‘Sân khấu không khán giả là sân khấu chết!’

14/12/2018 - 16:36

PNO - NSND Trần Ngọc Giàu chia sẻ trăn trở của ông về thực trạng sân khấu tại Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM vào sáng nay, 14/12.

Lễ kỷ niệm 55 thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM diễn ra sáng nay tại số 81, Trần Quốc Thảo, quận 3. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đã chia sẻ nhiều thông tin về hoạt động của Hội. Theo đó, hệ thống tổ chức của Liên hiệp hiện có 9 Hội thành viên với trên 5.500 hội viên.

Trong quá trình 55 năm từ ngày thành lập đến nay, Liên hiệp đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa gắn với sự phát triển của đất nước. Ba giai đoạn được Liên hiệp chia ra gồm: giai đoạn từ 1963 – 30/4/1975, giai đoạn 10 năm đầu sau giải phóng, giai đoạn 30 năm “Đổi mới” đều để lại nhiều dấu ấn. Hiện tại, Liên hiệp tiếp tục đề ra và thực hiện nhiều hoạt động theo từng nhóm lĩnh vực cụ thể để thích ứng với những thay đổi trong thời kỳ mới.

‘San khau khong khan gia la san khau chet!’
NSƯT Cao Minh thể hiện một tiết mục văn nghệ vào đầu chương trình.

Đáng chú ý, tại lễ kỷ niệm, NSND Trần Ngọc Giàu, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM chia sẻ nhiều trăn trở của ông về tình hình sân khấu hiện nay.

“Chủ trương xã hội hóa của Nhà nước là một chủ trương đúng nhưng nó lại làm người ta giật mình khi sân khấu lâm vào tình trạng khó khăn. Trước giải phóng, chúng ta đã có những đơn vị nghệ thuật làm các vở tuyên truyền, nhưng không được tài trợ. Sau giải phóng, chúng ta có Trần Hữu Trang nhưng đồng thời cũng có thêm hàng chục đoàn cải lương tư nhân. Do đó, việc xã hội hóa với sân khấu – nghệ thuật là bản chất”, NSND Trần Ngọc Giàu nói.

‘San khau khong khan gia la san khau chet!’
Nhiều đại biểu, nghệ sĩ lão thành tham gia sự kiện.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, sự lo lắng từ phía nghệ sĩ về việc Nhà nước không đầu tư nhiều vào lĩnh vực sân khấu là có lý do. Tuy nhiên, nghệ sĩ không thể mãi trông chờ mà chôn chân một chỗ: “Sân khấu không có khán giả là sân khấu chết nên khi lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều nghệ sĩ sợ Nhà nước buông tay. Nhưng, chúng ta phải tập dần với thói quen rằng các đơn vị kịch nói, cải lương phục vụ theo nhu cầu. Nhiệm vụ của nghệ sĩ là phục vụ công chúng, không chỉ tập trung chạy theo thị trường”.

Để thực hiện trách nhiệm với công chúng, NSND Trần Ngọc Giàu mong muốn thế hệ nghệ sĩ hiện nay phải nâng tầm bên cạnh việc trông chờ vào tài trợ từ Nhà nước. “Không chỉ đề tài mà hình thức thể hiện, tài năng nghệ sĩ trong thời buổi hiện tại cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta tài năng và mới mẻ trong hình thức thể hiện thì lo gì việc xã hội hóa nhưng đương nhiên, Nhà nước phải có động thái hỗ trợ nghệ sĩ, đừng buông tay”, NSND Trần Ngọc Giàu khẳng định.

‘San khau khong khan gia la san khau chet!’
Nhà văn Vũ Hạnh, NSND Trần Ngọc Giàu và ca sĩ Yang Tyun giao lưu tại chương trình

Tin, ảnh: Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI