Tái diễn nhiều vở cũ
Những khó khăn chất chồng thời gian qua từng khiến các ông bầu, bà bầu sân khấu tại TP.HCM đắn đo trước việc có nên diễn tết hay không. Tuy vậy, những ngày gần đây, các sân khấu đã rục rịch chuẩn bị trở lại. Đặc biệt, với nhóm sân khấu kịch, không khí rộn ràng
hơn hẳn.
Gần một năm qua, vì dịch bệnh nên các sân khấu không có bất kỳ hoạt động nào. Việc tập vở thường tốn nhiều thời gian. Vì thế, để gấp rút chuẩn bị diễn tết, phần lớn các sân khấu đều chọn những vở cũ. Sân khấu Idecaf có ba vở: Mưu bà tú, Lời nguyền phù thủy và Cậu đồng, bắt đầu khởi diễn từ ngày 26/1 tới đây. Nhiều sân khấu khác cũng chọn diễn vở cũ như: Bạch Hải Đường, Bàn tay của trời, Chờ thêm chút nữa (sân khấu Hoàng Thái Thanh), Nắng chiều (sân khấu kịch Quốc Thảo), Người vợ ma, Điềm báo, Ngã rẽ, Ngôi nhà trên thuyền (sân khấu kịch Hồng Vân)… Phần lớn sẽ bắt đầu hoạt động vào mùng Một tết. Điểm mới trên sân khấu kịch tết lần này có thể là Lạc giữa biển người của Hội Sân khấu TP.HCM.
|
Cảnh trong vở Cậu đồng |
Sân khấu cải lương cũng có vài tín hiệu vui. Sân khấu Chí Linh Vân Hà đang chuẩn bị vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, dự kiến ra mắt vào 12 tháng Giêng tại Nhà hát TP.HCM. Sân khấu Sen Việt của đạo diễn - NSƯT Lê Nguyên Đạt diễn lại vở Nhật thực. Đoàn tuồng cổ Huỳnh Long cũng có Tái sanh duyên, dự kiến diễn mùng Tám, mùng Chín tết. NSƯT Lê Trung Thảo cho biết Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang dự định diễn các vở được tái dựng: Người yêu đảo chúa, Đứa con họ Triệu… nhưng hiện chưa chốt kế hoạch cuối cùng.
Ngoài vấn đề thời gian gấp rút, việc dựng vở mới là bất khả thi do với số lượng sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM chiếm hơn 90%, vấn đề tài chính luôn là gánh nặng suốt nhiều năm qua. Ở thời điểm này, nhiều "ông bầu" sân khấu vẫn phải đang gồng gánh nhiều khoản chi để duy trì sân khấu. Chưa kể khi hoạt động lại, họ phải tiêu tốn cho nhiều khâu khác như vệ sinh, khử khuẩn, chỉnh trang…
Việc lựa chọn vở cũ là phương án an toàn trong bối cảnh hiện tại xét trên nhiều mặt. Dẫu mùa tết ai cũng mong mang những điều mới mẻ cho khán giả, nhưng lực bất tòng tâm. Phần nhiều trong số vở diễn này đã từng được khán giả yêu thích, nên các ông bầu, bà bầu có thể an tâm khi trở lại. Nhóm này có thể kể đến như: Cậu đồng, Mưu bà tú… Bạch Hải Đường, Lời nguyền phù thủy… được chuẩn bị cho mùa tết trước, nhưng chưa có nhiều suất hoặc chưa có cơ hội ra mắt.
|
vở Bạch Hải Đường - sân khấu Hoàng Thái Thanh |
Biết lỗ nhưng vẫn làm
Việc sân khâu chuẩn bị sáng đèn lại sau thời gian dài “đóng băng” khiến các nghệ sĩ háo hức. Anh Công Hiển - đại diện sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - cho biết các nghệ sĩ tham gia những vở diễn hiện đang tập luyện miệt mài để chờ ngày trở lại. Tương tự, các nghệ sĩ của sân khấu kịch Idecaf cũng không mất nhiều thời gian khi tái hợp nhờ tinh thần phấn chấn. Đó cũng là điều an ủi các "ông bầu" trong hoàn cảnh hiện tại. “Sau một năm không được diễn, chắc chắn lần trở lại này ai cũng mang 200% năng lượng để phục vụ khán giả”, NSƯT Mỹ Uyên tâm sự.
Vấn đề lo ngại nhất hiện tại là sức khỏe của diễn viên trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. NSƯT Lê Trung Thảo trăn trở: “Dẫu chúng tôi đã tập luyện trước đó, nhưng hiện nếu muốn diễn tết phải tập lại cho thật nhuần nhuyễn. Chỉ một nghệ sĩ gặp vấn đề sức khỏe, sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại. Đó là điều đáng lo nhất! Còn những khó khăn khác đều có thể khắc phục”. Một số sân khấu có phương án chuẩn bị dự phòng trong tình huống xấu nhất, nếu không may diễn viên nghệ sĩ bị nhiễm bệnh.
Mùa tết thường là thời điểm ăn nên làm ra của các sân khấu. Nhưng chuyện đã khác trong hai năm vừa qua. Lần trở lại này, nhiều đơn vị biết chắc khả năng lớn sẽ lỗ vốn, nhưng vẫn quyết định làm. Sân khấu Sen Việt của NSƯT Lê Nguyên Đạt có thể phục vụ 100 khán giả cùng lúc. Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách, nếu giảm đi một nửa công suất chắc chắn sẽ lỗ. Chưa kể, để vận hành một suất diễn, còn tốn nhiều chi phí khác.
|
Cảnh trong vở diễn Lạc giữa biển người |
Anh chia sẻ: “Khán giả vẫn còn e ngại, đó là điều không thể tránh khỏi. Chưa kể, việc đảm bảo an toàn cũng nên được cân nhắc. Vì thế, nếu chỉ phục vụ được một nửa, tôi vẫn làm, dù lỗ. Hai năm vừa qua, sân khấu tại TP.HCM hầu như rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Tôi e rằng nếu tình hình này kéo dài hơn nữa, sẽ càng khiến sân khấu nguy cấp”.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói mỗi suất diễn phải có từ 180 khán giả mới có cơ hội huề vốn. Tuy nhiên, nếu diễn nhưng lỗ ít, ông vẫn có thể bù được, nhằm đảm bảo sân khấu sáng đèn. “Hiện, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã có những tín hiệu khả quan. Số ca tử vong giảm, tỷ lệ phủ vắc-xin lớn… là những điều kiện giúp tôi quyết định mở lại sân khấu. Những nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh vẫn sẽ được thực hiện. Nhìn chung, điều kiện đảm bảo an toàn của sân khấu có thể tốt hơn một số khu vực bên ngoài. Hiện, tôi và các anh em nghệ sĩ chỉ mong kế hoạch được diễn ra. Sân khấu đã đến lúc cần sáng đèn trở lại, còn chuyện kinh tế tạm tính sau”, ông chia sẻ.
Nghệ sĩ Chí Linh nói việc đầu tư cho một vở cải lương hiện có áp lực không nhỏ về vốn với sân khấu của anh, đơn vị xã hội hóa không có sự hỗ trợ từ Nhà nước. Anh hy vọng vở diễn này sẽ ở mức hòa vốn hoặc lỗ ít. “Năm ngoái, chúng tôi hứa phục vụ khán giả nhưng không làm được. Mọi người rất mong chờ. Nợ ân tình khán giả là điều thôi thúc chúng tôi phải làm. Có thể nói lần này anh em nghệ sĩ chúng tôi hơi liều”, anh nói. Ông Huỳnh Anh Tuấn vừa liên hệ với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nhờ cơ quan này có hướng dẫn cụ thể giúp các sân khấu, trong đó, số lượng khán giả được nhận cho mỗi suất là điều hết sức quan trọng.
Những lo âu vẫn còn đó, nhưng ít nhiều tín hiệu hồi sinh cũng là động lực giúp người làm nghề tin tưởng, gửi gắm hy vọng nhiều hơn.
Trung Sơn