Sân khấu đương đại Việt Nam: Vẫn đang trên đường định hình

08/04/2022 - 19:45

PNO - Sân khấu đương đại thời gian qua được nhìn chủ yếu từ các tác phẩm thử nghiệm, cụ thể là những tác phẩm dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế, mà phần đông vẫn là người trong nghề tự xem nhau.

 Thời hội nhập, nhiều xu hướng nghệ thuật mới từ bên ngoài được du nhập và dần quen thuộc qua thuật ngữ chung: “nghệ thuật đương đại”. Lĩnh vực sân khấu cũng đã có nhiều thay đổi, tiếp cận các xu hướng thế giới. Tuy nhiên diện mạo sân khấu đương đại Việt Nam vẫn không dễ mô tả.

Từ “địa chấn” Hạn hán và cơn mưa 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái, các khái niệm về nghệ thuật đương đại, trong đó có sân khấu đương đại, du nhập vào nước ta không qua tài liệu, sách vở, mà bằng tác phẩm cụ thể và mang đậm dấu ấn phương Tây. Vở diễn đương đại đầu tiên là kịch múa Hạn hán và cơn mưa của nữ biên đạo người Pháp gốc Việt Thủy Ea Sola, ra mắt năm 1995. Vở diễn phá vỡ những quan điểm về nghệ thuật múa truyền thống, đã tạo “địa chấn” trong giới làm nghề lẫn báo chí. 
 

Sau mỗi suất diễn vở Nhật thực, ê-kíp vở diễn đều giao lưu với khán giả, trao đổi về những điểm thử nghiệm mới mẻ của vở
Sau mỗi suất diễn vở Nhật thực, ê-kíp vở diễn đều giao lưu với khán giả, trao đổi về những điểm thử nghiệm mới mẻ của vở

Tương tự, Huyền thoại cuộc sống của đạo diễn Lê Quý Dương cũng gây tranh cãi kịch liệt khi ra mắt cuối năm 2004. Vở diễn tiếp tục được mổ xẻ khi tham gia Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần II - 2006.

Sân khấu đương đại mang dấu ấn của sự tìm tòi cái mới, và công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn của người làm sân khấu, vì phải thuyết phục được khán giả chấp nhận cái mới đó. Dù khán giả hiện nay có thể chủ động tiếp cận nhiều cái mới, thì vẫn cần sự dẫn dắt từ giới làm nghề, vẫn chờ đợi sự sáng tạo từ chính người nghệ sĩ. Vì vậy, cần nhiều thêm những nghệ sĩ dám dấn thân sáng tạo và đương đầu với dư luận. Đồng thời, giới phê bình, giới làm nghề cũng cần mở lòng chứ đừng vội vùi dập.

NSND Trần Minh Ngọc

 

Với nhiều người, đấy chỉ là một màn sắp đặt rối rắm của đủ hình thức trình diễn truyền thống đến hiện đại. Nhưng số khác, trong đó có cố giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê, lại đánh giá cao sự sáng tạo của tác phẩm, với quan điểm đạo diễn Lê Quý Dương đã “mang những điều học được từ khắp thế giới để vun đắp cho văn hóa Việt Nam một cách nhuần nhuyễn”.

Đặc biệt, “sân khấu đương đại” thời gian qua được nhìn chủ yếu từ các tác phẩm thử nghiệm, cụ thể là những tác phẩm dự Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế (đã tổ chức đến lần thứ tư vào năm 2019), mà phần đông vẫn là người trong nghề tự xem nhau. Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm duy trì được đời sống. Như vở cải lương Nhật thực thử nghiệm “diễn cải lương một mình” của đạo diễn Nguyên Đạt, vẫn đều đặn diễn tại Sân khấu Sen Việt (TP.HCM). Sân khấu Lucteam (Hà Nội) của đạo diễn Trần Lực với phong cách biểu diễn biểu hiện - ước lệ, đã tìm được lượng khán giả ổn định. Những Quẫn, Nữ ca sĩ hói đầu, Bạch đàn liễu… của Lucteam đều thú vị và đầy thu hút, dù phương thức thể hiện khác xa kịch nghệ 
truyền thống…

Vở cải lương Ngạ quỷ với sự kết hợp của nghệ thuật rối vào nghệ thuật cải lương mang lại ấn tượng mới mẻ cho người xem
Vở cải lương Ngạ quỷ với sự kết hợp của nghệ thuật rối vào nghệ thuật cải lương mang lại ấn tượng mới mẻ cho người xem

Tương tự, vở cải lương Ngạ quỷ Ngàn năm mây trắng của NSND - tiến sĩ Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) mang nhiều yếu tố cách tân, đổi mới đối với sân khấu cải lương, cũng được khán giả đón nhận.

Theo NSND - tiến sĩ Triệu Trung Kiên: “Nghệ thuật muốn tồn tại phải đổi mới. Nghệ thuật đương đại hôm nay đương nhiên không thể giống như nghệ thuật của quá khứ. Nghệ thuật sân khấu, trong đó có sân khấu cải lương được quyền cách tân, đổi mới. Và khi đã luôn cách tân, đổi mới, thì nó đã hàm chứa yếu tố đương đại trong mình. Tuy nhiên, đã là nghệ thuật thì đều phải hướng đến khán giả. Đổi mới, cách tân thế nào cho phù hợp với người xem và giữ chân được người xem, vì người xem cũng chính là một yếu tố cấu thành nên nghệ thuật đương đại. Riêng nghệ thuật cải lương còn có nhiệm vụ bảo tồn, nên đổi mới, cách tân đến đâu cũng không được phép làm mất đi cái gốc của nghệ thuật này”.

Nghệ thuật đương đại giải phóng người nghệ sĩ và cho họ quyền tự do sáng tạo không giới hạn. Vì thế, một số tác phẩm tỏ ra kỳ quặc, khó hiểu, không phù hợp với đại chúng. Cũng có nhiều nghệ sĩ lạm dụng nguyên tắc đương đại để làm nên những thứ phi nghệ thuật, bế tắc, lệch lạc về ý tưởng; phản cảm, dung tục về hình thức thể hiện, cố tình gây sốc vì mục đích cá nhân.

NSND - TS Trung Kiên

 

Kết quả của thử nghiệm

Có thể thấy, yếu tố đương đại hàm nghĩa của cái mới chứ không hề là sự khó hiểu. Và muốn có cái mới thì phải thử nghiệm. Nói như đạo diễn Thái Kim Tùng thì sân khấu đương đại chính là kết quả của thử nghiệm. “Có những thử nghiệm không phù hợp, công chúng không tiếp nhận thì sẽ tự động bị loại trừ. Chỉ những sáng tạo được đón nhận mới hình thành tính đương đại”, đạo diễn Thái Kim Tùng phát biểu.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng sân khấu đương đại Việt Nam hiện vẫn đang trên con đường định hình để trở thành “cái nó mong muốn”. Vì thế, ngoài những tác phẩm thử nghiệm, rất cần những góc nhìn cởi mở để đánh giá khách quan, từ đó đối thoại và hòa giải những xung đột 
mới - cũ.

Vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu của nhóm Lucteam tạo nhiều dấu ấn thú vị khi đạo diễn Trần Lực dùng nhiều vũ đạo của sân khấu tuồng truyền thống thể hiện một kịch bản nổi tiếng của sân khấu thế giới.
Vở diễn Nữ ca sĩ hói đầu của nhóm Lucteam tạo nhiều dấu ấn thú vị khi đạo diễn Trần Lực dùng nhiều vũ đạo của sân khấu tuồng truyền thống thể hiện một kịch bản nổi tiếng của sân khấu thế giới.

Nhiều năm qua, đạo diễn Lê Quý Dương cũng kiên trì “đối thoại” để đến gần hơn với công chúng qua việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu sân khấu quốc tế, như: tổ chức Liên hoan Sân khấu - du lịch Hội ngộ Hà Nội (2019) với sự tham gia của 140 nghệ sĩ sân khấu châu Á, kết nối sinh viên tham gia Liên hoan Các trường sân khấu quốc tế (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), mời các nhóm sân khấu quốc tế đến Việt Nam biểu diễn… Tương tự, các liên hoan sân khấu thử nghiệm những năm qua cũng là một hình thức “đối thoại” của người làm sân khấu, trong nỗ lực tìm cái mới và dung hòa thị hiếu của khán giả.

Đông A

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI