Sản phẩm hữu cơ cho trẻ luôn an toàn?

11/09/2017 - 10:30

PNO - Nhiều bà mẹ đang rủ nhau mua thực phẩm, hóa mỹ phẩm organic (hữu cơ) ngoại nhập dành cho trẻ đang được rao bán khắp nơi.

Giá các sản phẩm này cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm thông thường cùng chủng loại, song chúng có phải luôn tốt, an toàn cho trẻ như lời rao?

San pham huu co cho tre luon an toan?
Nhiều người tin dùng sản phẩm hữu cơ.


Từ dinh dưỡng đến chăm sóc da…

Cùng với xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ  trên thế giới, hiện nay, hầu hết các siêu thị, cửa hàng mẹ và bé ở TP.HCM đều có bán thực phẩm, hóa mỹ phẩm hữu cơ, rầm rộ hơn là các trang bán hàng qua mạng.

Gõ cụm từ “sản phẩm hữu cơ cho trẻ”, chưa đầy một giây, đã có hơn 1,3 triệu kết quả với nhiều đường dẫn đến trang bán hàng như earthmama.vn, mommycare.vn, xuacuuc.com…  Người mua có thể tìm đủ các loại sản phẩm như bánh, thức uống; cả sữa tắm, dầu gội, dầu giữ ẩm, dầu mát xa, kem dưỡng mặt, kem dưỡng thể…  

Tại cửa hàng Bibomart (Nguyễn Oanh, Q.Gò Vấp, TP.HCM), “bột ăn dặm hữu cơ” vị bí, rau củ và thịt bê cho bé trên tám tháng tuổi, nhãn hiệu Fleur Alpine, xuất xứ Ý, trên bao bì ghi “organic baby rice soup”, được người bán giới thiệu: “Thương hiệu này có 100% các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em đạt tiêu chuẩn organic châu Âu. Không chứa thành phần biến đổi gen, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, hóc môn tăng trưởng và không chất bảo quản, phụ gia… nên sản phẩm an toàn cho trẻ”.

Tại đây, còn có bánh ăn dặm organic Alpin Recipe, xuất xứ Bỉ; bánh ăn dặm French Recipe kiểu Pháp. Giá hai  sản phẩm này khoảng 125-150.000 đồng/gói, cao gấp hai - ba lần so với giá bột ăn dặm thông thường nhưng nhiều bà mẹ tin tưởng chất lượng “organic”, sẵn sàng chi tiền.

Đáng lưu ý, hầu hết các trang mạng bán sản phẩm organic dành cho bé đều giới thiệu đây là “hàng nhập khẩu, hàng xách tay từ Úc hoặc Pháp, Mỹ, Israel…”. Và các sản phẩm này hầu hết đều không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định ghi nhãn hàng hóa đảm bảo chất lượng cho hàng nhập chính ngạch.

Hữu cơ đến đâu?

Có thể thấy, hiện nay tại Việt Nam, phần lớn các sản phẩm hữu cơ cho bé đều có xuất xứ nước ngoài. Một vài thương hiệu lớn trong nước cũng bắt đầu phát triển sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Thành phần thiên nhiên trong sản phẩm hữu cơ vẫn có thể gây dị ứng cho trẻ có cơ địa nhạy cảm.

Chưa kể, sản phẩm hữu cơ vẫn có thể chứa chất bảo quản gây dị ứng cho trẻ.

Vì vậy, không nên lạm dụng cho trẻ dùng những sản phẩm không cần thiết như kem dưỡng da mặt, dưỡng thể…".

BS Trần Thế Viện - Khoa Lâm sàng II, BV Da Liễu TP.HCM

Tuy nhiên, theo một nhà sản xuất sữa hữu cơ trong nước, sữa tươi tiệt trùng organic có giá 53.000 đồng/hộp 1lít, cao gấp đôi so với sản phẩm thông thường cùng dung tích. Vì vậy, nhiều người mua vẫn cân nhắc, so sánh để lựa hàng trong nước hay nước ngoài vì niềm tin vào sản phẩm hữu cơ còn tùy thuộc vào uy tín của nhà sản xuất và đơn vị cấp chứng nhận. 

Hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức xây dựng các bộ tiêu chuẩn và quy trình chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Theo tài liệu của trang saffronrouge.com, được trang Organics.vn dịch ra tiếng Việt: “Nếu một sản phẩm có một trong những chứng nhận hữu cơ thì được coi là sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm tuyên bố là hữu cơ mà không có logo chứng nhận hữu cơ trên sản phẩm thì không được coi là sản phẩm hữu cơ, trừ phi 100% thành phần trong sản phẩm được làm từ các thành phần chứng nhận hữu cơ”. 

Ở nhiều nước, sản phẩm organic được phân ra nhiều cấp độ. Người mua có thể căn cứ vào thông tin nhãn để biết rõ sản phẩm mình dùng đạt tiêu chuẩn hữu cơ tới đâu.

Cụ thể: chứng nhận Organic theo tiêu chuẩn Mỹ (USDA) quy định: nhãn “100% organic”: tất cả các thành phần trong sản phẩm; các phương pháp sản xuất và chế biến phải là hữu cơ; nhãn “organic”: sản phẩm có trên 95% thành phần hữu cơ được chứng nhận.

Cả hai nhãn sản phẩm này phải ghi rõ tên cơ quan chứng nhận và có con dấu hoặc xác nhận của USDA. Riêng nhãn “made with organic”: sản phẩm có ít nhất 70% thành phần hữu cơ được chứng nhận; nhãn “specific organic ingredients”: sản phẩm đa thành phần có thành phần hữu cơ được chứng nhận dưới 70% nhưng không có con dấu của USDA trên nhãn. 

Song, hầu hết các sản phẩm organic bày bán trên thị trường hiện nay chỉ ghi thông tin trên nhãn rất chung chung là “organic”. Ở một số nước, các tiêu chuẩn dành cho sản phẩm hóa mỹ phẩm chăm sóc cơ thể cũng cần thiết tương tự như tiêu chuẩn dành cho thực phẩm hữu cơ.

Tuy nhiên, các chuyên gia da liễu lưu ý: “Chứng nhận mỹ phẩm hữu cơ hiện nay phần lớn là chứng nhận mức độ sản phẩm chứ không phải chứng nhận mức độ thành phần, vì vậy, một sản phẩm được giới thiệu là hữu cơ chưa hẳn các thành phần trong đó đều là hữu cơ”. Người mua nên cân nhắc kỹ khi trả tiền cao để mua sản phẩm organic.

BS Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Quốc tế, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc cho biết: một sản phẩm organic đúng nghĩa sẽ tốt, tuy nhiên, có thực sự tốt hơn sản phẩm thông thường cùng chủng loại hay không thì cần phải có minh chứng cụ thể. Vì thực tế, sức khỏe mỗi người còn tùy thuộc vào môi trường, thể trạng, vận động… chứ không hoàn toàn do dùng thực phẩm, mỹ phẩm hữu cơ. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI