Mở sân khấu không như là mơ
Từ cuối năm 2016 và trong suốt năm 2017, một loạt sân khấu mới ra đời trong lúc những sân khấu (SK) đang hoạt động kêu gào khó khăn, thậm chí đã nghĩ đến việc sẽ phải đóng cửa.
Khi những cái tên Thuần Việt, Tâm Ngọc Lê Hay... trở thành ký ức được cho là câu chuyện tất yếu của thời gian thì việc SK Trần Cao Vân, với “bề dày” hơn 10 năm và nhiều vở diễn đình đám cũng phải đóng cửa trong năm 2017 là điều khá bất ngờ. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc công ty nghệ thuật Thái Dương cho biết: “Dừng hoạt động ở Trần Cao Vân là điều cần phải làm. SK ngày càng khó khăn, khán giả “teo tóp”, thay vì dàn trải cho cả hai SK, tốt nhất nên tập trung cho một nơi để việc đầu tư hiệu quả hơn”.
|
Sơn ca không hót - một trong những vở diễn để lại nhiều ấn tượng của SK Trần Cao Vân
|
SK khó khăn không còn là chuyện ngày một, ngày hai. Trước đó, ông Huỳnh Anh Tuấn từng nhiều lần cho biết các vở kịch thiếu nhi trong chương trình Ngày xửa, ngày xưa là nguồn thu chính để nuôi hai SK kịch người lớn Idecaf và Trần Cao Vân.
Lạ một điều, khi các SK lâu năm “đụng đầu vào đá” thì các SK mới đồng loạt ra đời. Trong năm 2017 có đến ba SK mới là SK Minh Nhí, SK Quốc Thảo và SK Rubik. Nhưng mọi việc không nằm ngoài dự đoán, cả ba SK mới đều không thể có được hoạt động như kế hoạch đã thông báo trước đó.
SK Minh Nhí sau Tiếng vạc sành chưa có thêm vở diễn nào mới. Các buổi diễn kịch nói cũng thưa dần, nhường chỗ cho ca nhạc, tạp kỹ, mini show cá nhân.
Sân khấu Quốc Thảo sau buổi ra mắt khá xôm tụ và kế hoạch dựng vở diễn tết thì cho đến nay, vở diễn duy nhất được lên sàn là Lôi Vũ đã phải tạm gác lại do không thể tập trung diễn viên. Sân khấu cũng chưa tổ chức được một suất diễn nào và chỉ mới hoạt động ở mảng đào tạo diễn viên.
SK kịch Rubik cũng khá lặng lẽ sau ngày ra mắt không lâu. Ngoài nguyên nhân do những bất đồng trong hợp tác xây dựng sân khấu thì khâu khán giả cũng là một trong những lý do khiến Rubik lao đao.
|
Sau Tiếng vạc sành, SK Minh Nhí vẫn chưa có thêm vở kịch dài nào ấn tượng
|
Gần đây nhất khán giả và giới làm nghề lại xôn xao với thông tin SK SuperBowl của “bà bầu” Hồng Vân đóng cửa. Nhưng đến giờ chót, do đơn vị cho thuê mặt bằng hạ giá thuê SK, nên trước mắt nơi đây vẫn tiếp tục sáng đèn.
Vì đâu nên nỗi?
Khi SK vừa gặp khó, ông Huỳnh Anh Tuấn vẫn rất tự tin cho rằng đây chỉ là khó khăn diễn ra theo chu kỳ, như một kỳ nghỉ lấy sức của SK để bật dậy bước tiếp.
Nhưng sự tấn công bất ngờ của gameshow truyền hình đã làm đảo lộn tất cả. Sân khấu mất dần khán giả vì gameshow ở tất cả mọi góc độ. Chỉ cần ngồi nhà, bật ti vi, khán giả đã có thể gặp gỡ và xem hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn. Tất cả hoàn toàn miễn phí.
Một bộ phận khán giả lại bội thực với những chiêu trò, những tiếng cười nhảm nhí, dễ dãi trên truyền hình và “đánh đồng” những điều nhảm nhí đó trên truyền hình với đời sống sân khấu. Khán giả vốn đã bị chia nhỏ vì quá nhiều loại hình giải trí lại càng “èo uột” hơn ở lĩnh vực SK.
Trong khó khăn, thay vì phải nỗ lực gấp bội để kéo khán giả trở lại với mình thì nhiều SK lại dễ dãi buông mình chạy theo thị hiếu của khán giả và con số doanh thu khiến mọi thứ ngày càng tuột dốc không phanh. Các SK thi nhau ra đời kèm lời khẳng định chắc nịch về việc sẽ cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đủ sức chinh phục khán giả của các “ông bà bầu”.
|
Chúng ta thuộc về nhau - môt trong những vở diễn chạm đến trái tim khán giả của SK Thế Giới Trẻ
|
Nhưng, hình như ngay từ lúc vừa mở SK họ đã quên hoặc cố tình quên SK đang trong “cơn khát” những kịch bản sân khấu hay, những đạo diễn giỏi nghề và có nhiều vốn sống. Đội ngũ tác giả, đạo diễn và cả diễn viên… vốn đã chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các SK đang hoạt động.
Thế nên mới có những đợt, SK đồng loạt ra mắt 20 vở, nhưng chẳng có mấy vở đủ sức để khán giả nhớ nổi cái tựa, mong gì những dấu ấn khác trong vở. Lạ một điều, một số quản lý SK vẫn cứ ào ào ra vở và dựa dẫm vào sức hút của một vài tên tuổi nào đó hoặc những chiêu trò câu khách, bất chấp giá trị nghệ thuật.
Từng có lúc các SK đua nhau làm kịch ma, nhiều đến mức ở TP có đến 4 SK chỉ chuyên trị kịch ma mà không có bất kỳ một thể loại nào khác. Khi kịch ma đã hết chiêu trò, SK lại xoay sang hài. Những tiếng cười dễ dãi, nhảm nhí, dung tục nhan nhản ở nhiều SK. Thậm chí để câu khách, SK của một DV hài còn lấy cớ dựng vở nhằm giáo dục giới tính cho khán giả 16+ (?!) để bày biện những chiêu trò phản cảm khiến người xem phải đỏ mặt.
Lỗi ở một số cá nhân quản lý SK thiếu cái tâm với nghề một phần, lỗi của DV lại càng lớn hơn. Từ lâu, các SK đã gặp khó khi DV bận đi show phim, chểnh mảng lịch tập luyện, thậm chí bỏ luôn cả suất diễn, thì nay mọi việc càng trở nên tệ hại hơn khi DV xem gameshow là nơi để tiếp cận khán giả lẫn tìm thu nhập. Một vở diễn có thời gian tập luyện chỉ từ vài ba ngày đến một tuần không còn là chuyện cá biệt.
Bà bầu Hồng Vân từng bày tỏ sự ngao ngán: “DV bận chạy show, chỉ về SK tập lúc nửa đêm. Tập ở thời điểm đó, lại sau một ngày mệt nhoài, DV chỉ đứng cho có “tụ”, còn đâu hồn vía để tập luyện và vun đắp cảm xúc, tâm lý cho nhân vật”.
|
Sau tám năm kiên định với sân khấu nghiêm túc và tử tế, SK Hoàng Thái Thanh vẫn phải bù lỗ và là một "ngoại lệ" hiếm hoi của SK
|
Ở góc khác, một số gương mặt đoạt giải ở các gameshow bỗng hoá thành sao. Từ DV vô danh ở SK, họ quay sang yêu sách, bắt SK phải chiều chuộng, đáp ứng yêu cầu của mình. Số khác tuy không đoạt giải nhưng lại bị những lời khen có cánh của giám khảo làm mờ mắt. Họ cứ nghĩ mình là tài năng, không còn chịu sự uốn nắn của đạo diễn khi tham gia những vở diễn được dàn dựng bài bản, nghiêm túc.
Kết quả, SK không thể có vở diễn mới nên một vở cứ tập "quơ quào" như vậy rồi cho ra lò. Khó trông mong DV sẽ thấm nhân vật sau từng suất diễn bởi nhiều vở diễn đã phải xếp lại chỉ sau mười suất, thậm chí có lúc còn ít hơn thế.
Vẫn có SK cố gắng bám trụ với tiêu chí làm nghệ thuật nghiêm túc, tử tế; có SK loay hoay với đủ giải pháp để mong gầy dựng và tìm lại niềm tin của khán giả… Tiếc rằng những nỗ lực đó lại chưa đủ sức để kiến tạo nên diện mạo chung của SK thành phố..
Giống như tất cả những lĩnh vực kinh doanh khác, không phải bất kỳ doanh nghiệp nào ra đời cũng có thể thành công. Chuyện thành lập doanh nghiệp, rồi phải tuyên bố phá sản, đóng cửa là thực tế diễn ra hàng ngày trong xã hội. SK cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, những người đang làm nghệ thuật nghiêm túc, những người ít ỏi còn “nặng nợ” với SK mong sao trong suốt quá trình hoạt động của mình, dù ngắn hay dài cũng đừng để khán giả mất niềm tin, đừng bôi đen những giá trị từng là niềm tự hào của sân khấu kịch TP.HCM.
Thảo Vân