Sản phẩm hữu cơ, GAP: Giấy chứng nhận được chào bán, "đánh đố" người tiêu dùng

11/07/2016 - 13:25

PNO - Nhiều loại thực phẩm đang có giá cao ngất ngưởng trên thị trường vì là sản phẩm GAP, hữu cơ… nhưng hóa ra những chứng nhận tiêu chuẩn này, chỉ cần bỏ tiền ra mua là có. Người tiêu dùng biết tin vào đâu?

Cách đây ít ngày, Công ty cổ phần giám định và chứng nhận VinaCert là doanh nghiệp được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn chỉ định thẩm định và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP đã bị phát hiện có hành vi chào bán giấy chứng nhận này. Từ chỗ một đơn vị muốn đặt chứng nhận VietGAP phải mất ít nhất bốn tháng, nhân viên của VinaCert đã rút ngắn xuống chỉ còn khoảng một tháng rưỡi, bằng cách làm khống nhiều tiêu chí. Cục Trồng trọt xác định đây là hành vi không đúng và lập tức đình chỉ VinaCert một năm không được tham gia cấp chứng nhận này. Hình thức kỷ luật này, theo chính đại diện Cục Trồng trọt, là quá nhẹ đối với hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng.

Một doanh nghiệp chuyên về các sản phẩm gia cầm vừa có ý định mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, là tức thì được nhiều đơn vị cấp chứng nhận VietGAP tiếp cận, chào mời. Điều làm chủ doanh nghiệp này bất ngờ là các đơn vị này mang nguyên bộ quy chuẩn xét tiêu chuẩn VietGAP từ nhóm hàng thủy sản sang áp dụng cho heo!

San pham huu co, GAP: Giay chung nhan duoc chao ban,
Sản phẩm hữu cơ không phải vì lợi nhuận (ảnh minh họa)

Chứng minh rõ nhất cho việc thẩm định, cấp chứng nhận còn lỏng lẻo, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm còn sơ hở là mới đây, 80 con heo đạt chứng nhận VietGAP đưa về lò mổ của Công ty Vissan thì bị phát hiện tồn dư chất cấm. Việc điều tra đường đi của những con heo này cho thấy, quá trình kiểm soát còn quá nhiều kẽ hở, việc kiểm tra chỉ tiến hành khi có kế hoạch, heo tại trại dù đạt GAP nhưng vào tay thương lái lại thành heo nhiễm chất cấm… chẳng thể kiểm soát được.

Những sự việc trên đã làm cho lòng tin về những sản phẩm được “chứng nhận” của người tiêu dùng bị lung lay. Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Oganica cho biết, để đạt được chứng nhận canh tác hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA organic) và Liên minh châu Âu (EU), đơn vị của anh phải mất ba năm để chứng minh cho đơn vị cấp phép các chỉ tiêu về vùng đất, nguồn nước, vị trí đặt trang trại cách xa khu dân cư, chất lượng phân hữu cơ…; tốn kém nhiều chi phí cho các kiểm định. Đã vậy, trong suốt quá trình canh tác sau khi đạt chứng nhận vẫn phải chịu sự giám sát của các tổ chức này.

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 23 đơn vị cấp VietGAP được Cục chỉ định. Trong 5 năm qua, Cục cũng đã kiểm tra ít nhất hai lần với 1.454 cơ sở được cấp VietGAP, với hình thức kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch. Liệu với tần suất kiểm tra này thì có kiểm soát nổi những hành vi gian dối của các đơn vị (?).

Theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiện nước ta chưa có bộ quy chuẩn rõ ràng về thực phẩm hữu cơ nên tiêu chuẩn này bị lợi dụng, người tiêu dùng phải trả giá cao mà không mua được sản phẩm đúng tiêu chuẩn như mong muốn. Bà Mayu, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Seed to Table (Từ hạt giống đến bàn ăn) cho rằng, cái khó của việc sản xuất thực phẩm hữu cơ không phải ở tờ giấy chứng nhận mà xuất phát từ cái tâm của người làm. Làm sản phẩm hữu cơ không thể vì lợi nhuận, nếu đặt lợi nhuận lên trên chất lượng sản phẩm thì không thể bền vững.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI