Sân khấu TPHCM và nỗi lo về đạo diễn kế thừa

25/10/2024 - 08:16

PNO - Sau nhiều năm chưa tìm được lời giải cho bài toán về lực lượng tác giả, sân khấu TPHCM lại gặp thách thức mới: đội ngũ đạo diễn trẻ thiếu cơ hội phát triển, người đủ sức, đủ tài khan hiếm. Các sinh viên chuyên ngành đạo diễn vẫn đều đặn tốt nghiệp hằng năm, nhưng cho đến nay, đa phần những vở diễn tạo được dấu ấn đều là tác phẩm của các đạo diễn… không còn trẻ.

Sân khấu cải lương: chạnh lòng

Cải lương TPHCM đang có khá nhiều diễn viên đã và đang theo học các lớp đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM và Trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội như: Nguyễn Minh Trường, Lê Kim Tiến, Điền Trung, Võ Minh Lâm, Thanh Toàn, Nhã Thy, Thanh Tiền, Phùng Ngọc Bảy, Tú Quyên… Vốn xuất thân từ diễn viên cải lương, cộng thêm việc được đào tạo bài bản về chuyên môn đạo diễn nên lứa đạo diễn này được đặt khá nhiều kỳ vọng.
Một số tên tuổi thể hiện sự chắc tay, chỉn chu khi dựng vở và ít nhiều tạo được dấu ấn ngay sau tác phẩm tốt nghiệp. Có thể kể như Nguyễn Minh Trường với Chân dung người mở cõi (đồng đạo diễn với Vũ Trần) có lối dàn dựng mới mẻ, tạo nhiều bất ngờ thú vị cho người xem từ cách kết nối các nhân vật, sự kiện trong lịch sử đến xử lý không gian sân khấu. Vở Thủy chiến dù chưa phải là tác phẩm xuất sắc nhưng ít nhiều cũng cho thấy một Kim Tiến khá chắc về bài bản khi dàn dựng cải lương và nhạy bén trong cách chọn điểm nhấn cho vở diễn. Điền Trung - gương mặt khá quen thuộc từng để lại nhiều dấu ấn với các vai diễn đa dạng trên sân khấu cải lương - cũng mang lại nhiều kỳ vọng khi giới thiệu Duyên kiếp - tác phẩm đầu tiên anh thử sức làm đồng đạo diễn cùng đạo diễn Phan Quốc Kiệt…

Truyền tích Cổ Loa xưa - bài thi tốt nghiệp của đạo diễn Dương Khôn, sẽ tham dự Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 tại Cần Thơ - ẢNH: NINH LỘC
Truyền tích Cổ Loa xưa - bài thi tốt nghiệp của đạo diễn Dương Khôn, sẽ tham dự Liên hoan cải lương toàn quốc 2024 tại Cần Thơ - ẢNH: NINH LỘC

Tuy vậy, hầu hết các tên tuổi mới dù được đánh giá cao hay không đều im hơi lặng tiếng sau vở diễn tốt nghiệp. Nhiều đạo diễn đã khoảng 3 năm sau tác phẩm tốt nghiệp vẫn chưa thể có tác phẩm mới là thực tế khiến nhiều người chạnh lòng.

10 năm trước, sân khấu cải lương đã báo động thiếu hụt đội ngũ đạo diễn trẻ am hiểu cải lương. Giờ đây, khi ngày càng có nhiều diễn viên cải lương theo học đạo diễn ở các trường nghệ thuật chuyên nghiệp thì nỗi lo mới lại xuất hiện: cơ hội nào cho đạo diễn trẻ?

Cải lương đang trong giai đoạn khó, tác phẩm được dàn dựng không nhiều, trong đó phần lớn là của các đơn vị xã hội hóa. Phải giải bài toán doanh thu, thu hồi vốn để tái đầu tư, các đơn vị xã hội hóa thường chọn giải pháp an toàn là sử dụng những đạo diễn có tên tuổi dựng vở. Nhà hát Trần Hữu Trang ngoài việc dự liên hoan hay những đợt biểu diễn đặc biệt chỉ dựng vở theo kế hoạch. Cơ hội ở nhà hát này gần như nằm ngoài tầm tay của các đạo diễn trẻ vừa tốt nghiệp.
Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2024 sẽ diễn ra từ 25/10, chỉ có 2 vở của đạo diễn trẻ tham gia. Trong đó, 1 tác phẩm là bài thi tốt nghiệp đạo diễn, được gia cố lại để dự thi, vở còn lại của đạo diễn Nguyễn Điền Trung tự bỏ tiền túi dàn dựng.

Kịch nói “đỏ mắt” tìm đạo diễn trẻ

Dù là loại hình hoạt động sôi nổi nhất trong lĩnh vực sân khấu của TPHCM nhưng sân khấu kịch cũng đang có nhiều vấn đề đáng lo về lực lượng đạo diễn. Đa phần tác phẩm tạo được dấu ấn đều là của các đạo diễn không còn trẻ: Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Minh Ngọc, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Hội, đạo diễn Ái Như, Hùng Lâm… Thế hệ đạo diễn được gọi là “trẻ” hiện nay của TPHCM hầu hết đều ở lứa 7X: Hồng Ngọc, Bùi Quốc Bảo, Đình Toàn, Chánh Trực… Tên tuổi đạo diễn mới nhất được chú ý thời gian gần đây là Quốc Thịnh cũng thuộc thế hệ 8X đời đầu.

Cơn mê cuối cùng của đạo diễn Ái Như - một trong những vở kịch nói hiếm hoi được xử lý không gian sân khấu rất chi tiết và nhiều sáng tạo  - Nguồn ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Cơn mê cuối cùng của đạo diễn Ái Như - một trong những vở kịch nói hiếm hoi được xử lý không gian sân khấu rất chi tiết và nhiều sáng tạo - Nguồn ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh

Sinh viên tốt nghiệp với bằng loại khá, giỏi đều đều mỗi năm, nhưng sau khi ra trường không có mấy đạo diễn có thể tiếp tục chứng minh năng lực của mình. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - người đang quản lý 2 sân khấu là IDECAF và nhà hát Thanh Niên - vốn rất cởi mở và sẵn sàng chào đón đạo diễn trẻ. Dù vậy sau nhiều năm, ông cho biết vẫn chưa thể tìm được đạo diễn mới cho sân khấu của mình. Theo ông, đạo diễn trẻ hiện nay đang có 2 xu hướng trái ngược: hoặc quá tự tin hoặc quá tự ti. Các bạn tự ti sẽ không mạnh dạn sáng tạo để chứng minh khả năng. Ngược lại, các bạn quá tự tin lại đưa ra một số yêu cầu mà các sân khấu khó lòng đáp ứng.

Nhược điểm về tay nghề của không ít đạo diễn hiện nay có thể thấy rõ: ở không ít vở, đạo diễn gần như chỉ làm nhiệm vụ minh họa kịch bản. Công tác đạo diễn chỉ là ráp nối lời thoại của các nhân vật; ghép nối những lớp diễn là sáng tạo của diễn viên… mà không cần biết đến diễn viên khắc họa nhân vật đó đúng hay sai; tạo hình nhân vật có khớp với lời thoại, hành động... Diễn viên mạnh ai nấy thoại, mạnh ai nấy tìm “miếng diễn” để tạo điểm nhấn cho riêng mình, tạo thành những lớp diễn dài lê thê, không ăn nhập gì đến nội dung, diễn tiến của mạch kịch. Dường như đạo diễn cũng không đủ sức phân tích tính cách, tâm lý nhân vật cho diễn viên, nên mặc kệ diễn viên diễn sao cũng được, thoại lời nhân vật trôi tuột, không cảm xúc. Đặc biệt, ở những vở có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi thì vai trò của đạo diễn lại càng mờ nhạt. Dường như đạo diễn không đủ tự tin, không đủ khả năng để khơi gợi sáng tạo của nghệ sĩ theo ý đồ dàn dựng của mình.

Những lỗ hổng đáng ngại

Là thành viên Hội đồng nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, đồng thời tham gia giảng dạy, chấm thi tốt nghiệp đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, đạo diễn, NSƯT Ca Lê Hồng thẳng thắn: “Rất hiếm đạo diễn trẻ hiện nay biết cách tổ chức sân khấu và chịu khó tìm tòi những ý tưởng sáng tạo mới trong dàn dựng”. Không khó để xác tín nhận định đó của ông khi có thể thấy không ít vở của các đạo diễn trẻ (cả cải lương lẫn kịch nói) được dàn dựng theo lối cũ mòn. Tác phẩm vừa mở màn vài phút, khán giả đã dễ dàng đoán được các diễn tiến tiếp theo, thậm chí đoán luôn kết thúc. Suốt cả vở, gần như diễn viên chỉ xếp hàng chờ đến lượt ra sân khấu thoại, không có hành động sân khấu, không có những “trò diễn”… khiến mỗi cảnh dài lê thê, nhàm chán.

Vở cải lương Tây Sơn nữ tướng của đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt - một trong những đạo diễn được chú ý từ cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu năm 2007 - ẢNH: NINH LỘC
Vở cải lương Tây Sơn nữ tướng của đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Lê Nguyên Đạt - một trong những đạo diễn được chú ý từ cuộc thi Tài năng đạo diễn sân khấu năm 2007 - ẢNH: NINH LỘC

Âm nhạc và ánh sáng - những yếu tố cực kỳ quan trọng ở một vở diễn sân khấu - cũng là nhược điểm của không ít đạo diễn. Có những vở khiến người xem hoang mang với lối chọn nhạc hệt như “nồi lẩu thập cẩm”, thiếu sự nhất quán, bỏ qua các yếu tố về không gian, tâm lý nhân vật, hoàn cảnh quy định... Ánh sáng cũng được xử lý đơn thuần, chủ yếu để chiếu sáng, phân biệt ngày đêm mà chưa giúp hỗ trợ diễn xuất của diễn viên, tạo không khí cho vở kịch. Việc sử dụng ánh sáng, âm nhạc… để truyền tải ý đồ dàn dựng trong từng cảnh diễn, làm nổi bật thông điệp tác phẩm gần như bị khá nhiều đạo diễn bỏ qua.

Một trong những lỗ hổng kỹ năng đáng ngại nhất của đạo diễn hiện nay là xử lý không gian sân khấu. Cả cải lương lẫn kịch nói, không ít vở cảnh trí đơn thuần chỉ để trang trí. Có những trang trí không giúp sân khấu đẹp hơn, lung linh hơn mà biến không gian sân khấu trở thành cửa hàng sản phẩm trang trí nội thất. Có vở lại là sự chắp vá cảnh trí vô tội vạ. Họa sĩ thiết kế sân khấu Lê Văn Định nhận định: “Nhiều đạo diễn đang nhầm lẫn giữa xử lý không gian sân khấu và thiết kế mỹ thuật sân khấu. Xử lý không gian ở một vở diễn sân khấu không phải chỉ xử lý cảnh trí mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác như phông màn, ánh sáng, âm thanh… Phải làm sao để không gian đó có được “sự sống”, đồng thời góp phần thể hiện được tính cách, gu thẩm mỹ, điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống… của các nhân vật. Quan trọng hơn, không gian sân khấu phải góp phần hỗ trợ, tôn vinh diễn xuất của diễn viên, đồng thời chuyển tải được thông điệp của vở diễn”.

Đạo diễn thiếu sáng tạo, kỹ năng tổ chức sân khấu… khiến nhiều vở diễn hiện nay nhạt nhòa, thiếu chiều sâu, thiếu điểm nhấn và vì thế khó chạm vào cảm xúc của người xem.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI