Sẵn sàng bắt tay thực hiện nghị quyết mới về phát triển TPHCM

26/06/2023 - 07:26

PNO - Trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV (24/6), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế cho Nghị quyết 54/2017/QH14).

Sẵn sàng thực hiện tốt nghị quyết 

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho hay, Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Nghị quyết không quy định thời gian thực hiện trong bao nhiêu năm nhưng yêu cầu UBND TPHCM có báo cáo sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm để Quốc hội xem xét.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đánh giá, kết quả bấm nút thông qua nghị quyết với số phiếu gần như tuyệt đối cho thấy sự đồng tình, ủng hộ cao. Ông hy vọng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM sẽ biến nghị quyết của Quốc hội thành chương trình hành động cụ thể, thiết thực, từ đó phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, khẳng định được vị thế của TPHCM trong khu vực và vươn ra tầm quốc tế. Để thực hiện hiệu quả nghị quyết, bên cạnh những quyết sách của lãnh đạo TPHCM, cần có sự chung sức, chung lòng của người dân và doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ, tiếp sức của các ban, bộ, ngành trung ương và đảng bộ, chính quyền các tỉnh phía Nam. 

Xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường rộng lớn, hiện đại của TPHCM. Việc áp dụng nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM nhanh chóng có nhiều công trình hạ tầng  tầm cỡ, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn - ẢNH: NGUYỄN VĂN
Xa lộ Hà Nội là một trong những tuyến đường rộng lớn, hiện đại của TPHCM. Việc áp dụng nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM nhanh chóng có nhiều công trình hạ tầng tầm cỡ, góp phần phát triển mạnh mẽ hơn - ẢNH: NGUYỄN VĂN

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) ví nghị quyết này như tấm áo rộng để phù hợp với một cơ thể đang lớn mạnh, cường tráng. Nghị quyết mới quy định rất nhiều nhóm cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TPHCM và địa phương này cần tận dụng thời cơ, triển khai ngay và đồng loạt các giải pháp để thực hiện các cơ chế, chính sách mới, không để lỡ cơ hội.

Cử tri Phạm Cảnh Tân (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, những ngày qua, ông liên tục theo dõi thông tin về việc Quốc hội thảo luận, thông qua nghị quyết mới này. Theo ông, sau các đợt dịch COVID-19, TPHCM đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng mất việc làm. 

"Tôi hy vọng nghị quyết mới sẽ giúp TPHCM vượt qua khó khăn hiện tại để phát triển nhanh, mạnh, cải thiện hơn nữa đời sống người dân chúng tôi” - Cử tri Phạm Cảnh Tân chia sẻ về sự kiện Quốc hội thông qua nghị quyết mới. 

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, phương án để sẵn sàng triển khai thực hiện tốt nghị quyết nhằm đáp lại niềm tin của cử tri cả nước. Ngày 7/7 tới đây, Thành ủy TPHCM sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn thành phố nhằm quán triệt, triển khai chỉ thị của Thành ủy TPHCM, kế hoạch của HĐND TPHCM, UBND TPHCM về nghị quyết mới. UBND TPHCM đã giao các sở, ngành chuẩn bị đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết để trình HĐND trong kỳ họp sắp tới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, phương án để bắt tay triển khai ngay nghị quyết mới - ẢNH: phạm thắng
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, phương án để bắt tay triển khai ngay nghị quyết mới - ẢNH: phạm thắng

Thực tiễn hóa nghị quyết bằng lộ trình phù hợp

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - nhận định, đây là lần đầu tiên, Quốc hội thông qua nghị quyết gồm 2 nhóm nội dung lớn.

Nhóm thứ nhất là cơ chế phân cấp, phân quyền về quản lý nhà nước trong 5 lĩnh vực gồm đầu tư, ngân sách, xây dựng, tài nguyên và môi trường, tổ chức bộ máy cán bộ, công chức cho TPHCM và TP Thủ Đức, nhờ đó giảm được cơ chế xin - cho, tăng được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. 

Nhóm thứ hai là chính sách vượt trội đặc thù, giúp TPHCM thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết 31 và Kết luận 14 của Bộ Chính trị, để TPHCM sánh vai với các đô thị lớn trong khu vực, giúp TPHCM thu hút nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, huy động nguồn lực tài chính về đất đai. 

Ông nêu ví dụ, ở mảng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phạm vi áp dụng còn bao gồm lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế và giáo dục chứ không chỉ hạ tầng; nghị quyết cũng cho phép TPHCM mở rộng trái phiếu chính quyền địa phương để tăng đầu tư, tạo ngân sách; cho phép sử dụng, khai thác hiệu quả mặt bằng cho mục tiêu phát triển… Đây là những vấn đề còn nhiều bất cập mà Quốc hội cho thí điểm ở TPHCM trước và nếu thành công, Quốc hội có thể xây dựng một đạo luật về các đô thị đặc biệt. 

“Những nội dung của nghị quyết vẫn chưa đủ để giải quyết hết mọi vấn đề, nhưng do là thí điểm nên phải làm từng bước để bảo đảm thành công và hướng tới sự thành công lâu dài. TPHCM không phải chờ nghị quyết được thông qua mới chuẩn bị. Tôi biết có hàng trăm dự án, đề án chương trình đã chuẩn bị song song với quá trình tổng kết, xây dựng dự thảo nghị quyết. Vài ngày tới đây thôi, HĐND TPHCM sẽ họp, phê duyệt các dự án mới này để nghị quyết đi vào cuộc sống. Chính phủ cũng sớm ban hành nghị định triển khai nghị quyết này” - tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

"Mức tăng trưởng kinh tế của TPHCM chạm đáy vào quý I/2023. Đây là hệ quả tất yếu của 2 vấn đề: cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý không phù hợp. Hiện, 1 trong 2 vấn đề này đang được tập trung giải quyết. Dự báo, trong các quý tới đây, kinh tế TPHCM sẽ khởi sắc trở lại” - Tiến sĩ Trần Du Lịch cho biết. 

Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, là người dân sống ở TPHCM nên những ngày qua ông đặc biệt quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào nghị quyết mới. Dưới góc độ pháp lý, ông cho rằng, chính quyền TPHCM cần sớm ban hành “khung pháp lý” của địa phương để các đơn vị chức năng không lúng túng, bị động khi thực hiện nghị quyết mới.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng, để nghị quyết này đi vào cuộc sống, UBND TPHCM cần xây dựng chương trình, lộ trình hành động một cách bài bản, cặn kẽ, trong đó cần lường trước được những vấn đề khách quan phát sinh. Bà tin rằng Đảng bộ, HĐND, UBND TPHCM đã có sự phân tích kỹ lưỡng khi đề xuất các gói chính sách, trong đó có tài chính, nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy… Vấn đề còn lại là thực tiễn hóa các nội dung, các kế hoạch bằng văn bản một cách nhanh chóng, hiệu quả, đồng bộ.
Đại biểu Quốc hội Chu Hồi (TP Hải Phòng) đánh giá, việc thông qua nghị quyết mới lần này “rất đúng và trúng”. Muốn thực hiện nghị quyết thành công, khâu tổ chức đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Đầu tiên là phải quán triệt thật sâu sắc, có cách hiểu đúng đắn để triển khai nghị quyết, từ đó xây dựng kế hoạch hành động bám sát với tinh thần của nghị quyết, đồng thời phù hợp với thực tiễn địa phương” - ông lưu ý. 

Theo ông, HĐND, UBND TPHCM cần lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khi thực hiện nghị quyết bởi không thể cùng lúc có đủ nhân lực và vật lực để triển khai toàn bộ các chính sách. Trong quá trình vận dụng, thực hiện nghị quyết, có thể phát sinh một số vướng mắc, đụng chạm tới các cơ chế, chính sách khác. Do vậy, chính quyền TPHCM nên sâu sát, quyết liệt để điều chỉnh. 

 

Cần những chính sách đột phá, vượt trội hơn nữa

Ngoài những điểm mới được quy định trong Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có thêm các chính sách đột phá, vượt trội hơn nữa để TPHCM thực sự phát triển mạnh mẽ theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. 
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện UBND TPHCM đang nghiên cứu một số chính sách đột phá, như về trung tâm tài chính quốc tế, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính... Nhưng ủy ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những cơ chế, chính sách thực sự đột phá đúng như mục tiêu mà Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị nêu: đến năm 2030, TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; tới năm 2045, TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. 

Minh Quang - Thanh Hoa - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI