PNO - Trải qua 1 năm nhiều xáo trộn, sân khấu TPHCM đang dần trở lại quỹ đạo. Mùa diễn tết 2023 hứa hẹn là mùa diễn đầy sôi động như hồi trước dịch bệnh.
Sân khấu kịch TPHCM đã có 1 năm 2022 vui ít buồn nhiều khi 2 thương hiệu nổi bật là Hoàng Thái Thanh và kịch Phú Nhuận (kịch Hồng Vân) không thể sáng đèn hằng tuần mà chuyển sang diễn “theo mùa” hay theo dự án. “Mùa diễn” đầu tiên của sân khấu Hoàng Thái Thanh với vở kịch tâm lý tình cảm Mùi của hạnh phúc lặng lẽ trôi qua với sự đón nhận vừa đủ để bước tiếp mà trước mắt là mùa diễn tết 2023. Khá bất ngờ khi Hoàng Thái Thanh mang đến một vở diễn đậm tính tâm linh là Trái tim oan khuất (kịch bản: Huỳnh Trúc Anh, biên tập, đạo diễn: Hoàng Thái Thanh).
Vở nhạc kịch Em em chị chị tại nhà hát Thanh Niên với sự kết hợp của dàn diễn viên danh tiếng của sân khấu kịch nói lẫn cải lương là màu sắc độc đáo của mùa diễn tết 2023
Sàn kịch TPHCM không thiếu vở đề tài kinh dị, tâm linh nhưng mang màu sắc ma mị, ám ảnh như Trái tim oan khuất thì không nhiều. Thông qua câu chuyện bi kịch gia đình, tác phẩm truyền tải thông điệp về lòng yêu thương và sự vị tha. Chỉ khi tình yêu không vị kỷ, con người mới tránh được sai lầm và không sa vào bi kịch. Đó cũng là thông điệp chung mà sân khấu Hoàng Thái Thanh mong muốn lan tỏa qua nhiều tác phẩm, điển hình như loạt Nửa đời ngơ ngác, Bông hồng cài áo, Bạch Hải Đường, Rau răm ở lại, Mùi của hạnh phúc. Các vở diễn này cũng sẽ trở lại với khán giả mùa tết năm nay.
Tuy không còn là điểm diễn cố định, sân khấu Phú Nhuận vẫn là nơi “đóng đô” của kịch Hồng Vân dịp tết 2023. Tác phẩm ăn khách bậc nhất sân khấu kịch TPHCM nhiều năm qua là Người vợ ma tiếp tục tái xuất phục vụ khán giả yêu thích thể loại kinh dị - hài. Đây cũng là màu sắc chủ đạo giúp kịch Hồng Vân thu hút khán giả trong nhiều năm. Tết năm nay, ngoài Người vợ ma, các vở Khuya rồi…! Đừng giỡn mặt, Ám ảnh kinh hoàng, Điềm báo… cũng theo công thức vừa chọc cười vừa hù khán giả.
Sân khấu cải lương của “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn tại nhà hát Thanh Niên gặp khó. 2 suất diễn ra mắt vào ngày 1 và 2/1 với vở cải lương Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt) phải tạm hoãn khi Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM phải tổ chức sự kiện đột xuất. Live show 55 năm ăn cơm Tổ - Khổ vẫn cười của nghệ sĩ Bạch Long dự kiến diễn 2 suất vào ngày 7 và 8/1 cũng rút lại còn 1 đêm diễn 7/1. “Có lẽ đây chưa phải thời điểm phù hợp để chạy dự án cải lương. Dịp giáp tết quá bận rộn, vừa bị động điểm diễn, vừa rất khó quy tụ ê kíp nghệ sĩ ổn định với chất lượng cao nhất. Khán giả cũng bị phân tán vì mùa diễn tết sắp tới nên chưa hưởng ứng nhiều…” - ông Huỳnh Anh Tuấn thẳng thắn chia sẻ.
“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết, tết năm nay có phần bận rộn hơn với 2 điểm diễn là sân khấu IDECAF và nhà hát Thanh Niên. “Ở IDECAF, chúng tôi chỉ dựng lại 2 vở cũ là Thuốc đắng giã tật và Cưới vợ cho ai? và khá an tâm vì dàn diễn viên ngôi sao, quen thuộc, cùng những khán giả trung thành. Hiện đã bán được khoảng 70% lượng vé tết tại đây. Nhưng nhà hát Thanh Niên vẫn là điểm diễn mới. Tôi đầu tư 2 vở mới là nhạc kịch Em em chị chị (kịch bản, đạo diễn: Quốc Thịnh - Tuyết Mai) và vở náo kịch Bất ngờ chưa bà già? (kịch bản, đạo diễn: Bùi Quốc Bảo) với thành phần diễn viên quy tụ từ nhiều nơi. Tôi hơi lo nhưng cũng rất kỳ vọng vào sự tươi mới của sân khấu mới này, đặc biệt là dàn nhạc sống từ vở Em em chị chị, sẽ thuyết phục được khán giả” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.
Tương tự sân khấu IDECAF, sân khấu Thế Giới Trẻ cũng hoạt động ổn định ngay cả khi sàn diễn TPHCM gặp nhiều khó khăn. Với 3 vở mới chuẩn bị cho mùa tết là Nghiệp quật (tác giả, đạo diễn: Tiết Duy Hòa), Ở đây ai tỉnh? (tác giả, đạo diễn: Bảo Ngọc) và Cầu vừa đủ xài (kịch bản: Bảo Ngọc, đạo diễn: Hữu Tiến), Thế Giới Trẻ tiếp tục phát huy sở trường hài kịch hiện đại và nhanh nhạy “bắt trend” với diễn xuất linh hoạt của dàn diễn viên năng động, giỏi nghề.
Vở Trái tim oan khuất mang màu sắc ma mị hiếm thấy trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Mới ra mắt nên sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí - Việt Hương cũng xác định tầm quan trọng của mùa diễn tết 2023. Vở Đụng vô là phỏng tay và Loạn thế chi vương mang màu sắc hài dân gian và cổ trang cung đấu được đầu tư mạnh với sự kết hợp của dàn nghệ sĩ đa thế hệ.
Nhà hát Sân Khấu Nhỏ 5B ngoài tái diễn một số vở vui nhộn, được nhiều cảm tình năm qua, vẫn nỗ lực tiếp cận giới trẻ với vở diễn đề tài đồng tính Tía ơi, chồng con đâu? (kịch bản: Quốc Nguyễn - Gia Ngọc, đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc)…
Sân khấu cải lương: nhiều cạnh tranh
Mùa diễn tết 2023 được xem thực sự là thời điểm khảo nghiệm sức sống của sàn diễn cải lương TPHCM. Như mọi năm, cải lương tuồng cổ vẫn áp đảo. Ngoài đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long diễn tại rạp Hồng Liên (quận 6), Trung tâm biểu diễn Hưng Đạo - nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã kín lịch cho các sân khấu từ mùng 4 - 14 tết.
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng cải lương tuồng cổ cho mùa diễn tết 2023 với vở Ngai vàng và tội ác
Mùa diễn tết này, nổi bật nhất là vở cải lương tuồng cổ đề tài lịch sử Tô Hiến Thành xử án của đoàn Minh Tơ, quy tụ lực lượng hùng hậu: Trường Sơn, Thanh Loan, Xuân Yến, Thanh Hằng, Phượng Loan, Công Minh, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Lê Thanh Thảo, Minh Trường, Nhã Thy… Đạo diễn Nguyên Đạt cho biết, vở được làm gọn lại, đẩy nhanh tiết tấu đồng thời đào sâu thêm kịch tính về hoạt động gián điệp của thế lực ngoại bang hòng làm tha hóa thế hệ trẻ.
“Tô Hiến Thành xử án là một trong những vở đưa thương hiệu đoàn Minh Tơ đến đỉnh cao. Dựng lại vở là áp lực rất lớn với người đi sau nhưng chúng tôi làm trên tinh thần đưa tinh hoa nghệ thuật đến khán giả trẻ một cách phù hợp nhất. Vì thế, có những chi tiết đã được lược bỏ hoặc tô đậm thêm để truyền tải thông điệp trực diện hơn, mang tính thời đại hơn đến người xem hôm nay” - đạo diễn Nguyên Đạt chia sẻ.
Bên cạnh đó, những Hoa Mộc Lan Tùng chinh (chương trình tết của “ông bầu” Gia Bảo), Văn võ kỳ duyên (sân khấu Chí Linh - Vân Hà), Ngọc Kỳ Lân, Mạnh Lệ Quân (đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long), Bạch Xà đáo địa ngục môn (sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang) và Ngai vàng và tội ác (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) đều là những kịch bản cải lương tuồng cổ được khán giả yêu thích nhiều năm về trước, nhất là qua sự phổ biến của video cải lương.
Sân khấu Vũ Luân cũng góp mặt với vở cải lương hài dân gian Quan Hợi làng Te mang màu sắc hài hước, châm biếm gợi nhớ đến kịch bản kinh điển Ngao - Sò - Ốc - Hến.
Vở cải lương Đối diện với lương tâm (hay Tuyệt tình ca) được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phục dựng, tạo cơ hội cho đội ngũ diễn viên trẻ tiếp cận kịch bản hay.
Có 2 vở cải lương khá khác biệt là vở cải lương thể nghiệm Kiếp tằm của sân khấu Sen Việt và vở Đối diện với lương tâm (Tuyệt tình ca) của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. 2 tác phẩm không mang nhiều tính giải trí nhưng sẽ là lựa chọn hợp lý cho những khán giả “ghiền cải lương” thứ thiệt, thích nghe các bài bản với lời ca giàu tính văn chương.
Đạo diễn Nguyên Đạt nhận định: “Mùa diễn tết này, sân khấu cải lương sẽ rất cạnh tranh. Thị phần cho cải lương không nhiều, cũng chỉ từng ấy nghệ sĩ ngôi sao. Tình hình kinh tế còn khó khăn mà giá vé cải lương lại cao hơn nhiều loại hình giải trí khác nên khán giả sẽ cân nhắc rất kỹ khi chọn xem vở. Tôi cho rằng, chất lượng tác phẩm và uy tín ê kíp biểu diễn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn việc quy tụ ngôi sao”.
Đạo diễn Nguyên Đạt cũng cho biết, anh cố giữ giá vé Tô Hiến Thành xử án không vượt quá 1 triệu đồng - mức giá “phải chăng” khi nhiều vở quy mô tương tự giá vé có thể lên đến 1,5 - 2 triệu đồng.