- Vì ông chỉ nhớ tới chiến tranh nên luôn nghĩ mình là đại công thần bậc nhất, ông ít chú tâm vào việc lo cho dân, cai trị nước. Ông thích dùng luật hình trừng phạt hơn là tìm cách thuyết phục chúng dân.
- Việc thống nhất giang sơn không phải chỉ một mình họ Đinh làm được, huống chi bây giờ lo cho dân cho nước để trăm họ được nhờ lại càng không phải chỉ có một họ Đinh. Ông có được lòng trung nhưng chưa phải trung với nước. Ông có được chữ nghĩa nhưng chưa phải là nghĩa đồng bào.
- Ông chỉ thích làm việc lớn, chê việc nhỏ. Ông cứu vua nhưng không sẵn sàng cứu lính. Ông chăm lo cho ấu chúa nhưng ít nghĩ đến thứ dân. Không biết yêu thứ dân thì lo cho vua chúa để làm gì?
(Trích Hoàng hậu của hai vua - Lê Duy Hạnh)
|
NSND Bạch Tuyết
|
Tròn 20 năm, những lời thoại trong vở cải lương thể nghiệm đầu tiên dõng dạc, đanh thép vang lên giữa hội trường trước ngày khai mạc một kỳ họp Quốc hội, như những hồi trống thúc giục lương tri, trách nhiệm của biết bao đại biểu nhân dân. Sân khấu chỉ độc ba màu đen - trắng - vàng đồng; hai đỉnh đồng tượng trưng cho hai triều Đinh - Lê, một bục tròn chính diện có đường kính khoảng trên 2m, duy nhất một diễn viên (NSND Bạch Tuyết) với bộ trang phục hoàng hậu, chiếc khăn màu trắng biến thể từ khăn tang sang gánh giang sơn, về lại là những bông hoa…
Cứ thế, độc thoại trở thành đối thoại, một mình (diễn viên) nhưng biểu diễn cho muôn người. Sân khấu là một cuộc phân thân đa chiều, từ tuyến nhân vật, tâm lý, hành động, ngôn ngữ mà đi cùng nó là mỗi một xử lý trình thức, âm sắc riêng biệt trong duy nhất một con người diễn viên.
Chưa tính yếu tố âm nhạc là linh hồn, đã được nhạc sĩ, NSND Thanh Hải cùng lúc sử dụng, xử lý đến bảy nhạc cụ; riêng thiết kế không gian sân khấu, với bàn tay tài hoa của NSND Lương Đống đã tạo nên một không gian mở đa chiều để người diễn viên tận dụng và khai thác triệt để yếu tố sáng tạo lẫn thủ pháp gián cách (cùng khán giả).
|
NSND Bạch Tuyết "diễn kịch một mình" |
Tôi nhớ, khi Hoàng hậu của hai vua “vi hành” ra Bắc, các đồng nghiệp đều đồng loạt ngã mũ bởi tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp, tính đẳng cấp của một chỉnh thể nghệ thuật thể nghiệm; đồng thời đã tạo nên sức hút mà không phải công trình thể nghiệm nào cũng đạt được. Ngay cả bậc thầy của kịch gián cách, B.Brech, ở một vài thời điểm khó khăn, không ít tác phẩm của ông bị chính các diễn viên trả vai, nhà hát trả vé vì hiếm khán giả.
Trước đó, từ năm 1992, cũng tác giả Lê Duy Hạnh, ông viết Diễn kịch một mình, chưa hình dung ai sẽ là người dám dựng, dám diễn. Dịp tình cờ, đạo diễn trẻ Hồng Phúc về nước, ngồi hàn huyên ở khoảnh sân của 5B Võ Văn Tần, anh em Sân khấu Nhỏ hồi ấy rủ rê kiếm gì làm nghề cho vui. Nhưng mở kịch bản, ai nấy đều lắc đầu. Có “một mình”, làm sao “diễn kịch”. Hè năm ấy, cũng là nghệ sĩ Bạch Tuyết, từ Anh về thăm nhà, Hồng Phúc liều rủ làm kịch, ai dè “bà cải lương” gật đầu.
Sân khấu chỉ là một cái lồng sắt (tượng trưng cho vỏ trái đất), diễn viên lần lượt diễn với ba chiếc mặt nạ: trung thần, nịnh thần, vua và diễn với chính mình, trong thời lượng trên một giờ đồng hồ. Bạch Tuyết phải tập thoại kịch, tiết giản tối đa nói lối, nói trong dây (đờn) mà nhấn nhá từng âm tiết, đảm bảo trình diễn một vở kịch nói trên nền tảng của một nghệ sĩ kịch hát. Bà đã thành công cùng ê-kíp Diễn kịch một mình (ảnh).
|
Đảo lửa - một cuộc "thử" của sân khấu thể nghiệm Hồng Hạc |
Cũng từ đó, thập niên 1990 của thế kỷ trước, từ chiếc nôi 5B Võ Văn Tần đã hình thành một xu hướng sáng tác, biểu diễn, dàn dựng và tiếp nhận - thưởng thức nghệ thuật mang tính thể nghiệm, được các nhà hoạt động sân khấu cả nước công nhận, tôn vinh, thông qua Độc thoại đêm (Đoàn kịch nói Quảng Trị), Trần Nhân Tông (Nhà hát cải lương Trung ương), Hồn thơ ngọc (Nhà hát kịch - Sân khấu Nhỏ)…
Độc diễn là một trong những thủ pháp của sân khấu thể nghiệm nhưng không phải cứ độc diễn là thể nghiệm; thể nghiệm không chỉ là sự làm lạ, làm khác cái trước đó. Bản thân một công trình thể nghiệm phải là một tác phẩm nghệ thuật mang tính chỉnh thể, thống nhất từ ngôn ngữ kịch bản đến dàn dựng và biểu diễn.
Đó không phải là sự lắp ghép, chắp nối một cách tùy tiện, dễ dãi. Tại Liên hoan sân khấu châu Á năm 1998, khi xem Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm một học giả sân khấu Hàn Quốc đã thốt lên: các bạn có được một di sản sân khấu - văn hóa truyền thống cực kỳ quý giá; và các bạn đang khai thác nó một cách văn minh, hiện đại.
Trích đoạn Diễn kịch một mình (Lê Duy Hạnh):
Thậm chí, ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn của 15 năm trước, leo lên bốn tầng lầu của Nhà hát kịch - Sân khấu nhỏ, đã có lúc, tôi chìm đắm giữa cuộc hôn phối nghệ thuật Đông - Tây, chứng kiến cái bi kịch từ bên kia bờ đại dương giữa nàng Dexdemona và Othello và bên này là Thúy Kiều - Từ Hải, một cuộc trình diễn kịch nói song ngữ được những đứa con của kịch nói thành phố như NSƯT Văn Thành, Khánh Hoàng, Hồng Vân, Tuyết Thu… thử nghiệm trong Nỗi đau nhân loại.
Hay dù chưa ra mắt, khi cầm kịch bản Người - Máy (tác giả Lê Duy Hạnh), tôi lại mường tượng một không khí anti-theatre (sân khấu phản kịch) mà Samuel Beckett đã theo đuổi.
Một không khí sáng tạo và cởi mở, một thái độ làm nghề chuyên nghiệp, văn minh, trên nền tảng của kho tàng sân khấu - nghệ thuật dân tộc; và đặc biệt là những giá trị tư tưởng, thông điệp chuyển tải đầy tính nhân văn, trách nhiệm xã hội đã được khai phóng từ thành phố này. Đó là một nét chạm trổ thật đẹp mà 25 năm sau, liệu có còn sự tiếp nối thăng hoa?
Ái Mỹ