Sân khấu là nơi tỏa sáng và tìm thấy tình yêu

05/08/2018 - 20:30

PNO - Với Trần Hoàng Yến và Phan Thái Bình - cặp nghệ sĩ múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) - được múa là điều hạnh phúc nhất

Trong cuộc đời, có nhiều điều khiến ta hạnh phúc và trở nên hạnh phúc. Với Trần Hoàng Yến và Phan Thái Bình - cặp nghệ sĩ múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) - được múa là điều hạnh phúc nhất; để rồi, mỗi khi nhón chân lên, cả thế giới sáng bừng trên đôi chân họ.

Nếu theo dõi các tác phẩm ballet và múa đương đại của HBSO trong mấy năm qua như Hồ Thiên Nga, Cô bé Lọ Lem, Cô bé búp bê, Kẹp hạt dẻ, Đi qua tình yêu, Ru đêm, mới đây là Café Sài Gòn… khán giả sẽ không lạ lẫm gì dàn diễn viên trẻ của nhà hát này, trong đó có cặp vợ chồng Phan Thái Bình - Trần Hoàng Yến.

San khau la noi toa sang va tim thay tinh yeu

Nếu Yến học múa từ năm bốn tuổi, tốt nghiệp loại xuất sắc hệ trung cấp bảy năm chuyên ngành Diễn viên múa tại Trường múa TP.HCM và loại giỏi Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chuyên ngành Huấn luyện múa thì tới năm 23 tuổi, Bình mới bắt đầu.

Trong một lần tình cờ, Phan Thái Bình đi diễn thay người bạn trong nhóm múa do Yến hướng dẫn thời đại học. Họ biết nhau rồi yêu nhau 9 năm sau đó, mãi tới cuối năm 2017, cả hai mới chính thức nên duyên vợ chồng.

Cuộc trò chuyện giữa đôi vợ chồng trẻ ấy và tôi xoay quanh chuyện tình, chuyện nghề, đặc biệt mở ra những chuyện hậu trường, mà ở đó, những người trẻ buộc phải lựa chọn, đánh đổi và quyết liệt sống chết với đam mê của mình.

Từng cảm thấy tương lai mù mịt

San khau la noi toa sang va tim thay tinh yeu

Phóng viên: Ấn tượng ban đầu của hai bạn về người kia ra sao?

Nghệ sĩ múa Phan Thái Bình: Ban đầu, tôi cứ thắc mắc mãi, rằng mặt mũi Yến nhỏ nhắn, dễ thương mà sao đôi chân của một diễn viên múa lại giống chân của... vận động viên điền kinh hoặc bóng đá thế. Sau đó, có cơ hội đi xem Yến diễn ở nhà hát, tôi mới hiểu, thì ra để có thể múa trên mũi chân như thế, đòi hỏi tập luyện khổ cực, vất vả ra sao.

Mà Yến múa trên sân khấu nhìn rất sáng, rất cuốn hút, cảm tưởng như cả cuộc đời cô ấy sinh ra là để dành cho việc này; nên có bao nhiêu tâm huyết, tình cảm, Yến đã dồn hết vào tác phẩm. Tôi bị xúc động mạnh, thấy múa cũng thú vị và bắt đầu quan tâm tới bộ môn này nhiều hơn dù trước đó, tôi định theo nghề quảng cáo hoặc chụp hình.

Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến: Bình nhỏ hơn tôi một tuổi, lại ít nói, tự ti và nhút nhát nên hồi đầu, chúng tôi chỉ “chị chị - em em”. Sau khi tốt nghiệp trường múa, tôi buộc phải lựa chọn con đường tiếp theo để đi.

Mẹ là người đưa tôi đến nghệ thuật múa nhưng không khuyến khích tôi theo nghề này. Mẹ muốn con gái mình đi học đại học như người ta, rồi ra trường có một công việc hành chính ổn định nhàn hạ. Tôi nghe lời và chọn học ngành quan hệ quốc tế.

Thế nhưng, tới năm 3 đại học, sự ngột ngạt lên đến đỉnh điểm. Thấy bạn bè được diễn ở nhà hát, ở những sân khấu lớn, tôi ở nhà bứt rứt, không chấp nhận việc mình không còn được múa nữa. Tôi quyết định nghỉ học đại học và xin về làm ở HBSO.

Quyết định xong, lại hoang mang và thấy mình liều, không biết tương lai sẽ ra sao. Thời gian đó, có Bình bên cạnh. Làm ở HBSO được 3 năm, tôi thi vào Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Lúc này, mẹ mới bắt đầu yên tâm, không nói gì nữa.

San khau la noi toa sang va tim thay tinh yeu

* Yến có nghĩ rằng, cả thế giới ở trên đôi chân của bạn không? Và Bình?

Trần Hoàng Yến: Thật sự, với bất cứ diễn viên múa nào, đôi chân đều rất quan trọng. Đó là lý do tại sao khi bị chấn thương đầu gối cách đây mấy năm, bác sĩ cảnh cáo không được múa nữa, tôi cảm thấy mọi thứ như sụp đổ. Nhờ đôi chân này, tôi mới múa được. Khi múa, tôi mới là chính mình. Mỗi lần bước lên sân khấu, tôi được sống trong thế giới cổ tích rất đẹp của riêng mình.

Múa ballet đòi hỏi kỹ thuật khó, có thể tôi chưa hoàn hảo nhưng khi múa, tôi thấy mình đẹp, lòng mình ngập tràn cảm giác bay bổng. Tới những vở múa đương đại lại là một kiểu khác, nó gần với cuộc sống thực của mình hơn. Cứ thế, mỗi vở diễn, mỗi vai diễn lại đưa tôi đến một thế giới khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Phan Thái Bình: Chân là thứ kết nối cơ thể tôi với sàn tập cũng như sân khấu; là cách tôi thể hiện con người thật của mình. Trong cuộc sống, có những người ngại chia sẻ bản thân. Họ ít nói, trầm lặng nhưng lên sân khấu, họ tự vẽ ra không gian và thế giới của riêng mình. Họ nghĩ thế giới đó dành riêng cho họ. Họ độc tôn trong thế giới đó mà không cần biện giải, cũng không cần ai hiểu.

Đôi khi, đó là cảm xúc thật của họ nhưng khán giả cứ nghĩ họ đang diễn. Có những điều nếu không nói được ở ngoài, họ sẽ dùng cơ thể của mình để nói trên sân khấu. Mà thật sự, sân khấu là nơi chúng tôi tỏa sáng và tìm thấy tình yêu. Sau tất cả, tình yêu giữa tôi với Yến còn được xây dựng trên nền tảng sự ngưỡng vọng và cảm thông.

Khi buồn, tôi... múa

San khau la noi toa sang va tim thay tinh yeu

* Và đó là một cách để giải phóng thế giới cá nhân của bạn?

Trần Hoàng Yến: Đúng vậy. Nghệ thuật là phương tiện để diễn tả thế giới nội tâm của chính mình bằng cách này hay cách khác. Ví dụ, Lọ Lem là vai solist đầu tiên trong sự nghiệp của tôi, vốn được nhiều người biểu diễn trước đó. Khi nhận vai, phải làm sao để mọi người cảm thấy vẫn là câu chuyện đó nhưng có một Lọ Lem khác, không giống với những Lọ Lem phiên bản trước đó.

Diễn viên múa hoàn toàn có thể là chính mình, ngay cả trên sân khấu. Với vai diễn kia, tôi vẫn là Lọ Lem Yến chứ không phải là Lọ Lem nào khác. Chúng ta ai mà chẳng chất chồng tự sự trong lòng. Tôi không biết hát, không giỏi kể chuyện, chỉ có thể dùng ngôn ngữ cơ thể của mình để diễn tả.

Mỗi khi buồn, mặc dù chẳng làm gì, tay tôi cũng bất giác chuyển động như hơi thở một cách hết sức tự nhiên. Đôi lúc, người ta buồn quá thì khóc tu tu còn tôi lại múa.

* Nhưng thánh đường mà các bạn tôn thờ, khi sân khấu khép lại cũng đầy nhọc nhằn, đắng cay, xót xa…

Phan Thái Bình: Trước khi biểu diễn, đã là một chuỗi thời gian tập luyện vất vả, nhiều lo lắng cũng như stress từ sáng tới tối. Có những vở, tập luyện trầy trật, cực khổ, chân tay bầm giập suốt mấy tháng trời nhưng chỉ sáng đèn 60 phút. Khi sân khấu khép lại, chúng tôi buộc phải trở về với cơm áo gạo tiền, lại lao ra ngoài kiếm tiền, để chuẩn bị cho những đêm diễn thăng hoa kế tiếp.

* Liệu có đáng không?

Phan Thái Bình: Đáng chứ. Tôi nghĩ, tiền mình có thể kiếm được nhưng những thăng hoa đó không phải diễn viên múa nào cũng chạm tới được. Đó lại là đích đến của bất cứ diễn viên múa nào muốn thực sự làm nghề.

Mặc dù đi múa phụ họa cho ca sĩ và sản phẩm được đông đảo công chúng biết đến hơn nhưng vẫn không tạo cho chúng tôi một niềm hạnh phúc lớn như vậy. Diễn xong, khán giả bên dưới vỗ tay, chúng tôi nắm tay nhau, nhiều lúc xúc động phát khóc. Tôi nghĩ đó là điều khó kiếm.

Khi kết thúc một đêm diễn, cảm giác như vừa kết thúc một cuộc phiêu lưu. Có những vở diễn, sau khi kết thúc vài ngày, chúng tôi vẫn chưa trở về với cuộc sống bình thường được.

Tất nhiên, cũng có lúc mệt mỏi, lắm khi, hiện thực cuộc sống nghiệt ngã quá khiến mình chùn chân, hoang mang không hiểu có phải mình lý tưởng quá không, mơ mộng quá không? Những lúc đó, tôi nhớ vì sao mình bắt đầu, lại thôi, tự dặn lòng không được bỏ cuộc.

Chậm mà chắc

San khau la noi toa sang va tim thay tinh yeu

* Bạn làm tôi nhớ tới Linh Nga vốn được biết đến với danh xưng “chim công làng múa” nhưng lâu lắm rồi, tôi không còn thấy cô ấy múa nữa, thay vào đó cô đi sự kiện là chính. Trong quan điểm của tôi, một người được gọi là nghệ sĩ múa thì phải gắn bó với sàn tập, sân khấu, tác phẩm múa…

Trần Hoàng Yến: Tôi cũng cùng quan điểm với bạn, đã là nghệ sĩ múa thì nên gắn với sàn diễn và tác phẩm múa nhiều hơn. Sân khấu mới là nơi mà một diễn viên múa tỏa sáng nhất. Khi nói điều này, tôi không quy kết ai cả, vì đây là lựa chọn của mỗi người.

* Nghe nói, vừa rồi Yến có làm hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú?

Trần Hoàng Yến: Thực sự 10 năm bước chân vào con đường múa chuyên nghiệp này, tôi đánh đổi rất nhiều thứ không phải để một ngày mình chạm vào danh hiệu nào đó. Mọi người cứ giục tôi làm hồ sơ nhưng hình như tôi đủ huy chương nhưng lại thiếu thời gian công tác. Tôi cũng không để tâm lắm. Mà được hay không được cũng không quan trọng lắm.

Tất nhiên được trao danh hiệu là một niềm hạnh phúc nhưng việc được múa bao lâu nữa, được múa thêm bao nhiêu tác phẩm và có tác phẩm nào hay đang chờ khiến tôi háo hức hơn nhiều.

* Theo quan sát của bạn, cộng đồng diễn viên múa trẻ hiện nay ra sao?

Trần Hoàng Yến: Tôi thấy vui vì thế hệ sau này có nhiều người theo nghề hơn. Tôi tốt nghiệp cách đây 12 năm, lớp tôi chỉ có một mình tôi theo nghề tới tận bây giờ. Vấn đề là các bạn có quyết tâm đi hết con đường này hay không, bởi quyết định theo và theo đến cuối cùng là hai chuyện khác nhau. Phải cứng cỏi lắm, mạnh mẽ lắm, hy sinh lắm mới có thể đi đến cùng.

* Là phó trưởng đoàn Vũ kịch HBSO, bạn có thấy đây vẫn là một ngành hẹp ở Việt Nam?

Trần Hoàng Yến: Hiện nay thì đúng. Khán giả đến xem nhìn đi nhìn lại toàn những gương mặt quen song tôi đã thấy mở rộng hơn ngày xưa. Tôi cho rằng, mình cứ từ từ mà đi, chậm mà chắc.

Ngay bản thân HBSO cũng đang có những chiến dịch để mở rộng đối tượng khán giả của mình. Nghề này không thể đi nhanh nhưng trong tương lai, chắc chắn không phải là một ngành hẹp.

* Cảm ơn hai bạn.

Đậu Dung (thực hiện)

Hạnh phúc là được ở bên nhau nhiều nhất có thể

Mọi người vẫn thắc mắc, vợ chồng cùng làm nghệ thuật, sống với nhau dưới một mái nhà thì hai cái tôi sẽ được giải quyết như thế nào. Thực ra, chúng tôi chỉ có cái tôi trong nghệ thuật; còn trong cuộc sống bình thường, cả hai vẫn hay ngồi nói chuyện với nhau.

Có lẽ, vì làm chung nên chúng tôi hiểu nhau, đồng cảm với nhau nhiều. Hai bà mẹ vẫn nói hai đứa đẻ con đi, mẹ nuôi, rồi muốn làm gì cũng được nhưng Yến đang ở giai đoạn chín nhất, nếu dừng lại giữa chừng thì tiếc cho cô ấy quá.

Tôi chưa bao giờ đặt ra cho mình một hình mẫu lý tưởng nào cả. Chỉ biết, tôi muốn sống với cô gái này. Yến là kiểu phụ nữ nữ công gia chánh vừa đủ, nấu ăn cũng tàm tạm Nhưng tôi nghĩ, cái gì cần thì sẽ học được. Nếu Yến nấu, tôi sẽ phụ bếp, làm rau, làm nước chấm…

Yến thích quần áo, son phấn, trang điểm thật đẹp còn tôi thích chụp hình cho Yến. Hạnh phúc đối với chúng tôi đơn giản chỉ là được ở bên nhau nhiều nhất có thể.

Nghệ sĩ múa Phan Thái Bình

Hiện tôi chỉ thích nghĩ đến chuyện vui vẻ

Vợ chồng tôi đang nôn nóng chờ hoàn thiện nhà để dọn qua. Tôi muốn trang trí tổ ấm của mình sao cho ấm cúng, để lúc nào cũng muốn về nhà; để vợ chồng cùng nấu ăn, dọn dẹp, thỉnh thoảng rủ bạn bè đến chơi.

Ngoài sàn tập ở nhà hát, ở nhà, chúng tôi cũng làm một sàn tập nhỏ để lúc nào ngẫu hứng sẽ tự tập với nhau. Bình là kiểu đàn ông rất tâm lý, lại có khiếu thẩm mỹ. Hình tôi đăng trên Facebook, chủ yếu là do Bình chụp.

Khi đi mua quần áo, Bình thích chọn đồ cho vợ. Những đồ Bình lựa, thường thì tôi sẽ mặc được lâu. Có những thứ tôi thích lắm mà Bình bảo không hợp, tôi vẫn cố thử, thử xong thấy đúng là không hợp thật. Nếu lén đi mua đồ, thể nào cái áo hoặc cái váy đó tôi cũng chỉ mặc được vài ba ngày rồi không mặc nữa.

Thu nhập từ nghề không ổn định lắm, vẫn chưa trả hết tiền mua nhà nhưng chúng tôi tin rằng, chuyện gì cũng có hướng giải quyết. Hiện tôi chỉ thích nghĩ đến những chuyện vui vẻ, tích cực.

Nghệ sĩ múa Trần Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI