PNO - Hành trình mười năm, dẫu đi qua nhiều thăng trầm, bên cạnh những nụ cười là không ít nước mắt, thì sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn có một niềm tin bất biến: trần gian này không thể thiếu tình yêu.
Mười năm, sân khấu kịch thành phố không ngừng dịch chuyển. Những sân khấu mới ra đời, những sân khấu tưởng đã định hình phong cách riêng phải loay hoay đổi hướng, tìm cách thích nghi để tồn tại. Có những sân khấu phải đóng cửa vì nhiều lý do chủ quan lẫn khách quan. Trong thế xoay vần đó, sân khấu Hoàng Thái Thanh (SK HTT) vẫn kiên định với chọn lựa của mình - giữ cho sân khấu luôn là một thánh đường - nơi chắp cánh những tâm hồn bay bổng, thăng hoa với những cảm xúc đẹp - dẫu thánh đường đó có chật chội và điều kiện còn nhiều thiếu thốn…
Sinh nhật lần thứ bảy, hai thành viên đồng sáng lập SK HTT là NSƯT Thành Hội và đạo diễn (ĐD) Ái Như đã khiến khán giả thổn thức khi hóa thân thành đôi bạn Boris và Pierre trong vở Đêm Thiên Nga. Nỗi niềm, khát vọng của các nhân vật trên sân khấu cũng chính là nỗi lòng của những người gầy dựng SK HTT, với ước mơ xây dựng một điểm diễn để mình và các học trò được làm nghệ thuật tử tế. Không giỏi làm kinh tế, không biết cách lăng-xê, quảng cáo, tiếp thị… NSƯT Thành Hội và ĐD Ái Như chỉ có một “bí quyết” duy nhất, giúp họ gắn bó và kiên định với lựa chọn của mình, đó là tình yêu bất biến dành cho sân khấu.
Boris - Pierre trong Đêm Thiên Nga - vở diễn mang nhiều khắc khoải, nỗi niềm và cả tình yêu mãnh liệt dành cho sân khấu của NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như
Nổi tiếng là sân khấu có kỷ luật thép, thời gian tập vở thường được các diễn viên ví như thời gian “cắm trại” liên tục trong ba tuần. Khi tất cả các sân khấu bị động vì diễn viên chạy show, hầu hết đều phải chấp nhận thỏa hiệp, rút ngắn thời gian tập còn khoảng một tuần đến mười ngày cho một vở diễn, thì SK HTT vẫn “cứng rắn” để có một tác phẩm tử tế nhất trong khả năng của mình. Nhưng đổi lại, không ít lần hai người đứng đầu sân khấu vẫn cứ phải ngậm ngùi nén nỗi buồn lại, với những lời trách móc ngược của một vài diễn viên, cho rằng ĐD khó tính, quản lý sân khấu “làm khổ” họ. Phớt lờ những điều đó, SK HTT vẫn bền bỉ với con đường của mình: kiên quyết không ra vở mới khi chưa có đủ thời gian tập luyện.
Không chỉ chỉn chu trong tập luyện, SK HTT còn là một trong số hiếm hoi những sân khấu nghiêm cẩn ngay từ khâu kịch bản. Mỗi năm bốn vở diễn là áp lực không nhỏ với những người quản lý. Không chấp nhận kiểu phát triển kịch bản khi lên sàn như cách làm hiện nay của hầu hết các sân khấu, SK HTT chỉ lên sàn với kịch bản hoàn chỉnh. Không đặt được kịch bản, “ông bà bầu” của SK HTT đành “kiêm nhiệm” luôn vai trò tác giả.
Có những đồng tác giả “sốc” khi bị tác giả Hoàng Thái Thanh phản biện về tính logic của kịch bản hay tính cách nhân vật. Nhưng nếu “tiếp cận” những buổi làm việc của họ, hẳn nhiều người sẽ còn ngạc nhiên hơn khi nghe NSƯT Thành Hội và ĐD Ái Như phản biện lẫn nhau. ĐD Ái Như lý giải: “Phản biện là không thể thiếu khi sáng tác kịch bản. Phản biện để biết những gì mình nghĩ có thực sự hợp lý? Nếu chính mình - người chấp bút sáng tạo kịch bản còn không lý giải được những tình huống kịch, cách ứng xử của các nhân vật trong từng hoàn cảnh, thì làm sao có thể thuyết phục người xem?”.
Và nồng nàn yêu thương cuộc sống, con người
Mười năm với hơn 40 vở diễn, nhưng tiếng vang của SK HTT với công chúng không chỉ là con số, mà còn là những thông điệp, giá trị nhân văn ở từng tác phẩm. Tình yêu là điều không bao giờ thiếu trong các vở diễn của SK HTT. Không đơn thuần là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, hay tình người rất đỗi bình dị mà mỗi cá nhân trong cuộc sống này dành cho nhau.
Dù là kịch tâm lý, kịch hài, hay dòng kịch phảng phất chất liêu trai, những vở diễn của SK HTT đều dẫn dắt khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc khác biệt. Ở đó có cả nụ cười xen lẫn nước mắt, không phải bi lụy, mà là những giọt nước mắt xúc động vì tình yêu dung dị. Đó là tình cảm cô Đơn dành cho ông Hai, là sự hy sinh tình cảm riêng tư của cả hai với ước mong con cháu mình sẽ được hạnh phúc vẹn tròn (Mơ trăng bóng nước); là cư dân xóm nghèo nhưng giàu tình nghĩa, sẵn sàng cưu mang những người khó khăn hơn mình (Sài Gòn có một ngã tư); là cô giáo Hoài nhớ nhớ, quên quên. Cô có thể quên mọi thứ, nhưng không bao giờ quên ra ga đón chồng ngày 29 tết suốt 25 năm ròng rã (29 anh về)…
Tình yêu thương hình thành nên những diện mạo rất riêng cho các tác phẩm của SK HTT, như một lời gởi gắm: dẫu cuộc đời có đắng cay, thì trái ngọt vẫn sẽ đến, giông bão nào cũng sẽ tan, khi cuộc sống này vẫn còn tình yêu thương.
Hai suất diễn đặc biệt Hoàng Thái Thanh - Một thập kỷ yêu thương sẽ diễn ra lúc 16g ngày 15 và 16/2 tại SK HTT - 139 Bắc Hải, Q.10, TP.HCM. Chương trình là một chuỗi hoạt động gồm triển lãm, giao lưu, phần biểu diễn của dàn nhạc với những ca khúc đã được sử dụng trong các vở diễn của SK HTT và những trích đoạn được trích từ những tác phẩm để lại nhiều ấn tượng đẹp cho khán giả trong suốt mười năm qua.