Đang đợi bệnh viện tuyến trên đưa ra kết luận cuối cùng
Liên quan đến vụ việc sản phụ tử vong bất thường sau khi sinh mổ, trao đổi với PV báo Phụ nữ TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc) - ông Hoàng Văn Chiến xác nhận thông tin, cho biết: Cách đây khoảng 2 tuần bệnh viện có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Kha (SN 1976, trú tại xã Tiến thịnh, Mê Linh, Hà Nội).
"Sự việc xảy ra với sản phụ Nguyễn Thị Kha là điều mà bệnh viện và gia đình không ai mong muốn. Khi vào viện, sức khỏe chị Kha bình thường, được các bác sĩ chỉ định cho đẻ mổ.
Trong quá trình thăm khám ban đầu thì chị Kha và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh, trong quá trình mổ thì thấy chị Kha có các biểu hiện bất thường và chúng tôi đã làm cấp cứu ban đầu. Bước đầu xách định chị Kha bị tắc mạch ối, sau đó chúng tôi đã chuyển thẳng bệnh nhân xuống Bệnh viện Bạch Mai để có phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
|
Bé trai con anh Hưởng và chị Kha được người thân trong gia đình bế. |
Khi chuyển trường hợp của chị Kha xuống Bệnh viện Bạch Mai để khám chữa thì các bác sĩ cho biết là phải hạ thân nhiệt và lọc máu nhưng do bị vỡ mạch ối trong máu... Dù đã hết sức cứu chữa nhưng bệnh nhân Kha vẫn không qua khỏi", ông Chiến cho biết.
Theo giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên cho hay, hiện tại, nguyên nhân tử vong của chị Kha, phía bệnh viện vẫn đang chờ Bệnh viện Bạch Mai đưa ra kết luận cuối cùng. Khi người nhà đã gửi gắm, chữa bệnh, bệnh viện đã cố gắng làm hết chức năng và nhiệm vụ đối với một bệnh nhân và toàn bộ các bước thăm khám và kiểm tra là đúng quy định.
"Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên chúng tôi sẽ cố gắng phân tích và xác minh nguyên nhân gây nên tử vong vì cuối cùng cũng phải có kết luận để gửi về phía gia đình và xã hội. Về phía bệnh viện, chúng tôi cũng rất chia buồn cùng gia đình vì đây là sự cố ngoài ý muốn, đây là sự mất mát của gia đình và cũng là sự thất bại của bệnh viện.
Về phía chúng tôi, chúng tôi không muốn giải thích ngay hay là phải phân tích ngay lập tức, vì gia đình đã có sự mất mất của người thân, thì ta nên bình tĩnh nói chuyện và chia buồn cùng gia đình để làm dịu đi nỗi mất mát của họ... Chúng tôi vẫn giao cho khoa thường xuyên liên lạc để tâm tư người ta được nguôi ngoai", ông Chiến nói.
"Đêm nằm không thể ngủ được vì vẫn chưa tin vợ đã mất"
Cùng ngày, chia sẻ với PV, anh Đàm Văn Hưởng (chồng chị Kha) kể lại, tính đến nay vợ anh đã mất được nửa tháng, bỏ lại anh và các con, nỗi đau vẫn thường trực và chưa thể nguôi ngoai.
"Cháu nhà tôi là bé trai, tính đến hôm nay đã được 15 ngày, tôi đếm từng ngày vợ tôi ra đi. Nhiều lúc nghĩ thương vợ, thương con không biết làm thế nào cả. Tối nằm ru con cũng mất ngủ vì cũng có nhiều cái hoang mang", anh nói.
Nhớ lại ngày đó, anh kể: "Trước khi mổ, vợ chồng tôi cũng đưa nhau đi khám định kỳ đầy đủ, cẩn thận, vợ tôi cũng vào viện trước nửa tháng. Thấy sức khỏe bình thường, ở trong đó cũng chán nên nhà tôi bảo xin về. Khi về, bệnh viện có hẹn là 10 ngày nữa thì vào mổ.
|
Trước cổng nhà anh Đàm Văn Hưởng. |
Trong 10 ngày ấy, tôi cũng đưa vợ vào khám một lần nữa, sáng đi, tối về. Theo lịch hẹn thì là 2 ngày nữa mới đến ngày mổ, thế nhưng, cẩn thận hơn, nhà tôi lại vào trước 1 ngày để chờ. Và sáng hôm sau nữa thì bắt đầu mới mổ.
Buổi sáng hôm đó trước khi lên mổ thì sức khỏe nhà tôi hết sức bình thường, ăn uống tốt. Tôi đi ký kết biên bản mổ, đến đúng 8h sáng, vợ tôi lên bàn mổ.
Tuy nhiên, được khoảng hơn 1 tiếng sau, có một y tá bế cháu bé xuống, gọi cả gia đình vào và nói tình hình của mẹ cháu là bị tắc mạch ối, các bác sĩ bảo tim ngừng đập 2 phút, các bác đang cấp cứu và khả năng cứu được là 40%. Lúc đó, gia đình chúng tôi đã quá hoang mang, xôn xao rồi", anh Hưởng nói.
Theo anh Hưởng, khoảng 13 giờ cùng ngày, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên có gọi anh vào và nói rằng cho bệnh nhân chuyển lên tuyến trên đảm bảo hơn. Gia đình anh lúc này lập tức nghe theo lời bác sĩ, chuyển chị Kha xuống Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, lúc này thì Bệnh viện Bạch Mai không can thiệp gì được nữa.
"Các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai cũng tư vấn đặt ống thông máu, công nghệ mới cho vợ tôi.... tôi đều nhất trí hết. Thế nhưng, cuối cùng, khoảng 7h sáng hôm sau, một bác sĩ gọi vào nói rằng:"Tình hình là bệnh nhân không đặt được cái gì hết, khi chuyển bệnh nhân xuống đây chỉ còn 1% sống sót, chúng tôi theo dõi bệnh nhân trên máy không thể làm gì được thêm nữa. Vợ tôi chính thức tắt thở vào lúc 8h15 phút ngày hôm ấy", anh đau khổ.
“Con dâu tôi cũng đã ra đi, mất mát đau thương gia đình cũng đã và đang hứng chịu, nhưng cháu bé còn đó, lọt lòng đã không biết đến mùi sữa mẹ, không cảm nhận được tình mẫu tử, không được vỗ về, âu yếm... lúc con khoẻ đã khổ, những ngày trái nắng, con còn khổ đến đâu?”, mẹ anh Hưởng nói trong nước mắt.
Thông qua sự việc trên, gia đình anh Đàm Văn Hưởng mong muốn Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) sớm có câu trả lời chính xác về nguyên nhân cái chết của vợ anh.
Hà My