Sân khấu hóa môn giáo dục địa phương

11/03/2023 - 06:23

PNO - Với chủ đề “Danh sư Võ Trường Toản - Vạn thế sư biểu vùng đất phương Nam”, các em học sinh đã được xem lại vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản một cách trực quan, sinh động ngay tại sân trường.

 

Thành viên CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ kết hợp cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Du thực hiện vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản
Thành viên CLB Nghiên cứu vinh danh Văn hóa phương Nam kết hợp cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Du thực hiện vở diễn về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo Võ Trường Toản

Ngày 9/3, ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - cho biết nhà trường vừa phối hợp với Câu lạc bộ Nghiên cứu vinh danh văn hóa phương Nam tổ chức sân khấu hóa môn giáo dục địa phương với chủ đề "Danh sư Võ Trường Toản - vạn thế sư biểu vùng đất phương Nam".

Với thời lượng 90 phút, diễn giả Hồ Nhựt Quang - học trò của cố giáo sư Trần Văn Khê - đã trình bày một cách toàn diện và bao quát nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa của vùng đất Sài Gòn năm xưa và TPHCM ngày nay.

Chương trình đã giúp gần 1.700 học sinh của nhà trường và toàn thể cán bộ, giáo viên, các giáo sinh hình dung về một thời hào hùng của cha ông ta thuở dựng thành, đắp lũy tạo nên vùng đất Gia Định, Thị Nghè năm xưa. Học sinh được lắng nghe những điều minh triết từ cuộc đời và sự nghiệp của vị danh sư lẫy lừng đất phương Nam - cụ Võ Trường Toản. Cụ còn được mệnh danh “cụ tổ ngành giáo dục Nam Kỳ” đất Sài Gòn xưa.

Học sinh toàn trường đã tham dự và viết bài thu hoạch chấm lấy điểm kiểm tra thường xuyên với môn văn và giáo dục công dân. Đối với lớp Mười, các em làm thêm bài kiểm tra để đánh giá đối với môn giáo dục địa phương. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nhà trường mong muốn biến giáo dục địa phương thành môn học ý nghĩa, truyền cảm hứng, để học sinh và cả thầy cô được hiểu hơn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng đất mình đang sống.

Thông qua trích đoạn trên sân khấu, học sinh đã học được nhiều bài học đạo đức làm người, trong đó có bài học về phụng sự nhân dân và Tổ quốc. Phương pháp sân khấu hóa giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng nhờ sự trực quan sinh động, giàu cảm xúc và thú vị nhất là chính các em học sinh cùng được hóa thân thành nhân vật lịch sử.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục địa phương là 1 trong 8 môn bắt buộc của khối lớp Mười, song thời gian qua chưa thể giảng dạy vì chưa có tài liệu. Từ học kỳ II, các trường THPT ở TPHCM bắt đầu triển khai giảng dạy môn học này. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI