Sân khấu 'đại vĩ tuyến' - ký ức đã xa

14/09/2017 - 12:42

PNO - Cho tới trước khi bị đập đi xây lại, rạp hát Hưng Đạo được xem là 'thánh đường' của nghệ thuật cải lương và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với sự phát triển của cải lương Sài Gòn.

Cho tới trước khi bị đập đi xây lại, rạp hát Hưng Đạo được xem là 'thánh đường' của nghệ thuật cải lương và là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng gắn liền với sự phát triển của cải lương Sài Gòn.

Trong những lần nói chuyện về sân khấu cải lương, NSƯT Nam Hùng thường nhắc thời phim Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ… ồ ạt đổ vào Việt Nam. Để cạnh tranh với những bộ phim màn ảnh rộng có âm thanh, hình ảnh sống động, cải lương cũng hình thành những sân khấu “đại vĩ tuyến” - sân khấu panorama - với phần trang trí tuyệt đẹp và rất thật.

San khau 'dai vi tuyen' - ky uc da xa

Sân khấu Nhà hát Hưng Đạo mới chỉ phù hợp cho những vở diễn đơn giản, ít cảnh trí, ít diễn viên

Một trong những rạp hiện đại nhất thời ấy là Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân). Cuối thập niên 1950 đầu 1960, Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất (3 tầng, sức chứa hơn 1.000 khán giả), có sân khấu rộng và sâu nhất (16 x 10m), khán giả đến xem đông nhất.

Muốn hát ở Nguyễn Văn Hảo, các đoàn đều phải chuẩn bị tuồng tích mới, phục trang đẹp, kỹ thuật hấp dẫn hơn các đoàn khác và cả với chính mình so với những lần xuất hiện trước. Tại rạp hát này, ông bầu Thu An của đoàn Hương Mùa Thu đã khai sinh sân khấu cải lương panorama, sử dụng hết 16m chiều ngang cho tuồng Lá của rừng xanh.

Rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) với khoảng 1.000 ghế từng là nơi nuôi sống Công ty Kim Chung với năm đoàn cải lương trong suốt hàng chục năm trời. Tại Olympic, nhiều tuồng cải lương nổi tiếng đã ra đời như Mạnh Lệ Quân, Lan và Ðiệp, Tâm sự loài chim biển (Áo vũ cơ hàn)… Khán phòng Olympic luôn chật kín khán giả. Công chúng được thoải mái dẫn theo trẻ nhỏ mà không cần thêm tiền vé.

San khau 'dai vi tuyen' - ky uc da xa
Rạp Olympic nay là Trung tâm văn hóa TP.HCM

Trong đà phát triển của sân khấu "đại vĩ tuyến", rạp Hưng Đạo được xây dựng với 1.100 chỗ ngồi, sân khấu lớn, có máy lạnh và thuyết phục được bà bầu Thơ “dời đô” từ rạp Thành Xương (góc Phạm Ngũ Lão - Yersin) về đây. Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga “đóng đô” ở Hưng Đạo khoảng bảy năm. Khai trương rạp mới bằng vở Nửa đời hương phấn, Thanh Minh - Thanh Nga tiếp tục có thêm nhiều vở diễn ăn khách khác ở Hưng Đạo: Con gái chị Hằng, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Áo cưới trước cổng chùa, Vàng sáu bạc mười, Hoa Mộc Lan, Rồi ba mươi năm sau

Sau Hưng Đạo, rạp Quốc Thanh cũng được xây dựng ở đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi, Q.1). Quốc Thanh có 1.000 chỗ ngồi, có máy lạnh, sân khấu lớn tương đương Hưng Đạo và Nguyễn Văn Hảo, là điểm diễn thường xuyên của đoàn Thái Dương và Dạ Lý Hương. Ở Chợ Lớn, một số rạp hát mới cũng được xây dựng trong khoảng thời gian này như Thủ Đô, Cây Gõ… Gia Định có rạp Cao Đồng Hưng (đường Bạch Đằng) là nơi NSƯT Thanh Nga diễn xuất lần cuối vở Thái hậu Dương Vân Nga năm 1978 trước khi qua đời.

San khau 'dai vi tuyen' - ky uc da xa
Rạp Cao Đồng Hưng - nơi NSƯT Thanh Nga diễn xuất lần cuối cùng vở Thái hậu Dương Vân Nga - nay là nhà sách

Cải lương đã đứng vững trước sức tấn công của những bộ phim nhập khẩu và tiếp tục thu hút khán giả. Một số chủ rạp chiếu phim đã sửa các rạp phim thành rạp hát cải lương. Rạp Thái Bình được đoàn Thủ Đô chọn làm nơi khai trương. Các rạp chiếu phim Kinh Thành, Oscar, Kinh Đô cũng lần lượt được sửa lại và nới rộng sân khấu để các đoàn cải lương biểu diễn.

Ngoài những rạp hát nổi tiếng kể trên, Sài Gòn còn có nhiều rạp khác, rải rác khắp các quận. Ngày nay, hầu hết chúng đã biến mất hoặc chuyển đổi công năng. Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành Công Nhân, giao cho Nhà hát Kịch TP.HCM và hiện xuống cấp đến mức nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM - Phan Nguyễn Như Khuê, từng phát biểu ông không dám đưa khách đến tham quan nhà hát kịch công lập duy nhất của TP.HCM, lo cho sự an toàn của các nghệ sĩ vì nhà hát đã quá rệu rã.

Thực tế, tháng 2/2017, một mảng trần ở hậu trường sân khấu bất ngờ đổ xuống khi chương trình Ba thế hệ về lại cội nguồn đang diễn ra. Tai nạn khiến NSƯT Trường Sơn bị thương cánh tay trái. Biết nguy hiểm rình rập, nhưng vì không có nơi diễn, nhiều ông bà bầu vẫn phải thuê rạp Công Nhân để tổ chức các chương trình kịch nói, cải lương…

San khau 'dai vi tuyen' - ky uc da xa

Nơi NSƯT Trường Sơn hóa trang tại hậu trường rạp Công Nhân sau khi một mảng trần nhà sụp xuống (ảnh: Thanh Hiệp)

Rạp Thủ Đô lay lắt hoạt động và mới được bàn giao cho Nhà hát Hát bội. Rạp Đại Đồng giờ thành điểm diễn kịch ma, kịch kinh dị của sân khấu kịch Sài Gòn. Rạp Cao Đồng Hưng đổi tên thành rạp Gia Định và cả Gia Định lẫn Cây Gõ nay đã thành nhà sách.

Cuối thập niên 1990, sau thời gian tạm ngưng hoạt động, rạp Quốc Thanh trở thành trung tâm tiệc cưới và nay được xây thành cao ốc - nơi có cụm rạp chiếu phim thuộc hệ thống Cinestar. Olympic biến thành vũ trường, rồi được giao lại cho Trung tâm Văn hóa TP.HCM làm trụ sở. Rạp Hưng Đạo bị đập bỏ, xây mới với kinh phí hơn 130 tỷ; nhưng sau khi bàn giao lại phải sửa chữa nhiều hạng mục, trang thiết bị…

Nếu cách đây hơn nửa thế kỷ, các “đại bang” cải lương mong mở rộng sân khấu “đại vĩ tuyến” để hấp dẫn khán giả, thì giờ đây mọi thiết kế phải được thu nhỏ. Sân khấu Hưng Đạo chỉ thích hợp với những tuồng cải lương đơn giản, ít cảnh trí, ít diễn viên.
Thuở vàng son của cải lương với những nhà hát đẹp, hiện đại và những đoàn hát nức tiếng, những vở diễn, giọng ca say đắm lòng người dường như đã rất xa. 

UBND TP.HCM đã phê duyệt đề xuất đầu tư hai khu phức hợp trung tâm văn hóa tại rạp Công Nhân và Trung tâm giải trí Monaco (rạp Lao Động A, B cũ) theo theo hình thức BOT. Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa nghệ thuật đa năng tại rạp Công Nhân có tổng vốn đầu tư 152 tỷ đồng, gồm một nhà hát kịch 326 chỗ và ba rạp chiếu phim 126 ghế/ rạp. Monaco sẽ thành Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi đa năng - rạp chiếu phim với tổng vốn 164 tỷ đồng.

Sau năm 1975, với hơn 20 đoàn cải lương, TP.HCM vẫn có nhiều rạp hát sáng đèn mỗi đêm, như: Lao Động B, Thăng Long, Đại Đồng, Huỳnh Long, Gia Định, Thủ Đô, Cây Gõ, Nhân Dân, Lệ Thanh, Olympic, Quốc Thái… Thế nhưng ngày nay, hầu hết các nhà hát đã biến mất hoặc chuyển đổi công năng.

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI