Sản phẩm tái chế loay hoay tìm thị trường

19/02/2025 - 15:56

PNO - Tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 19/2, nhiều doanh nghiệp cho biết, tiềm năng về phát triển sản phẩm xanh rất lớn. Tuy nhiên việc tiếp cận vốn, thị trường cho sản phẩm xanh vẫn còn nhiều rào cản.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân - cho biết, công ty tập trung vào việc tận dụng bã cà phê để chế biến thành nhiều sản phẩm như đồ lưu niệm, chất tẩy rửa và các sản phẩm thân thiện với môi trường... nhưng các sản phẩm xanh này khó tiếp cận thị trường.

Nguyên nhân, tại các siêu thị, không gian dành cho sản phẩm xanh vẫn còn rất hạn chế, khó tiếp cận người mua. Nhiều chủ doanh nghiệp thiếu vốn, thậm chí phải bán nhà để khởi nghiệp trong lĩnh vực này...

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân
Ông Nguyễn Tấn Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Tái chế cà phê Lộc Nhân - chia sẻ việc đưa sản phẩm tái chế ra thị trường còn nhiều rào cản

“Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng biến rác thải thành tài nguyên mới và mong muốn hợp tác với các đối tác để phát triển sản phẩm xanh. Chẳng hạn, bã cà phê sau khi thải ra sẽ phát sinh khí CH4 - một loại khí nhà kính gây hại cho môi trường. Nếu được tái chế hợp lý, không chỉ giúp giảm phát thải mà còn có thể bán tín chỉ carbon, tạo thêm giá trị kinh tế từ quá trình này”- ông nói và hy vọng các ngân hàng áp dụng thế chấp bằng hàng hóa, hoặc được vay tín chấp dựa trên tính khả thi của dự án thay vì yêu cầu tài sản thế chấp truyền thống.

Theo ông Nguyễn Thái Việt Huy - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Saty Holding - một trong những rào cản lớn là thị trường chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa nông sản canh tác bền vững và nông sản truyền thống.

Để giải quyết bài toán này, Saty Holding đang kết nối với các nhà máy xanh, đưa nông sản sạch vào hệ thống bếp ăn của các doanh nghiệp cam kết sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Đây được xem là hướng đi tiềm năng, vừa giúp đảm bảo đầu ra cho nông dân, vừa tạo ra chuỗi cung ứng xanh bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Không gian trưng bày cho sản phẩm xanh, tái chế còn hạn chế
Không gian trưng bày cho sản phẩm xanh, tái chế ở một số siêu thị tại TPHCM

Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho biết, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Mặc dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ nhưng việc đưa nguồn vốn này đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán khó. Bên cạnh đó, nhân lực cũng là một yếu tố đáng lo ngại. Chỉ có khoảng 12% doanh nghiệp tại TPHCM sở hữu đội ngũ nhân sự có chuyên môn về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), gây cản trở lớn cho quá trình chuyển đổi.

Ngoài ra, công nghệ cũng là một thách thức quan trọng, đặc biệt trong các ngành có mức độ phát thải cao như dệt may. Hiện tại, khoảng 40% thiết bị trong ngành này đã lạc hậu, khiến việc giảm phát thải carbon trở thành một vấn đề nan giải. Trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trên thị trường quốc tế, việc nâng cấp công nghệ và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh là điều bắt buộc.

Trước những thách thức đó, ông cho rằng, cần có những giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan quản lý để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh.

“Để chuyển đổi xanh thực sự hiệu quả, cần đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng ngành, nghề và lĩnh vực, đồng thời có chính sách dài hạn để bảo đảm phát triển bền vững. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”- ông đề xuất.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI