Khi những chiếc túi in bìa các tác phẩm của Bà Tùng Long được nhà xuất bản (NXB) Trẻ chia sẻ lên fanpage, nhiều bạn đọc đã rất hào hứng với sáng tạo này. Những chiếc túi bắt mắt, lại ý nghĩa. Tranh vẽ của họa sĩ Nguyễn Minh Hải được đánh giá là rất phù hợp với không gian truyện trước năm 1975, giàu mỹ cảm. Đây là thử nghiệm của nhà xuất bản Trẻ trong việc kinh doanh sản phẩm ứng dụng kèm theo sách.
Trước đó, NXB Trẻ cũng in sổ tay, móc khóa, bookmark từ các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phần lớn dành tặng độc giả mua sách. Lần này, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ - nói vui là “sẽ bán sòng phẳng thành một sản phẩm riêng biệt”. “Ban đầu, chúng tôi dự định phương thức in giỏ quà tặng, kiểu khuyến mãi, kèm theo sách, nhưng chất liệu những túi vải như vậy không bền, khách hàng ít dùng lại. Sau chúng tôi quyết định đầu tư in túi chất lượng, sản phẩm sẽ được bày bán ở các gian hàng NXB Trẻ.
|
Bìa các tác phẩm của Bà Tùng Long được in thành túi xách |
Hiện chúng tôi chưa tính đến lợi nhuận mà chủ yếu là tạo thương hiệu, cũng là một cách đa dạng hóa sản phẩm từ sách. Nếu bạn đọc có nhu cầu, chúng tôi sẽ cho in thêm. Sắp tới, chúng tôi dự định in túi từ bìa các tác phẩm Mắt biếc, An nhiên mà sống, Ăn gì không chết, Đời ngắn đừng ngủ dài…” - ông Nhựt cho biết.
Thời điểm phát hành bộ sách Sài Gòn của em (tìm hiểu, khám phá Sài Gòn xưa và nay, dành cho độc giả thiếu nhi), Công ty Green Horizon cũng in sản phẩm đế ly từ những bức vẽ sinh động trong sách, mỗi sản phẩm hàm chứa một câu chuyện. Cách làm này vừa tăng sức lan tỏa cho sách, vừa phổ biến kiến thức cho độc giả.
Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân - chủ cửa hàng sách Nghé - cũng từng có ý tưởng đưa các nhân vật từ bộ truyện Chuyện ở rừng Vi Vu đến gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi bằng các sản phẩm ứng dụng. Các nhân vật Thỏ điệu, Voi mũi dài, Chuột răng nhọn, Nai ngơ ngác được chị đặt làm thú nhồi bông.
Chị chia sẻ: “Tôi không muốn sách xuất bản, bán xong thì thôi, mà hy vọng các nhân vật sẽ đi xa hơn, từ trang sách vào đời sống. Tôi cũng nhờ họa sĩ vẽ một bức tranh về các nhân vật trong khu rừng, in thành túi xách. Trước mắt chỉ làm túi đeo cá nhân, nhưng nhiều bạn rất thích. Thú nhồi bông thì tôi đặt hàng chất lượng cao, nên giá còn khá đắt, chưa đến được với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi”.
|
Những tác phẩm của Bà Tùng Long ra mắt lần này được thiết kế bìa chỉn chu |
Giá một chiếc túi in bìa tác phẩm của Bà Tùng Long là 70.000 đồng. Túi đeo của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân có giá khoảng 250.000 đồng. Các sản phẩm như ốp lưng điện thoại, áo thun từ bộ truyện Long Thần Tướng, Lĩnh Nam chích quái cũng không quá 300.000 đồng/áo. Sản phẩm thú nhồi bông Pikalong từ tranh biếm họa của họa sĩ Thăng Fly cũng rất ăn khách một dạo.
“Chỉ tiếc là, còn rất nhiều nhân vật từ tác phẩm văn học đã không thể bước ra từ sách theo hình thức sản phẩm ứng dụng. Văn học thiếu nhi hiện đại chưa nhiều nhân vật nổi tiếng, nhưng trong các câu chuyện dân gian, truyện tranh có rất nhiều. Thế giới đã phát triển các sản phẩm từ sách nhiều rồi, còn chúng ta vẫn đang mơ đến thì tương lai” - một nhà làm sách nhìn nhận.
Chưa thể đọ sức hút của các nhân vật trong văn học thiếu nhi Việt Nam với các sản phẩm ứng dụng từ những nhân vật nổi tiếng của các nước như mèo máy Doraemon, các nhân vật hoạt hình Disney… Ở nhiều nước, các sản phẩm “ăn theo” sách đã phát triển thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận. Nhưng ở Việt Nam, mọi thứ chỉ mới manh nha.
“Chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Rất nhiều sản phẩm có thể làm như túi xách, sổ tay, đồ dùng học tập, thú nhồi bông… Cái khó là phải có một ê-kíp kết nối từ ý tưởng, thiết kế, đến truyền thông... Hơn nữa, bạn đọc vẫn chưa có thói quen sử dụng sản phẩm ứng dụng từ sách hoặc yêu thích tác phẩm đến mức tìm mua các sản phẩm liên quan. Cho nên cần phải có thời gian và sự tập trung, kết nối giữa các đơn vị, để cùng thực hiện” - nhà văn Trương Huỳnh Như Trân đúc kết.
“NXB Kim Đồng có bán rất nhiều sản phẩm ứng dụng từ sách, nhưng chủ yếu là các nhân vật trong tác phẩm nước ngoài. Gần đây, có in áo thun các tác phẩm tranh trong Lĩnh Nam chích quái (họa sĩ Tạ Huy Long). Chúng tôi làm bán kèm sách, nhưng cũng chỉ có thể xem là nhỏ lẻ thôi. Về lâu dài thì đây là hướng đi phù hợp với xu thế - quảng bá sách thông qua sản phẩm tương tác”.
Nhà văn Văn Thành Lê (Đại diện truyền thông nhà xuất bản Kim Đồng)
|
Kho vô tận để chuyển thể
Nhà văn Trần Quốc Toàn nói, tác phẩm văn học hay rất cần được phát triển sang các loại hình nghệ thuật khác, như sân khấu kịch hoặc phim ảnh. Văn học lâu nay vẫn là cái kho vô tận để chuyển thể thành kịch bản. Bộ sách của Bà Tùng Long ra mắt ở thời điểm này cũng là một nhắc nhớ cho những nhà làm phim, về những đề tài hấp dẫn như tình yêu - hôn nhân - gia đình.
“Truyện của Bà Tùng Long giản dị, rất dễ đi vào lòng người, chuyển tải những câu chuyện, giá trị gia đình thời nào cũng có. Chúng ta từng có dòng phim chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, cũng rất nên chuyển thể thành phim các tác phẩm của Bà Tùng Long. Với bối cảnh trước năm 1975, không xa với thời đại ngày nay, nên cũng sẽ dễ làm hơn. Những câu chuyện cũ, nhưng sẽ là cảm xúc mới với người xem” - đạo diễn Hồ Ngọc Xum đánh giá.
|
Lục Diệp