Sẵn sàng cho việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 an toàn, hiệu quả

24/02/2021 - 06:15

PNO - Khi vắc-xin nhập về, Việt Nam không chỉ tuân thủ tính hiệu quả, hiệu lực mà còn phải đặt tính an toàn của vắc-xin lên hàng đầu cho người được tiêm ngừa.

117.600 liều vắc-xin ngừa COVID-19 AstraZeneca nhập khẩu đầu tiên dự kiến về tới Việt Nam dự kiến trong sáng nay. Ngay khi về đến cửa khẩu cảng hàng không, vắc-xin sẽ được thông quan ngay lập tức, chuyển về kho quốc gia hoặc kho khu vực trước khi chuyển xuống các tuyến dưới.

Đặt tính an toàn lên hàng đầu 

Theo hướng dẫn vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành, có 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca nhưng không có nhóm người dưới 18 tuổi. 

Khu bảo quản âm của VNVC. Ảnh: VNVC
Khu bảo quản âm của VNVC. Ảnh: VNVC

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế - lý giải rằng đây là vắc-xin chống dịch: “COVID-19 không phải bệnh trẻ em như sởi, thủy đậu được quy định trong chương trình tiêm chủng mở rộng và đối tượng người lớn có nguy cơ mắc cao hơn. Trên thế giới, không chỉ vắc-xin do AstraZeneca sản xuất mà các vắc-xin khác cũng đều thử nghiệm với các đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Tất cả các đối tượng tiêm đều cần tuân thủ theo chỉ định của nhà sản xuất vắc-xin”.

Theo phó giáo sư Trần Đắc Phu, vắc-xin AstraZeneca gồm hai mũi tiêm, mũi sau cách mũi đầu tiên từ 4-12 tuần và hiệu quả cao nhất có thể đạt được là sau khi tiêm mũi thứ hai khoảng một tháng.

Thạc sĩ, dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế TP.HCM - cho rằng do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là vi-rút SARS-CoV-2 xuất hiện các biến chủng mới nên các nhà khoa học ưu tiên rút ngắn thời gian và đối tượng thử nghiệm để vắc-xin sớm được lưu hành, bảo vệ cho nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội, như người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính và những đối tượng tham gia tuyến đầu chống dịch.

Điều này được hiểu rằng, không phải nhà sản xuất có chỉ định không được tiêm vắc-xin cho những người dưới 18 tuổi, khỏe mạnh mà do chưa có nghiên cứu mở rộng đến lứa tuổi này. Do đó, khi vắc-xin nhập về, Việt Nam không chỉ tuân thủ tính hiệu quả, hiệu lực mà còn phải đặt tính an toàn của vắc-xin lên hàng đầu cho người được tiêm ngừa. 

Người dân đăng ký thử nghiệm vắc-xin - Nguồn ảnh: Bộ Y tế
Người dân đăng ký thử nghiệm vắc-xin - Ảnh: Bộ Y tế

Hơn nữa, vắc-xin cần có thời gian đánh giá lâu dài. Việc chích ngừa trên đối tượng chưa được nghiên cứu sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ. Tuy nhiên, người chưa tới 18 tuổi nhưng thuộc diện đối tượng nguy cơ cao, gồm béo phì, mắc bệnh tim, các bệnh hô hấp và tiểu đường, bệnh tự miễn hoặc những người bị suy giảm miễn dịch như HIV vẫn được sàng lọc kỹ trước khi chích ngừa.

Theo dược sĩ Dũng, những người từng mắc COVID-19 cũng có thể chích lại vắc-xin ngừa COVID-19 nhưng chỉ cần một mũi tiêm và họ nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin đến sáu tháng kể từ lúc bị nhiễm SARS-CoV-2, để nhường lại cho những người cần vắc-xin khẩn cấp hơn.

Được biết, cùng với việc nhập khẩu và tiêm vắc-xin ngoại, Việt Nam cũng đang triển khai tiêm thử nghiệm vắc-xin nội địa. Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế - cho biết, đang cùng lúc triển khai hai điểm tiêm thử nghiệm vắc-xin “made in Việt Nam” để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu ứng phó với diễn biến 
của dịch. 

Tác dụng phụ của vắc-xin có đáng ngại?

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 có thể gây một số tác dụng phụ như đau và sưng trên cánh tay nơi tiêm, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu. Đây là dấu hiệu bình thường cho thấy phản ứng tự vệ của cơ thể. Đối với người tiêm vắc-xin do AstraZeneca sản xuất, các bác sĩ khuyến cáo, cần tuân thủ quy trình tiêm chủng theo hướng dẫn của các nhân viên y tế, khai báo đầy đủ về tình trạng sức khỏe cho bác sĩ và theo dõi phản ứng của cơ thể sau tiêm 30 phút. Ngoài ra, người tiêm tiếp tục theo dõi 48 giờ sau tiêm và gọi đến cơ sở tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có sưng đau hoặc phản ứng khác.

Vắc-xin “made in Việt Nam” đang được gấp rút hoàn thiện để sớm đưa ra thị trường
Vắc-xin “made in Việt Nam” đang được gấp rút hoàn thiện để sớm đưa ra thị trường

Trước đó, với thông tin về 33 người già trong nhà dưỡng lão ở Na Uy qua đời trong vòng sáu ngày sau khi tiêm vắc-xin Pfizer - BioNTech, các cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý dược phẩm Na Uy và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều kết luận rằng, số trường hợp tử vong phù hợp với tỷ lệ tử vong bình thường ở nhóm tuổi cao và vắc-xin vẫn an toàn cho người lớn tuổi. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ báo cáo 27 trường hợp tử vong sau khi tiêm ở nước này, nhưng không ai trong số đó có liên quan trực tiếp đến vắc-xin COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, khi triển khai tại Việt Nam, ngành y vẫn phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến cũng như hiệu quả của vắc-xin. Trong kế hoạch tổng thể tiêm chủng vắc-xin mà Bộ Y tế sẽ ban hành sắp tới, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vắc-xin, vẫn cần phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết. Ông Tuyên tin tưởng, việc ứng phó, xử lý tai biến (nếu có) sau tiêm chủng là hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế bởi Việt Nam đã có quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, vắc-xin do COVAX Facility hỗ trợ sẽ được triển khai tiêm chủng tại các bệnh viện trung ương, tỉnh, thành phố đến các trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và cấp xã. Vắc-xin có điều kiện bảo quản 2 - 8°C. Đây là một điều thuận lợi bởi hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của Việt Nam chủ yếu gồm các thiết bị bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ này. 

Ông Bùi Kim Khánh - Giám đốc toàn quốc Hệ thống VNVC thuộc Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam, đơn vị nhập vắc-xin AstraZeneca về Việt Nam - cho biết, VNVC hiện đang sở hữu hệ thống 49 kho vắc-xin lẻ và hai kho tổng chuyên dụng bảo quản vắc-xin ở nhiệt độ 2 - 80C để đảm bảo đúng tiêu chuẩn của vắc-xin AstraZeneca. Riêng các kho tiền lạnh và ba kho lạnh bảo quản âm sâu có sức chứa lên tới 170 triệu liều vắc-xin trong cùng một thời điểm ở nhiệt độ 2 - 80C hoặc sâu đến âm 860C. 

Toàn bộ hệ thống kho lạnh của VNVC được trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ tại chỗ và trực tuyến, điều khiển từ xa, phát cảnh báo qua GSM. Hệ thống cảnh báo ba lớp gồm cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS và email đến những người có trách nhiệm như thủ kho, quản lý kho, quản lý chất lượng và bảo trì… Các kho đều được chuẩn bị phương án điện dự phòng nhằm bảo đảm chất lượng vắc-xin cao nhất. Hiện, công suất phục vụ của Hệ thống VNVC lên tới 100.000 lượt khách hàng mỗi ngày, sẵn sàng nâng cao công suất phục vụ hàng triệu người dân tiêm chủng vắc-xin COVID-19. 

“VNVC đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự và cơ sở vật chất để có thể phục vụ đến 4 triệu liều vắc-xin COVID-19/tháng” - ông Khánh nói.

Cùng với hệ thống dây chuyền lạnh, Bộ Y tế cũng tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác tiêm chủng. Theo đó, Việt Nam có khoảng 49.000 người tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và 10.000 người của hệ thống tiêm chủng dịch vụ. Họ đều được tập huấn và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, do vắc-xin ngừa COVID-19 là vắc-xin mới nên Bộ Y tế yêu cầu tập huấn lại cho các cán bộ tiêm chủng về sử dụng vắc-xin và theo dõi, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Theo dược sĩ Đỗ Văn Dũng, về lý thuyết dịch tễ học, tối thiểu cần trên 80% dân số được chủng ngừa để đạt miễn dịch cộng đồng vì khi đó, tác nhân gây bệnh không thể tìm thấy đủ số lượng cá thể để trú ẩn, nhân lên và lây nhiễm, qua đó có thể sớm đẩy lùi đại dịch. Nhưng để có thể chích ngừa cho số lượng lớn trên 11 nhóm đối tượng cùng lúc, Sở Y tế TP.HCM sẽ triển khai tập huấn cho nhân viên y tế ở các bệnh viện vốn có kinh nghiệm chích ngừa các loại vắc-xin khác trước đây chứ không dồn hết cho lực lượng y tế dự phòng còn mỏng so với quy mô của dịch bệnh. 

Vắc-xin của AstraZeneca là loại vắc-xin ngừa SARS-CoV-2, do Đại học Oxford (Anh) và Hãng dược phẩm AstraZeneca đồng phát triển. Liều lượng khuyến cáo là tiêm bắp hai liều (mỗi liều 0,5ml) với khoảng cách từ 8-12 tuần. Do đó, nhân viên tiêm chủng được tập huấn cách sàng lọc người tiêm chủng, cách tiêm bắp…

Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các ngân hàng lạnh để nhận và bảo quản vắc-xin do Bộ Y tế phân phối. Trước mắt, việc lưu trữ vắc-xin này sẽ được thực hiện ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, sau đó là đến các trung tâm y tế quận, huyện; riêng Viện Pasteur TP.HCM cũng có nhiệm vụ lưu trữ vắc-xin cho các tỉnh phía Nam. 

Thủ tục để được WHO bồi thường nếu xảy ra tai biến

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đồng ý thành lập một quỹ bồi thường quốc tế, cam kết chi trả cho các trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong cơ chế COVAX và Việt Nam nằm trong danh sách được 
thụ hưởng. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM - cho biết, đây là cơ chế bồi thường thương tật do vắc-xin đầu tiên và duy nhất hoạt động trên quy mô quốc tế, sẽ cung cấp cho những người đủ điều kiện “một quy trình bồi thường nhanh chóng, công bằng, mạnh mẽ và minh bạch”. WHO đóng vai trò điều phối các vấn đề sức khỏe, đứng ra giải quyết những vấn đề cấp bách về sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh con người. 

Trước mắt, theo như WHO thông báo, chương trình bồi thường được áp dụng cho các trường hợp gặp biến chứng nghiêm trọng do tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 gây ra, như người được tiêm chủng bị tai biến nặng, để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật, tử vong. Số tiền bồi thường căn cứ theo mức mà WHO và công ty bảo hiểm liên kết là ESIS - một công ty trực thuộc công ty bảo hiểm đa quốc gia Chubb Limited - đưa ra đối với từng mức độ biến chứng.

Quỹ bồi thường này được áp dụng cho nhóm gồm 92 nước có thu nhập trung bình và thấp đang tham gia cơ chế COVAX. Phần lớn các nước này nằm ở châu Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. WHO cho biết, kế hoạch thành lập quỹ bồi thường hoạt động theo hình thức No-Fault Compensation (bồi thường không lỗi) là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu, bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vắc-xin, tức người khiếu nại không cần phải nộp đơn kiện ra tòa án. Trường hợp gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin COVID-19 có thể nộp đơn yêu cầu bồi thường thông qua trang web www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021. Việc bồi thường được áp dụng với bất kỳ loại vắc-xin nào được phân phối thông qua COVAX đến hết ngày 30/6/2022. 

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thông thường, phía người bị biến chứng do tiêm chủng vắc-xin có thể chuẩn bị hồ sơ bao gồm các tài liệu, giấy tờ sau: đơn yêu cầu xác định nguyên nhân gây tai biến và mức độ tổn thương; phiếu xác nhận nguồn gốc tiêm chủng loại vắc-xin có liên quan; giấy ra viện, hóa đơn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, vận chuyển bệnh nhân (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); các giấy tờ khác có liên quan chứng minh tai biến hoặc thiệt hại khác (nếu có). Văn Thanh (ghi)

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI