Sân khấu xiếc, rối thiếu nhi: Nhiều kỳ vọng trong năm mới

07/02/2022 - 07:26

PNO - Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, sân khấu đang trong giai đoạn phục hồi, với nhiều hy vọng khi du lịch mở cửa trở lại.

“Thực đơn” giải trí cho khán giả mùa tết vừa qua phong phú, đa dạng hơn so với kỳ vọng của khán giả. Trong đó, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam gần như chiếm lĩnh thị trường sân khấu dành cho nhóm khán giả "nhí", thông qua vở kịch xiếc Huyền bí Ba Tư với hai suất mỗi ngày, từ mùng Một đến mùng Sáu tết. Điểm mới của sân khấu này trong mùa tết năm nay là việc khởi động khu trải nghiệm xiếc rối, đi vào hoạt động từ ngày 27 tết.

Đạo diễn Lê Diễn - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - cho biết mỗi suất, khu trải nghiệm thu hút khoảng 50-70 em nhỏ. “Đây là con số đáng mừng, bởi chúng tôi chưa thực hiện việc quảng bá rộng rãi. Hiện với con số này, chúng tôi phải bù lỗ, nhưng vẫn quyết tâm làm. Chúng tôi hy vọng thời gian tới, tình hình ổn định hơn, sẽ thúc đẩy mô hình này phát triển hơn nữa”, ông chia sẻ.

Các khán giả nhỏ được hướng dẫn kỹ năng múa rối nước căn bản
Các khán giả nhỏ được hướng dẫn kỹ năng múa rối nước căn bản

Khuôn viên khu trải nghiệm được cải tạo từ bãi đất trống trước rạp xiếc tại công viên Gia Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM), chia làm nhiều khu vực nhỏ. Theo đó, các khán giả nhí ngoài việc được xem nghệ sĩ biểu diễn, còn được học một số kỹ năng xiếc, rối cơ bản như: thăng bằng đĩa trên đũa, múa rối tay, điều khiển rối nước… Ngoài ra, các em còn được chơi một số trò chơi dân gian như: đập niêu, bắt cá…

Không gian xiếc rối mang đến nhiều màu sắc thú vị. Nếu rối dây mang các em nhỏ đến với không gian sôi động, trẻ trung của văn hóa Âu Mỹ, với hình tượng các nhân vật đặc trưng; rối tay vui nhộn với những con vật đáng yêu, thì rối nước truyền thống lại cho các em được trải nghiệm với cuộc sống miền quê, lịch sử thông qua những chất liệu như: hò, lý… Các nghệ sĩ đã tạo nên sự tương tác mạnh mẽ với khán giả nhí bằng cách trò chuyện vui nhộn, hài hước, đặc biệt qua việc dạy các em kỹ thuật xiếc rối căn bản. Sân khấu được mở hoàn toàn để khán giả nhí dễ dàng theo dõi hoạt động của nghệ sĩ đằng sau hậu trường.

Ngay khi vở rối nước kết thúc, nhiều bạn nhỏ đã nhanh chóng di chuyển đến khu vực học kỹ năng. Em Phan Đình Hoàng (9 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) rất hào hứng, thích thú với mọi hoạt động. Em chia sẻ: “Hôm nay, con rất vui vì học được nhiều điều thú vị. Tại trường, con đã được chơi trò bắt cá, nhưng nay thì biết thêm trò đập niêu. Trước con đã từng xem múa rối nước nhưng chưa biết các cô chú diễn viên làm thế nào? Con được hướng dẫn làm động tác cho cá bơi, khá đơn giản nhưng cũng hơi mệt vì cần dùng nhiều sức”.

Các em nhỏ được dạy rối tay
Các em nhỏ được dạy rối tay

Đây là mô hình dịch vụ cộng thêm bên cạnh việc biểu diễn trong rạp hát của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. Hiện có chín trò chơi để các em có thể trải nghiệm, với thời gian kéo dài khoảng 45 phút. Mỗi khu vực sẽ có một nghệ sĩ đảm nhận để hướng dẫn các em chơi đùa.

Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam - chia sẻ: “Với sân khấu truyền thống, việc đào tạo khán giả trẻ vô cùng quan trọng để tiếp tục duy trì sức sống. Ngoài việc xem múa rối, trẻ con còn rất thích được tìm hiểu, thực hành. Nắm bắt tâm lý đó, chúng tôi quyết định thực hiện mô hình này. Đồng thời, nơi đây cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ múa rối có không gian hoạt động nhiều hơn. Hiện, chương trình mới ra mắt nên chúng tôi vẫn đang thăm dò thị hiếu khán giả nhí, từ đó cải tiến thêm cho phù hợp, nhưng chắc chắn phải đậm đà bản sắc truyền thống”.

Không dừng lại ở phạm vi nhà hát, sân khấu, trong thời gian tới, mô hình này sẽ tìm đến các trường tiểu học, trung học để có thêm khán giả cho mình. Mục tiêu lớn tiếp theo là phát triển gắn với du lịch, đặc biệt với đối tượng khách nước ngoài khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại. 

Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn cho biết trước thời điểm dịch, có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề phát triển mô hình rối, xiếc gắn với du lịch. Trong đó, có một đối tác Hàn Quốc đưa ra mô hình du lịch 0 đồng, nghĩa là du khách sẽ tiêu hết những đồng tiền cuối cùng tại đây, trước khi ra sân bay về nước. Đơn vị này sẽ kết hợp với sân bay để khách có thể làm luôn thủ tục tại đây, giúp họ an tâm trải nghiệm. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài nên dự án chưa thể triển khai. Với những điều mới mẻ này, nhà hát kỳ vọng sẽ là nền tảng để kết nối làm việc trở lại với đối tác, nhằm giúp hiện thực hóa mô hình thú vị này.

Đạo diễn Lê Diễn nói thêm: “Hiện, chúng tôi chỉ đầu tư trong khả năng của nhà hát. Chúng tôi mạnh về biểu diễn. Anh chị em nghệ sĩ luôn sẵn lòng học hỏi, tìm tòi những điều mới. Còn việc làm kinh tế, thương mại chắc chắn chúng tôi sẽ khó bằng các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực này. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sẽ tìm được sự hợp tác hiệu quả với họ, để thúc đẩy rối xiếc phát triển hơn, mang tính thương mại cao hơn. Đây là mục tiêu lớn chúng tôi muốn đạt được trong năm nay”. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI