Sân khấu nhỏ, hiệu quả lớn
Không riêng Đức, hiện mô hình nhà hát, sân khấu (SK) nhỏ khá phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ. Bên cạnh những nhà hát có sức chứa hàng ngàn khán giả, các nhà hát, SK nhỏ phục vụ từ vài chục đến trên dưới 300 khán giả vẫn đều đặn hoạt động. Có thể kể như Tricycle Theatre (London) - nhà hát có 225 chỗ ngồi, với kịch mục khá đa dạng, từ vở diễn kinh điển, vở chuyển thể từ tác phẩm văn học nổi tiếng, nhân vật lịch sử của Anh đến đề tài về cuộc sống đương đại.
|
San khấu của nhà hát Theater an der Gumpendorfer Straße |
Ateliertheater (Vienna, Áo) chỉ dành cho 100 khán giả, với những vở diễn đề tài LGBTQ+, nữ quyền - nơi các nghệ sĩ trẻ được một số nghệ sĩ nổi tiếng hỗ trợ để phát triển khả năng sáng tạo. Cũng ở Vienna còn có nhà hát Theater an der Gumpendorfer Straße, sức chứa tối đa 120 khán giả, nổi tiếng với hình thức kịch ngẫu hứng hoặc những vở cổ điển được làm mới để phù hợp với khán giả đương đại.
SK nhỏ đã xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở các nước châu Âu và Mỹ. Đây là nơi tập hợp những người trẻ hoạt động trong lĩnh vực SK từ diễn viên, nhà soạn kịch, kỹ thuật viên… Các SK này đa phần không hướng tới mục đích thương mại mà tập trung vào phát triển mỹ thuật, xu hướng nghệ thuật, kỹ thuật dàn dựng. Họ chọn dàn dựng kịch bản của các tác giả trẻ và những đề tài liên quan đến thời sự hoặc lịch sử. Các SK nhỏ này đã mang lại cơ hội ban đầu quý giá cho các nhà viết kịch nổi tiếng như Eugene O’Neill, George S. Kaufman, Elmer Rice, Maxwell Anderson, Robert E. Sherwood…
Cần nỗ lực từ nhiều phía
Không gian, điều kiện kỹ thuật giới hạn của SK nhỏ đòi hỏi ê kíp nghệ sĩ phải nỗ lực sáng tạo không ngừng để chinh phục công chúng. Vì vậy, đây là môi trường khá lý tưởng cho lớp diễn viên trẻ mới ra trường thỏa sức sáng tạo và khẳng định tài năng.
Với thực trạng của SK TPHCM hôm nay, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Ngọc Giàu cho rằng, khuyến khích các bạn trẻ thành lập các nhóm kịch, SK nhỏ là một trong những cách làm mang lại nhiều hiệu quả cho cả SK lẫn các nghệ sĩ.
“SK nhỏ, chi phí dàn dựng, tổ chức biểu diễn không cao, những nhóm kịch nhỏ không quá khó khăn để duy trì hoạt động. Yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và phát triển của nhóm là lửa đam mê, khả năng sáng tạo và sự nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề của đời sống đương đại để đưa vào tác phẩm” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
|
Dạ cổ hoài lang (1994) - một trong những tác phẩm thành công nhất của Câu lạc bộ sân khấu Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần |
Đồng quan điểm, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói: “Điều cần nhất ở những người làm SK trẻ là sự xả thân. Hãy nỗ lực chứng minh bằng những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả. Khi đó, bạn sẽ tìm được vị thế cho mình”.
Theo quan sát của NSND Trần Ngọc Giàu, đây cũng là cách làm của các nhóm kịch ở Đức. Mỗi nhóm chọn một đối tượng khán giả và xây dựng những tác phẩm về các vấn đề đang được họ quan tâm. Đề tài thời sự, đúng nhu cầu khán giả, cộng thêm cách kể chuyện sáng tạo, sinh động giúp các nhóm tìm được lượng khán giả riêng. Một số nhóm chủ động xây dựng tác phẩm gắn với mục đích tuyên truyền của những hội nhóm, đoàn thể và tìm nguồn tài trợ từ các tổ chức này để tổ chức biểu diễn. Từ các SK nhỏ này, các nghệ sĩ trưởng thành và khẳng định tài năng để được các nhà hát chuyên nghiệp mời về cộng tác.
“Nếu ở TPHCM, cách làm này được áp dụng, SK sẽ có lợi đôi đường. Để được khán giả đón nhận, nghệ sĩ phải năng động, nhiều sáng tạo và biết cách chọn lọc những vấn đề xã hội để tác phẩm mang hơi thở thời đại. Và nếu muốn có được nguồn tài trợ từ các tổ chức, vở diễn phải là tác phẩm tốt từ nội dung, thông điệp đến chất lượng nghệ thuật. Những vở diễn này cũng sẽ góp phần hình thành những nhóm khán giả mới, có thói quen xem kịch và xem có chọn lọc” - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ.
Tuy nhiên, trong tình hình khán giả đang mất dần thói quen xem kịch, SK kịch không còn được nhiều người quan tâm như trước thì việc tìm một nhà tài trợ không dễ. Đây là lúc Quỹ hỗ trợ tài năng Văn hóa - Nghệ thuật trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hiện Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM vẫn đang hoàn thiện điều lệ để quỹ sớm vận hành đúng quy định, góp phần hiệu quả vào việc hỗ trợ tài chính cho các tài năng.
|
Con ma nhà họ Hứa - vở diễn do Tuyết Mai - Quốc Thịnh làm đạo diễn trên sân khấu Hoàng Thái Thanh |
Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ tổ chức biểu diễn cho các chương trình SK học đường đã được sở vận hành từ nhiều năm nay. Cùng với đó là sự hỗ trợ kinh phí và điều kiện biểu diễn cho các tác phẩm SK chất lượng nhằm lan tỏa các giá trị tốt đẹp từ các vở diễn đến đối tượng sinh viên, học sinh và khán giả thành phố. Làm sao để nhận được sự hỗ trợ này, yếu tố quan trọng vẫn là tài năng, năng lực sáng tạo, sự năng động và chất lượng của mỗi đơn vị trong xây dựng các tác phẩm nghệ thuật.
Và đương nhiên, Hội SK TPHCM có vai trò không nhỏ trong việc theo dõi, định hướng và hỗ trợ cho các SK nhỏ này. Hội cũng phải trở thành cầu nối để đưa những vở diễn có chất lượng nghệ thuật, mang thông điệp rõ ràng tiếp cận với nguồn hỗ trợ và khán giả. Cần có một hội đồng thẩm định chất lượng vở diễn, với những thành viên làm việc hết sức công tâm và có cái nhìn cởi mở với những sáng tạo của lớp nghệ sĩ trẻ.
Gia Minh
Thương hiệu kịch nói TPHCM bắt đầu từ những sân khấu nhỏ Ở TPHCM, các SK nhỏ từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành thương hiệu kịch nói TPHCM. Cho đến thập niên 1990, TPHCM dù có khá nhiều đoàn kịch (đoàn kịch nói Kim Cương, Bông Hồng, Cửu Long Giang, đoàn nghệ thuật SK Trẻ…) nhưng tiếng vang vẫn chỉ giới hạn ở khu vực phía Nam. Năm1984 sự ra đời của Câu lạc bộ (CLB) SK kịch Thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (thuộc Hội SK TPHCM, tiền thân của Nhà hát kịch SK nhỏ) đã thay đổi diện mạo của SK kịch TPHCM. Thử nghiệm lối diễn, lối dàn dựng khác biệt với những gì vốn có của SK thành phố lúc bấy giờ, với khán phòng chỉ hơn trăm chỗ ngồi, CLB là nơi khẳng định tài năng của lớp diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp Trường Nghệ thuật SK II (nay là Trường đại học SK - Điện ảnh TPHCM), đồng thời góp phần xây dựng lớp khán giả cho phong cách kịch mới của TPHCM. | Xóm kịch, SK kịch "trẻ" nhất của TP.HCM |
Một số nghệ sĩ trưởng thành từ CLB mở thêm những SK mới: SK IDECAF của Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc phối hợp với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, SK Phú Nhuận của NSND Hồng Vân, SK Hoàng Thái Thanh của Nghệ sĩ ưu tú Thành Hội và đạo diễn Ái Như… SK biểu diễn là những khán phòng nhỏ, trên dưới 300 chỗ ngồi. Các tác phẩn được chọn dàn dựng đều được đầu tư nghiêm túc, mang tính nghệ thuật cao, phản ánh các vấn đề xã hội với nhiều phong cách kịch khác nhau, hình thành thương hiệu riêng của SK kịch TPHCM. Thập niên 2010, TPHCM còn rộ lên những nhóm kịch nhỏ, chỉ biểu diễn trong không gian với vài chục khán giả: Kịch cà phê Bệt, nhóm kịch Đời, Cầu Vồng, Ví Dầu, Tía Lia, Chuồn Chuồn Giấy, Bách Niên, Sao Biển, Mộc... Hầu hết thành viên trong nhóm là các diễn viên vừa tốt nghiệp ngành SK hoặc đang học năm cuối. Các nhóm này là nơi để nhiều gương mặt trẻ rèn luyện tay nghề, chờ cơ hội được làm việc ở những SK chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, Tuyết Mai, Quốc Thịnh, từ kinh nghiệm dàn dựng một số tiết mục của kịch cà phê Bệt, đã được SK Hoàng Thái Thanh tin tưởng giao giữ vị trí đạo diễn cho vở Con ma nhà họ Hứa. Hay Thái Kim Tùng, thời gian dẫn dắt nhóm Ví Dầu đã cho anh những kinh nghiệm cần thiết khi dàn dựng những tác phẩm lớn hơn như Giấc mơ, Rau răm ở lại… Do đều “tự thân vận động”, thiếu định hướng, các nhóm kịch dần mất đi. Tuy nhiên đa phần các diễn viên trụ cột đều về SK lớn hoặc chuyển hướng hoạt động nghệ thuật. Hiện nay chỉ còn nhóm kịch Đời vẫn tổ chức các buổi diễn. Một nhóm kịch mới bắt đầu tạo được sự chú ý là Xóm kịch do Nghệ sĩ ưu tú Xuân Trang - cựu diễn viên, đạo diễn của SK kịch Phú Nhuận - dẫn dắt. Nhóm hướng đến những vở chính kịch, được dàn dựng nghiêm túc và vẫn đang trên hành trình khẳng định mình. Thảo Nguyên |