Sân khấu thay đổi cách đào tạo diễn viên

23/08/2014 - 12:29

PNO - PN - Cuối tuần qua, cùng với việc ra mắt sân khấu (SK) kịch lịch sử dành cho học sinh tiểu học, SK Idecaf đồng thời cũng trình làng thêm SK Trẻ Idecaf với đội ngũ diễn viên (DV) là những gương mặt hoàn toàn mới, đang theo học “hệ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước đây, cách đào tạo phổ biến nhất ở các SK là nhận những DV mới tốt nghiệp trường đào tạo nghệ thuật về làm DV quần chúng hoặc đảm nhận những vai phụ. Trong quá trình cộng tác với SK, các DV sẽ tự học, tự điều chỉnh khả năng diễn xuất của mình. Từ vai phụ, sau một thời gian, DV sẽ được giao vai diễn thứ chính, rồi đến vai chính…

Trong quá trình dựng vở, đạo diễn hoặc nhà sản xuất sẽ “uốn nắn” DV trẻ cho phù hợp với phong cách chung của SK mình. Lợi thế của cách làm này là SK cùng một lúc có nhiều gương mặt mới để “đãi cát tìm vàng”. Với DV, điều kiện tiếp cận SK cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, số DV có thể gắn bó với SK lại không nhiều, do không phải đủ kiên nhẫn để “dò dẫm” từng bước, nhất là trong điều kiện DV đang có quá nhiều lựa chọn như hiện nay. Mặt khác, một thực trạng đang xảy ra khá phổ biến: khi may mắn có cơ hội để khẳng định mình qua một vài vai diễn, DV lại không gắn bó với SK và dễ dàng tìm một “bến đậu” khác khi có điều kiện.

Từng có lúc SK Hoàng Thái Thanh khiến một số nhà quản lý “ganh tỵ” vì sở hữu một đội ngũ DV trẻ, dẫu còn non kinh nghiệm, ít bản lĩnh nhưng được đào tạo bài bản, kỹ năng diễn xuất tốt, yêu nghề và điều quan trọng nhất là tính kỷ luật rất cao. Không khó để lý giải những ưu điểm nổi trội của lớp DV trẻ này, bởi hầu hết họ là học trò của NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như, từng được trui rèn bởi “kỷ luật thép” của giảng viên trong suốt thời gian học tập.

Sau những nỗ lực khẳng định khả năng và vị trí của mình khi đứng “chung sân” với những nghệ sĩ tên tuổi, đến vở diễn Đèn không hắt bóng, lớp DV trẻ như Công Danh, Hoàng Vân Anh, Thế Hải, Nguyễn Long, Khánh Vân, Tấn Đạt… đã được tin tưởng giao trọng trách “gánh vác” mà không cần sự hỗ trợ của những DV gạo cội.

San khau thay doi cach dao tao dien vien

Những gương mặt mới mang lại cho khán giả nhiều ngạc nhiên thú vị trong lần đầu xuất hiện ở vở Trần Quốc Toản ra quân - Ảnh: Thảo Vân

“Hình mẫu” của SK Hoàng Thái Thanh đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự chuyển hướng trong đào tạo DV ở một số SK. “Bà bầu” Hồng Vân chọn giải pháp tuyển học viên (HV) mới hoàn toàn để đào tạo. Còn “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn chọn giải pháp tuyển những DV tốt nghiệp các trường SK về đào tạo lại, đồng thời bổ sung một số kỹ năng khác để chuẩn bị cho những kế hoạch dựng vở tiếp theo của SK Idecaf.

Ở SK Hồng Vân, các HV được đào tạo hai kỹ năng chính là kỹ thuật biểu diễn và tiếng nói SK. Chỉ sau một học kỳ, những HV có khả năng nổi trội đã được uốn nắn theo kiểu “đo ni đóng giày” để có thể đảm nhận những vai diễn đang khan hiếm DV ở SK này. Một số DV có khả năng nói được giọng vùng miền, nhất là giọng Bắc, được khuyến khích phát huy sở trường để có thể đáp ứng yêu cầu của một số vở diễn thuộc dòng kịch văn học, vốn là “đặc sản” của SK Hồng Vân.

Ngay từ năm học thứ hai, những HV xuất sắc được tham gia các vở diễn doanh thu của SK, dù có ý kiến cho rằng, điều này dễ làm “hư” HV vì tâm lý sớm thỏa mãn. Thành quả của khóa đầu tiên đã được đánh dấu bằng hai vở tốt nghiệp: Bất chấp yêu nhau đi và Người đàn bà uống rượu. Tất nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa những “tân” DV, nhưng vở chính kịch Người đàn bà uống rượu tưởng chừng rất “khô” và hơi quá tầm DV trẻ cũng đã chạm được vào cảm xúc của người xem. Trước hai vở tốt nghiệp, một số tên tuổi như Trịnh Duy Anh, Xuân Nghị, Kiều My… đã “trụ” lại trong lòng khán giả khi được xuất hiện trong những vở diễn doanh thu của SK.

Tháng 4/2014, SK Idecaf đã tuyển được hơn 40 DV để thành lập SK trẻ Idecaf. DV trúng tuyển được đào tạo cả kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói SK lẫn hình thể, múa và thanh nhạc. Ông Huỳnh Anh Tuấn lý giải: “Trước mắt, lớp DV trẻ này sẽ được luyện nghề và bản lĩnh SK qua những vở diễn lịch sử dành cho thiếu nhi. Tùy theo khả năng và sở trường, các em sẽ được phân vai ở những vở diễn người lớn để học hỏi và “lớn lên”.

SK TP đã có thêm một lớp DV mới, được định hướng và có “lộ trình” để khẳng định tài năng. Nhưng để thực sự trở thành lớp kế thừa có lẽ vẫn phải chờ thời gian và cả những nỗ lực không ngừng của từng DV.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI