đạt khoảng 1 tỉ USD trong năm 2023. 

Văn Phước

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI