Sân khấu kịch TPHCM chuyển mình

11/02/2023 - 18:06

PNO - Sâu khấu kịch TPHCM năm 2022 mang 2 sắc thái: nửa năm đầu trầm lắng và nửa năm sau dần sôi động. Bước sang năm 2023, các sân khấu vẫn trên đà hoạt động thuận lợi, có bước chuyển mình phù hợp để tiếp tục phát triển.

Củng cố nội lực

Sàn kịch TPHCM đã có mùa diễn tết thắng lợi. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, hiệu quả hoạt động sân khấu (SK) không thể đánh giá qua chỉ mùa diễn tết, mà phải xem trong bối cảnh cả năm. Thực tế năm 2022 càng khiến các nhận định thêm dè dặt. Từng khởi động năm mới rất hứng khởi nhưng không lâu sau, 2 thương hiệu nổi bật của làng kịch TPHCM là Hoàng Thái Thanh và kịch Hồng Vân phải chuyển mô hình hoạt động để “tự cứu mình”.

Vở Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân gây ấn tượng mạnh với khán giả sinh viên tại UEH Theatre - ẢNH: HOÀNG KIM
Vở Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân gây ấn tượng mạnh với khán giả sinh viên tại UEH Theatre - Ảnh: Hoàng Kim

“Có thời điểm, TPHCM có đến 10 điểm diễn kịch cùng hoạt động. Lượng khán giả bị phân tán. Nội lực các SK cũng hao hụt theo các điểm diễn. Từ đó, không đảm bảo chất lượng để thu hút thêm khán giả mới lẫn giữ chân khán giả cũ. Việc SK co cụm là tất yếu, cũng là cơ hội để các đơn vị nhìn lại và củng cố nội lực, khắc phục hạn chế để giữ vị thế” - NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận định.

Vấn đề của SK Hoàng Thái Thanh không nằm ở chất lượng mà là không gánh nổi lịch diễn dàn trải với nhiều rủi ro (diễn viên kẹt show, khán giả sụt giảm khiến SK liên tục bù lỗ, phát sinh nhiều chi phí…).

Chuyển sang hình thức “mùa diễn” nhằm giải quyết vấn đề trên khi SK tập trung được nguồn lực ổn định để tác phẩm có chất lượng cao nhất cũng như tập hợp được khán giả, tránh rải rác. Đợt tái diễn 10 vở kịch tiêu biểu, “mùa diễn” đầu tiên với vở kịch tâm lý tình cảm Mùi của hạnh phúc và đợt diễn tết với vở Trái tim oan khuất làm chủ lực, cho thấy cách tiếp cận mới đã phát huy hiệu quả khi lượng khán giả đến với SK Hoàng Thái Thanh khá ổn định.

NSND Hồng Vân cũng chủ trương tập trung cho dự án lớn và hướng về SK học đường. Trong đó, dự án UEH Theatre - hợp tác với Trường đại học Kinh tế TPHCM - đã có khởi đầu tích cực. 2 vở Quyền lực và tình yêu Ai tư vãn - Uẩn khúc Ngọc Hân tuy chỉ do các học viên khóa đào  tạo diễn xuất nâng cao của SK Hồng Vân diễn nhưng đã để lại nhiều ấn tượng cho các khán giả sinh viên.

Với UEH Theatre, SK Hồng Vân tiếp tục phát huy các khóa đào tạo diễn xuất ngắn hạn lẫn chuyên sâu cũng như các dự án truyền cảm hứng nghệ thuật cho giới trẻ.

SK Trương Hùng Minh của thầy trò nghệ sĩ Minh Nhí - Việt Hương cũng hoạt động với mô hình tương tự. Đây là sàn diễn thực hành lẫn nơi làm nghề cho các diễn viên trẻ được nghệ sĩ Minh Nhí đào tạo.

Mùa diễn tết Nguyên đán Quý Mão, sân khấu 5B đại thắng với kịch thiếu nhi
Mùa diễn tết Nguyên đán Quý Mão, sân khấu 5B đại thắng với kịch thiếu nhi

Nhà hát kịch SK Nhỏ - 5B sau thời gian dài “hụt hơi” đã khởi sắc hẳn với nỗ lực “trẻ hóa” phong cách và đa dạng hóa hoạt động. “Bà bầu” Mỹ Uyên đã mạnh dạn mời gọi và tạo điều kiện cho các lực lượng làm nghề, nhất là các bạn trẻ. Việc cho ra đời chương trình SK thiếu nhi vào cuối tuần và chùm hài kịch vào giữa tuần đã tạo bước ngoặt giúp 5B chuyển mình mạnh mẽ.

SK IDECAF và SK Thế Giới Trẻ vẫn giữ phong độ với lượng khán giả trung thành qua nhiều năm, sự trở lại của các ngôi sao từng gắn bó. Diễn viên Đại Nghĩa trở lại IDECAF sau 5 năm; Thu Trang, Diệu Nhi và Tiến Luật cũng tái ngộ khán giả SK Thế Giới Trẻ sau thời gian tập trung cho phim ảnh. Cả IDECAF và Thế Giới Trẻ, với sức hút của dàn diễn viên danh tiếng, giỏi nghề và kịch bản đậm chất giải trí, vẫn đang “cháy vé” các suất diễn sau tết.

Hướng đi mới

Tháng 11/2022, “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn ra mắt nhà hát Thanh Niên với vở 12 bà mụ trong chương trình tái diễn 5 tác phẩm kinh điển của SK IDECAF và lập tức “sốt vé”. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Anh Tuấn, những kết quả từ SK IDECAF sẽ không ảnh hưởng hay tạo lợi thế cho nhà hát Thanh Niên mà việc thành bại phụ thuộc vào những kế hoạch riêng cho SK này.

Thế mạnh của SK kịch TPHCM là các SK có phong cách riêng và có khán giả, nhờ vậy bán vé được. SK IDECAF thu hút bởi những vở diễn có chiều sâu và các ngôi sao diễn xuất; 5B là SK chính kịch, thử nghiệm; SK Hoàng Thái Thanh nổi bật với dòng kịch tâm lý tình cảm và thái độ làm nghề đầy nghiêm cẩn; SK Hồng Vân gầy dựng thương hiệu từ kịch văn học…

Có thời gian, một số SK chạy theo thị trường đã dần đánh mất phong cách để lại tiếc nuối cho khán giả cũng như tự hại chính mình. Khi SK Hồng Vân tìm về với kịch văn học, nhà hát Thanh Niên gầy dựng lớp khán giả mới, 5B quan tâm khán giả thiếu nhi và tác phẩm thử nghiệm… thì SK kịch TPHCM đang trở lại đúng quỹ đạo. Tất cả đều rất đáng hy vọng, nhất là trong bối cảnh Hội SK TPHCM đang ra sức chuẩn bị cho Liên hoan SK TPHCM lần I, dự kiến diễn ra cuối năm 2023.

Ông Tôn Thất Cần - Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM

2 tác phẩm đầu là vở nhạc kịch Em em chị chị và vở hài kịch Bất ngờ chưa bà già? đạt 200-250 vé/suất vào mùa diễn tết vừa qua là tín hiệu vui. “Tiêu chuẩn bình thường khoảng 300 ghế, nhưng với một điểm diễn mới, lại không có ngôi sao phòng vé thì lấp được 75 - 80% số ghế quy định là đạt yêu cầu. Quan trọng là phản hồi của khán giả với tác phẩm mới, đặc biệt là vở nhạc kịch rất tốt. Tôi đã đặt hàng Quốc Thịnh và Tuyết Mai - tác giả và đạo diễn của Em em chị chị - làm thêm một vở nhạc kịch với nội dung vui nhộn hơn” - ông Huỳnh Anh Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng đã đặt hàng thực hiện một vở nhạc kịch cho khán giả tuổi teen và triển khai chương trình kịch lịch sử học đường trong năm 2023.

Tuy nhiên, vấn đề khá nan giải của nhà hát Thanh Niên là việc tu sửa khán phòng Nhà văn hóa Thanh Niên TPHCM vốn không đủ tiêu chuẩn một SK biểu diễn, nhất là khâu cách âm. Thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn nhận rất nhiều phản ánh, góp ý về những hạn chế của điểm diễn này. “Tôi vẫn lắng nghe hết sức cầu thị và từng bước sửa chữa, khắc phục những yếu tố kỹ thuật làm ảnh hưởng đến không gian thưởng thức nghệ thuật của khán giả” - ông Tuấn cho biết.

Năm 2023, công tác đào tạo của SK Hồng Vân cũng có những nét mới. NSND Hồng Vân cho biết sẽ chọn lọc khoảng 30 học viên nổi trội từ các lớp đào tạo diễn xuất nâng cao trước đây để tiếp tục đào tạo chuyên sâu và bồi dưỡng trở thành lực lượng hoạt động nòng cốt tại UEH Theatre. Cùng với UEH Theatre, những vở diễn của dòng kịch văn học nổi tiếng trước đây của SK Hồng Vân, như: Nỏ thần, Bỉ vỏ, Số đỏ… cũng sẽ trở lại, với sự tăng cường của các nghệ sĩ gạo cội, diễn viên tên tuổi ở một số vở.

Hiệu ứng tốt của vở nhạc kịch Em em chị chị giúp ông Huỳnh Anh Tuấn tự tin tiếp tục đầu tư thực hiện nhạc kịch cho nhà hát Thanh Niên
Hiệu ứng tốt của vở nhạc kịch Em em chị chị giúp ông Huỳnh Anh Tuấn tự tin tiếp tục đầu tư thực hiện nhạc kịch cho nhà hát Thanh Niên

Kịch 5B, ngoài việc củng cố và tiếp tục phát huy thành công từ chương trình SK thiếu nhi và chùm hài kịch sẽ tăng các suất diễn quảng bá, thử nghiệm qua phương thức xã hội hóa. Tác giả Trần Văn Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Tác giả (Hội SK TPHCM) - cho biết, hàng năm hội chỉ có thể đầu tư dàn dựng 1 kịch bản đạt giải A từ trại sáng tác theo kế hoạch năm, trong khi đó vẫn còn những giải B, giải C với các ý tưởng hay, phù hợp các tiêu chí để dàn dựng, quảng bá. Nguồn kịch bản này của Chi hội Tác giả hiện rất phong phú và nhiều tác giả vẫn mong muốn đưa “đứa con tinh thần của mình” đến với công chúng.

Theo Phó chủ tịch Hội SK TPHCM Tôn Thất Cần: “Chi hội Tác giả và các tác giả chủ động tìm nguồn lực để dàn dựng, quảng bá tác phẩm là nỗ lực đối thoại chân chính với khán giả của người cầm bút; nếu làm tốt, sẽ thu hút thêm nhiều thành phần tham gia. Nỗ lực này cũng góp phần đưa 5B trở lại tiêu chí ban đầu là SK thử nghiệm, SK đối thoại và dẫn dắt khán giả, cũng như tối đa hóa công năng hoạt động của 5B”.

SK Hoàng Thái Thanh ngoài việc tập trung cho mùa diễn tiếp theo cũng đã ký hợp đồng nhiều suất diễn chương trình văn học ngoại khóa cho các trường học. Đây là chương trình được SK Hoàng Thái Thanh duy trì và phát huy những năm qua.

Ninh Lộc 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI