|
Lá cờ thêu sáu chữ vàng - một trong những vở diễn của dự án kịch lịch sử (SK Idecaf) mỏi mòn chờ đợi được hỗ trợ |
“Tôi không kỳ vọng mà đề đạt yêu cầu Hội đồng nhân dân TP. HCM nhiệm kỳ này đề xuất những chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ cho sân khấu xã hội hóa, những đơn vị gần như đang nắm giữ vai trò chủ chốt trong đời sống văn hóa của TP. HCM nhiều năm nay”.
Kiến nghị của ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Nghệ thuật Thái Dương cũng là quan điểm chung của đông đảo người làm nghề, trước kỳ họp thứ nhất HĐND TP. HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021) khai mạc sáng 28/6.
Nỗi buồn triền miên
Vấn đề hỗ trợ cho sân khấu xã hội hóa (SK XHH) là chuyện muôn năm cũ, được nhắc đi nhắc lại từ rất nhiều năm nay ở những buổi hội thảo, tọa đàm, đại hội Hội Sân khấu TP… Nhưng cho đến nay tất cả vẫn chỉ dừng ở những kiến nghị, đề xuất, chưa có một chính sách hoặc sự hỗ trợ nào cụ thể.
Đơn vị XHH bị “ganh tỵ” nhiều nhất có lẽ là SK của bà bầu Hồng Vân với trên 30 suất diễn tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh các trường tiểu học và THCS trên địa bàn TP trong dự án SK cộng đồng. Nhưng, nếu chỉ trông chờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước thì bà bầu Hồng Vân chỉ có được 1/3 số buổi diễn so với thực tế, bởi kinh phí được cấp cho dự án chưa được 50% nhu cầu.
Trong buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP khóa VIII với một số đơn vị SK XHH, NSƯT Thành Hội từng thất vọng phát biểu: “Tôi không còn kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. SK kịch nói của TP.HCM có sức sống và diện mạo riêng là nhờ vào các SK tư nhân chứ không phải các đơn vị nghệ thuật Nhà nước. Nhưng SK tư nhân lại bị đối xử như đứa con ngoài giá thú, phải tự thân vận động, không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, điều đó phải chăng là quá bất công?”.
NSND Hồng Vân cũng cho rằng SK tư nhân như những đứa con bị cha mẹ bỏ mặc. Phải tự thân vận động, không được dưỡng nuôi thì e rằng những đứa con đó khó có thể phát triển như mong muốn. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của SK Idecaf thì rất nhiều lần thẳng thừng: “Tiền của Nhà nước cho các SK XHH ư? Đừng có mơ!”.
Những bức xúc, nỗi niềm đó không phải không có lý do. Cho đến nay, tất cả các SK XHH phải tự thân vận động trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Kinh phí Nhà nước vẫn cấp đều đặn cho các hội nghề nghiệp để hỗ trợ tác phẩm, dự án, chương trình… được đánh giá tốt. Nhưng hầu hết số kinh phí đó chỉ được sử dụng cho các dự án, kế hoạch của mỗi hội chứ không dành cho SK tư nhân.
Thực tế phũ phàng, ông bầu Vũ Luân đành “buông” SK Hoàn Vũ ở công viên Lê Thị Riêng sau khoảng ba tháng cầm cự. Bà bầu Hồng Vân và NS Ái Như thì đều đề cập viễn cảnh phải đóng cửa SK khi không còn đủ khả năng bù lỗ cho các đêm diễn. SK cải lương mới khánh thành hơn hai tháng của ông bầu Lê Hoàng cũng khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp ái ngại vì vẫn phải liên tục bù lỗ mỗi khi sáng đèn…
Năm 2014, SK Idecaf bắt đầu thực hiện dự án kịch lịch sử dành cho học sinh, thiếu nhi, dàn dựng khá nhiều vở diễn được dư luận đánh giá tốt: Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng… Sau vài suất diễn giới thiệu dự án, UBND TP.HCM có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở VH-TT TP.HCM, yêu cầu có những kế hoạch hỗ trợ cụ thể để nhanh chóng đưa kịch lịch sử tiếp cận thiếu nhi, học sinh.
“Sở GD-ĐT bắt tay triển khai thực hiện ngay sau đó, riêng Sở VH-TT, tôi không hiểu vì sao vẫn yên lặng hơn một năm nay. Nếu có cơ hội, tôi muốn có được một buổi gặp mặt để chất vấn những đơn vị, cá nhân có liên quan, bởi sự chậm chạp này khiến chúng tôi mất lòng tin vào những lời hứa” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.
Trong muôn vàn khó khăn của hoạt động SK XHH, điều khiến các nhà quản lý đau đầu nhất là điểm diễn. Hầu hết các SK hiện nay đều được cải tạo lại từ hội trường của các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi…, cơ sở hạ tầ ng có khoảng cách quá xa so với nhu cầu thụ hưở ng tiện nghi, thưởng thức nghệ thuật ngày một cao của số đông khán giả. “Nghịch lý ở chỗ các SK XHH - đơn vị thuộc quyền quản lý của Sở VH-TT TP chỉ có thể thuê mướn SK của các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi… mà không thể “chen chân” vào những mặt bằng do Sở VHTT quản lý, dù những mặt bằng đó bỏ không và ngày một xuống cấp” - ông Huỳnh Anh Tuấn bức xúc.
Sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư văn hóa
Việc tự thân vận động suốt một thời gian dài khiến SK TP đang mất dần vị thế của mình. Không nhận được bất kỳ động thái hỗ trợ nào từ các cơ quan quản lý văn hóa, một số SK hoạt động với tâm lý sáng đèn ngày nào hay ngày đó. Các SK mạnh ai nấy làm, chất lượng SK ngày càng giảm sút, thậm chí có lúc chính người làm nghề cũng phải bày tỏ thái độ phẫn nộ với những vở diễn chạy theo thị hiếu dễ dãi, dung tục được dàn dựng cẩu thả vô tội vạ của các đồng nghiệp.
Trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật ngày 13/6, trong vai trò Chủ tịch Hội SK TP, NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng, đời sống của SK kịch nói ở TP.HCM đang khá nhộn nhịp dựa vào hoạt động của các SK XHH, nhưng nhiều vở diễn của các SK này đang đi theo hướng thương mại hóa, thiên nhiều về xu hướng giải trí thông thường do phải chịu áp lực của chuyện cơm áo, gạo tiền.
Một lần nữa ông lại đưa ra kiến nghị “Trong điều kiện hiện nay, một trong những sự hỗ trợ thiết thực nhất là xây dựng các thiết chế văn hóa cho những SK có vở diễn tốt, được dư luận, công chúng đánh giá cao thuê làm nơi biểu diễn với mức giá ưu đãi. Đây cũng là cách góp phần vừa khuyến khích, vừa định hướng cho nghệ thuật và phát huy thế mạnh của SK TP”.
Bên hành lang kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP chia sẻ về những nỗi niềm và bức xúc của giới SK: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra bảy chương trình đột phá, trong đó có chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội. Chiều 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm 2016 cũng đã bàn luận nhiều về việc tạo ra những điều kiện về cơ chế chính sách cho TP phát triển.
Từ những tiền đề này, tôi đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động, chính sách đẩy nhanh sự phát triển cho các hoạt động văn hóa, du lịch ở TP.HCM. Trong nhiệm kỳ VIII, Ban Văn hóa - Xã hội đã có những buổi khảo sát, lắng nghe ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân… về các vấn đề liên quan đến hoạt động XHH. Trước những kiến nghị, TP cũng đã có những chủ trương cụ thể, nhưng trong cách vận hành, cơ chế… vẫn còn nhiều bước phải thực hiện”.
Bà Tuyết Nhung khẳng định: “Tôi cho rằng, cần phải xem những nhà đầu tư văn hóa cũng như những nhà đầu tư ở những lĩnh vực khác. Do vậy, trong chính sách đầu tư, chúng ta cần hỗ trợ tích cực và thiết thực cho các nhà đầu tư văn hóa. Riêng với trách nhiệm của mình, trong nhiệm kỳ này, Ban Văn hóa - Xã hội sẽ tiếp tục khảo sát và sớm đề xuất các chính sách cho từng lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nguyện vọng của đông đảo văn nghệ sĩ”.
Thảo Vân