Sản phẩm từ AI: Tốt - xấu là do người dùng

06/02/2023 - 06:57

PNO - Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục phát triển, chúng ta đang tiến tới một tương lai mà ở đó những phần mềm như ChatGPT sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, như mọi công cụ khác, nó tốt hay xấu phụ thuộc phần lớn vào người sử dụng.

Từ món quà đến sản phẩm gây tranh cãi

Ammaar Reshi đang đọc truyện trước khi đi ngủ cho con gái của một người bạn thì chợt nảy ra ý định viết một quyển truyện của riêng mình. Reshi là giám đốc thiết kế tại một công ty công nghệ ở San Francisco (Mỹ), rất quen thuộc với các công cụ AI. Vào tháng 12/2022, anh đã dùng phần mềm chatbot mới của OpenAI - ChatGPT - để viết Alice và Sparkle - một câu chuyện về cô gái tên Alice muốn tìm hiểu về thế giới công nghệ cùng người bạn robot Sparkle của cô.

Sau đó, Reshi dùng Midjourney - một phần mềm AI giúp tạo tranh ảnh nghệ thuật - để minh họa cho quyển truyện. Chỉ trong 72 giờ, Reshi đã tự xuất bản cuốn sách trên hiệu sách kỹ thuật số của Amazon. Ngày hôm sau, anh có trong tay cuốn sách bìa mềm, được cung cấp miễn phí thông qua một dịch vụ khác của Amazon có tên là KDP. Ngoài việc tốn 30 USD/tháng để đăng ký tài khoản Midjourney, anh không phải trả tiền để tạo và xuất bản cuốn sách.

Ấn tượng với tốc độ và kết quả dự án của mình, Reshi đã chia sẻ trải nghiệm này trong một chủ đề Twitter thu hút hàng ngàn lượt bình luận và trích dẫn. Reshi cho biết, ban đầu anh nhận được phản hồi tích cực từ người dùng, khen ngợi sự sáng tạo của anh. Nhưng ngày hôm sau, các bình luận bỗng chứa đầy lời cay nghiệt. Cuốn sách của Reshi đã gây khó chịu cho những người tin rằng phần mềm sáng tạo dựa trên AI đang ăn cắp các tác phẩm của họ. Một số nghệ sĩ nhận thấy tác phẩm nghệ thuật của mình đã được sử dụng để huấn luyện các chương trình tạo hình ảnh như Midjourney mà không có sự cho phép của họ. Với Midjourney, người dùng có thể nhập tên của các nghệ sĩ như từ khóa để tạo tác phẩm nghệ thuật dựa trên phong cách của nghệ sĩ đó. 

Alice và Sparkle - một cuốn sách được viết và minh họa hoàn toàn bằng các phần mềm tích hợp AI - ẢNH: AMMAAR RESHI
Alice và Sparkle - một cuốn sách được viết và minh họa hoàn toàn bằng các phần mềm tích hợp AI - Ảnh: AMMAAR RESHI

Vào năm 2022, một bản cập nhật cho công cụ chỉnh sửa ảnh Lensa AI gây sốt trên mạng xã hội sau khi tung ra bản sử dụng AI để biến ảnh selfie của người dùng thành tác phẩm nghệ thuật, khiến các nghệ sĩ nêu bật mối lo ngại về việc các chương trình AI lấy cảm hứng từ sản phẩm sáng tạo của họ một cách tùy tiện. Sau khi tìm hiểu thêm, Reshi đã thêm vào bài đăng Twitter của mình rằng các nghệ sĩ nên tham gia vào việc tạo ra các chương trình tạo hình ảnh AI. Riêng về món quà của Reshi, những đứa trẻ nhận quyển truyện đều thích nó. 

Trách nhiệm của người sử dụng

Hiện tại, các công cụ AI phần lớn là những sản phẩm rời rạc, như ChatGPT hoặc Midjourney. Nhưng tương lai sẽ có những sản phẩm hợp nhất với các phần công nghệ hiện có và khó tách rời hơn. Trên thực tế, các phần mềm trả lời tự động (chatbot) đã tồn tại hàng thập niên. Dù vậy, không phải tất cả các chatbot đều dùng AI như ChatGPT. Một số chatbot chỉ đơn giản chọn từ khóa để tạo phản hồi có thể hữu ích hoặc không. Chẳng hạn, nếu bạn nói với một chatbot không phải AI rằng bạn chưa nhận được gói hàng ở trạng thái “đã giao”, phần mềm có thể khuyến khích bạn ra ngoài xem trước cửa nhà. Riêng các chatbot khác, như ChatGPT, sử dụng một số thuật toán AI khá phức tạp, nên nó thực sự thông minh. 

Erik Brynjolfsson - giáo sư tại Viện Nghiên cứu AI nhằm phục vụ con người thuộc Đại học Stanford (Mỹ) - nhận xét: “ChatGPT giống như một chiếc máy tính bỏ túi dành cho người viết lách. Dù không thay thế suy nghĩ và cảm xúc, nó sẽ giúp nâng cao những khả năng đó của người viết”. Xét cho cùng, nếu không có AI, chính những người muốn sử dụng AI phải chịu trách nhiệm về các quyết định và sản phẩm của mình. Do đó, con người phải là nhân tố ra quyết định cuối cùng và sản phẩm của AI chỉ có thể mang tính khuyến nghị. Hôm 3/2, Ủy viên phụ trách ngành công nghiệp của Liên minh châu Âu Thierry Breton cho biết, các quy tắc trí tuệ nhân tạo mới sẽ được đề xuất nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro xung quanh ChatGPT và công nghệ AI, bao gồm cả vấn đề vi phạm bản quyền. 

Linh La (theo Business Insider, CNA, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI