Dở dang
Thuộc nhóm các ngành dịch vụ phải đóng cửa sớm nhất và mở lại muộn nhất, các hoạt động biểu diễn vui chơi giải trí của thành phố trầm lắng hẳn, trong đó các sân khấu rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng kéo dài.
Thực tế, sân khấu kịch, vốn là trụ cột của đời sống sân khấu thành phố nhiều năm qua vẫn đang còn thiếu tầm nhìn chiến lược, gặp dịch COVID-19 càng khó khăn hơn.
Sân khấu xã hội hóa, bộ mặt sân khấu TPHCM nhiều năm qua, đã không giấu được vẻ mệt mỏi, nhạt nhòa. Chỉ còn những cái tên như IDECAF, Hoàng Thái Thanh và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cầm cự duy trì lịch diễn đều đặn nhất.
|
Hoàng Thái Thanh, một trong những sân khấu nỗ lực sáng đèn và ra mắt vở diễn mới trong năm đầy biến động bởi dịch bệnh |
Nhà hát Kịch TPHCM rơi vào hoàn cảnh khá bi đát khi rạp Công Nhân vẫn đóng cửa sửa chữa sau vụ cháy vào tháng 10/2019. Việc đưa vở Lằn ranh tham gia Liên hoan Sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân toàn quốc (tháng 8/2020) và tổ chức chương trình sân khấu phục vụ thiếu nhi cuối tuần theo chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM (phải diễn nhờ ở Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) dù đã cố nhưng cũng không tạo được bọt sóng.
Sân khấu cải lương sau những cuộc hội thảo, lễ kỷ niệm mừng tuổi 100 vẫn chưa khởi sắc. Ở đây, có một nghịch lý là tuy không tạo được đời sống sàn diễn, nhưng người làm cải lương lại vô cùng bận rộn cho các cuộc thi liên tiếp trong năm 2020: Liên hoan Sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Giải thưởng Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên cải lương toàn quốc…
|
Chương trình xiếc - rối "Mekong show - Kỳ tích phương Nam" bị ảnh hưởng vì lượng du khách đến TP sụt giảm vì dịch. |
Cũng chưa mùa thi nào xuất hiện nhiều “ngôi sao phụ diễn” đến thế với hàng loạt gương mặt quen như: NSƯT Vân Hà, NSƯT Vũ Luân, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quỳnh Hương, nghệ sĩ Chí Linh… Tuy nhiên, việc “bùng nổ” các tài năng vẫn chưa mang lại tín hiệu lạc quan, khi sân khấu cải lương cần đời sống thực sự từ tác phẩm cụ thể được cộng hưởng từ công chúng, chứ không phải từ những cuộc liên hoan và các tấm huy chương.
“Nhà dột còn gặp trời mưa” là tình trạng của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM. Nỗ lực xây dựng chương trình sân khấu du lịch, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử TPHCM (Q.1) và Khu Di tích Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (Q.Bình Thạnh) để giới thiệu hát bội đến du khách, thì chương trình phải dời ba lần bốn lượt. Mục tiêu hướng đến du khách quốc tế cũng phải tạm dừng khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật phương Nam với chương trình xiếc - rối Mekong show - Kỳ tích phương Nam được đầu tư mạnh tay cũng lao đao khi lượng khách đến thành phố giảm. Quyết tâm lôi kéo khán giả trong dịp Noel và tết dương lịch 2021, nhà hát tiếp tục dàn dựng vở kịch xiếc Ba Tư huyền bí (công diễn vào ngày 24/12) có khả năng thu hút khán giả, khi sân khấu thiếu nhi không còn nhiều đối thủ cạnh tranh.
Những điểm sáng lấp lánh
Khó khăn là thế, nhưng phát huy truyền thống năng động, vượt khó của một thành phố đầu tàu về nhiều mặt, sân khấu TPHCM vẫn tồn tại những điểm sáng đáng kể.
Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B nỗ lực thu hút khán giả leo ba tầng lầu đến xem kịch qua việc đa dạng hóa kịch mục biểu diễn. Ngoài chương trình kịch dài vào ba tối cuối tuần, nhà hát còn có thêm Chùm hài kịch tối thứ Năm và sân khấu thiếu nhi vào sáng Chủ nhật hằng tuần.
|
Chùm hài kịch ngắn tối thứ Năm của Sân khấu Kịch 5B. |
Can đảm hơn nữa là NSƯT - đạo diễn Nguyên Đạt đã bỏ tiền túi gần hai tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng lầu một Hội Sân khấu TPHCM thành Sân khấu nhỏ Sen Việt, với mục tiêu kết nối các lực lượng sáng tạo cho một sân chơi nghệ thuật mới, mang đậm dấu ấn thử nghiệm và ưu tiên cho nghệ thuật cải lương.
Với Sân khấu nhỏ Sen Việt ở lầu một, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B ở lầu ba và Trung tâm Đào tạo giao lưu và Triển lãm nghệ thuật VietStudio của biên đạo Lê Việt ở lầu hai, trụ sở Hội Sân khấu TPHCM ở địa chỉ 5B Võ Văn Tần đang hoạt động hết công năng với mong muốn trở thành điểm hẹn nghề nghiệp thực sự của những người làm nghề. Cùng với hoạt động tích cực của Ban Lý luận, Phê bình và Ban Đào tạo - Biểu diễn Hội Sân khấu TPHCM, đây cũng là tín hiệu vui, thể hiện bước chuyển mình năng động, gần gũi, thiết thực hơn của Hội Sân khấu TPHCM sau nhiều nhiệm kỳ ì ạch.
Nghệ sĩ biểu diễn, cùng các thành phần hậu đài, phục trang, công nhân sân khấu… chính là lực lượng lao động bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch COVID-19; nhưng tình người luôn lấp lánh trong họ. NSND Lệ Thủy đã tập hợp được nhiều nghệ sĩ chung tay hỗ trợ tặng hàng trăm phần quà cho nghệ sĩ, công nhân sân khấu, hậu đài… có hoàn cảnh khó khăn, mất thu nhập bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
COVID-19 chưa đi, thiên tai lại đến, miền Trung tang thương vì bão lũ, các Sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, Sân khấu nhỏ Sen Việt… lập tức dành các suất diễn sẻ chia cùng đồng bào. Ấn tượng nhất phải kể đến hơn 846 triệu đồng thu được tại đêm gala tổng kết và trao giải cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2020. Cuộc phát động quyên góp tại chỗ không nằm trong kịch bản chương trình, hoàn toàn bất ngờ, nhưng đã nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, nghệ sĩ và khán giả, thể hiện nghĩa tình của người dân thành phố, người nghệ sĩ đối với đồng bào đang trong cơn khốn khó.
Đông A