Sẵn sàng cho chuyến tàu điện đầu tiên lăn bánh

19/02/2024 - 06:29

PNO - Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến metro số 1) dự kiến sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7/2024. Đến nay, ngoài việc hoàn thành hơn 97% khối lượng công việc của các gói thầu, công tác đào tạo nhân lực cũng đang được hoàn tất.

Ngày tàu lăn bánh luôn trong tâm trí

Đã có bằng trung cấp lái tàu và đang trong thời gian nghỉ ngơi, chờ tham gia đợt chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia Nhật Bản (dự kiến diễn ra từ tháng 2 - 4/2024), nhưng chị Phạm Thị Thu Thảo (37 tuổi) vẫn thấy nôn nao. Chị chia sẻ, hình ảnh ngày đầu tiên được cầm lái chở khách trên tuyến metro cứ hiện trong tâm trí chị. 

Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro số 1 trong những ngày thực tập với tàu trên tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội) - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro số 1 trong những ngày thực tập với tàu trên tuyến metro Cát Linh - Hà Đông (TP Hà Nội) - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Thảo là phụ nữ duy nhất trong 58 nhân viên lái tàu đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM - chủ đầu tư dự án tuyến metro số 1 - đào tạo để vận hành tuyến metro. Chị cho biết, rất tự tin vì đã hiểu rõ tàu và nắm chắc các quy trình vận hành tàu: “Tôi vẫn đang học hỏi thêm kinh nghiệm lái tàu từ đàn anh đi trước cũng như các chuyên gia Nhật Bản trong đợt chuyển giao công nghệ sắp tới”.

Là giáo viên mầm non có hơn 11 năm đứng lớp, nhưng trong một dịp đi ngang công trình, thấy thông tin tuyển lái tàu cho dự án metro số 1, chị Thảo bắt đầu chú ý. Về nhà, chị tìm hiểu về dự án, về công việc lái tàu ở các nước và thấy có phụ nữ tham gia. “Mình thấy phụ nữ lái tàu trông “ngầu” quá, thế là quyết định nộp hồ sơ” - chị kể. 

Nộp hồ sơ đầu tháng 4/2020 thì đến cuối tháng 5/2020, chị được mời phỏng vấn và sau đó được thông báo trúng tuyển vào lớp kỹ thuật viên lái tàu. Ngày 15/7/2020 chị quyết định nghỉ hẳn nghề giáo để tham gia học lớp lái tàu. Môi trường mới nghiêng về kỹ thuật nên trong thời gian đầu, chị khá lúng túng và không nắm bắt kịp chương trình.

Nhưng cứ mỗi lần sợ hãi, muốn buông xuôi, hình ảnh các nữ lái tàu mạnh mẽ lại tiếp thêm động lực cho chị. Chị hỏi thêm từ bạn bè, thầy cô, rồi khi được cử ra Hà Nội học tập, được tiếp xúc trực tiếp với các thiết bị và quy trình vận hành tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, chị vững tin hơn, cảm nhận niềm đam mê lớn dần.

“Thời gian ở trường, mình chỉ học lý thuyết thông qua mô hình. Sau này, khi thực tập ở tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, mình được trang bị những kiến thức, kỹ năng thực tế. Vậy mà khi ngồi vào ghế lái, tay cầm cần lái chuẩn bị điều khiển, mình hồi hộp đến mức toàn thân lạnh toát, tim đập loạn xạ. Được các thầy động viên, mình lấy hết bình tĩnh đẩy cần và nín thở, cảm nhận đoàn tàu từ từ di chuyển. Lúc đó, mình biết mình làm được rồi, cảm giác sung sướng vô cùng” - chị nhớ lại.

Ngoài 2 tháng thực hành trên tàu, chị Thu Thảo còn được công ty đưa sang Nhật học hỏi cách vận hành tàu, tác phong làm việc của nhân viên trong hệ thống metro để về phát triển tuyến của mình. 

Hoàng Nguyễn Nhật Minh (27 tuổi) cũng nộp hồ sơ ứng tuyển lớp trung cấp lái tàu vì thấy hình ảnh người lái tàu “ngầu”. Minh tâm sự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đang học cao đẳng thì thấy thông tin tuyển dụng kỹ thuật viên lái tàu, nộp hồ sơ thử rồi không ngờ đậu thật. Nghĩ về ngày đoàn tàu chính thức vận hành, Minh luôn cảm thấy đầy hãnh diện: “Tôi chưa từng hình dung trong cuộc đời mình, tôi được tham gia với tư cách là một trong những người tiên phong vận hành công trình trọng điểm mà mọi người dân thành phố đều quan tâm, hướng về”.

Minh cho biết thêm, trong 4 năm qua, nhiều cơ hội mới đến khiến Minh ít nhiều lung lay do thời gian chờ tuyến metro đi vào hoạt động quá lâu. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, Minh lại hình dung hình ảnh mình mặc đồng phục, ngồi vào cabin lái tàu, hình dung về những nụ cười hài lòng của hành khách. Và Minh lại được tiếp thêm động lực.

Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro số 1 -  trong lần chạy thử toàn tuyến vào tháng 8/2023 - ẢNH: TAM NGUYÊN
Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro số 1 - trong lần chạy thử toàn tuyến vào tháng 8/2023 - ẢNH: TAM NGUYÊN

Nỗ lực để không phụ kỳ vọng của mọi người

Theo thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đến nay, các gói thầu công trình tuyến metro số 1 gồm 3 nhà ga ngầm và các nhà ga trên cao đã được thi công gần như hoàn chỉnh, chỉ còn đợi nhà thầu của gói CP3 (về thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) lắp đặt thiết bị.

Dự kiến đến tháng 6/2024, tuyến metro số 1 sẽ hoàn thành hạng mục đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, nghiệm thu hoàn thành và đến tháng 7/2024 sẽ chính thức vận hành, khai thác thương mại.

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó trưởng phòng An toàn quản lý, vận hành thuộc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TPHCM - cho biết thêm, song song với việc gấp rút hoàn thành cơ sở hạ tầng cho kịp tiến độ dự kiến, công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là bộ phận an toàn quản lý, vận hành cũng được gấp rút hoàn thành. Bộ phận này sẽ phụ trách các kỹ thuật viên lái tàu, điều độ viên và nhân viên nhà ga nhằm đảm bảo cho tuyến hoạt động an toàn.

Việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân sự vận hành tuyến metro số 1 của TPHCM được đặc biệt chú trọng để đảm bảo phục vụ hành khách  an toàn, hiệu quả - ẢNH: PHẠM LUẬN
Việc đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân sự vận hành tuyến metro số 1 của TPHCM được đặc biệt chú trọng để đảm bảo phục vụ hành khách an toàn, hiệu quả - ẢNH: PHẠM LUẬN

Công tác đào tạo tập trung vào việc bảo vệ an toàn cho hành khách, như giúp nhân viên thông hiểu các quy trình, quy định để việc vận hành trơn tru, những kỹ năng, phản xạ cần có khi vận hành…

Hiện tại, công ty đã hoàn thành việc đào tạo 62 kỹ thuật viên lái tàu, 19 nhân viên điều độ toàn tuyến và đang tiếp tục đào tạo cho 142 nhân viên nhà ga phụ trách an toàn.

Đặc biệt, 2 bộ phận điều độ và lái tàu được chú trọng đặc biệt bởi điều độ được ví như “bộ óc” của toàn bộ tuyến, nếu điều độ không tốt thì tai nạn dễ xảy ra; còn lái tàu nắm giữ sinh mạng của rất nhiều người. Do đó, 2 bộ phận trên đã được cử ra Hà Nội học thực tế, được cử sang Nhật tham quan, học tập. 

“Chúng tôi đã học hỏi rất nhiều từ các tuyến metro của Nhật, Indonesia và tuyến metro Cát Linh - Hà Đông. Các kỹ năng xử lý với trường hợp khủng bố, hành khách quá khích trên tàu và trong nhà ga, các trường hợp cháy nổ, sơ cấp cứu hành khách đều được đưa vào bài giảng. Công ty cũng đã diễn tập chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn cho nhà ga trung tâm tuyến metro số 1 với sự tham gia của các đơn vị thuộc Công an TPHCM, các sở, ban, ngành với hơn 4.000 người và 159 phương tiện chuyên dụng. Công tác an toàn luôn được đặt lên hàng đầu” - ông Nguyễn Trung Thành nói.

Nộp hồ sơ ứng tuyển làm kỹ thuật viên điều độ ngay sau khi vừa tốt nghiệp cử nhân ngành khai thác vận tải của Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM, Nguyễn Thị Mộng Tuyền (24 tuổi) cho biết, đã trải qua 9 tháng đào tạo về cách tiếp nhận và xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, như thông tin về lịch chạy tàu, về hệ thống giao thông đường sắt, tình trạng tàu, cách làm kế hoạch điều phối tàu chạy trên tuyến.

Ngoài ra, Tuyền cũng được học rất nhiều kỹ năng để giải quyết những sự cố phát sinh. Tuyền nói: “Em cứ háo hức mong chờ ngày tàu vận hành”.

Ông Nguyễn Trung Thành cho hay, không chỉ bộ phận an toàn quản lý, vận hành metro mà tất cả các phòng, ban của công ty đều mang áp lực rất lớn trước sự kỳ vọng của lãnh đạo TPHCM và sự mong chờ của người dân. Do đó, mỗi nhân viên của công ty luôn nỗ lực để không phụ sự kỳ vọng này. 

Thiên Thanh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI